Thính giả Lê Tấn Vang từ Việt Nam hỏi như sau:
“Kính thưa Bác sĩ,
Tôi là nam, 64 tuổi, không có tiểu đường, và đang mắc bệnh BMS, với một số triệu chứng giống như bài nói chuyện của Bác sĩ về 'Rối loạn vị giác' hồi gần đây.
Tôi đã khám nhiều chuyên khoa: tai mũi họng bảo viêm lưỡi, răng hàm mặt bảo dị cảm lưỡi, nội thần kinh bảo tổn thương thần kinh số 9, ung bướu bảo lưỡi bình thường.
Các nơi cho kháng sinh, vitamin PP, B1, B6. B12, thuốc an thần, chống lo âu, trầm cảm, động kinh.
Trị gần năm nay mà bệnh vẫn còn. Mong Bác sĩ cho biết :
1/ Thuốc chữa.
2/ Bệnh kéo dài bao lâu thì tự khỏi?
3/ Bệnh này có gây biến chứng gì không?
4/ Mức độ nóng rát có tăng theo thời gian không?
Rất mong nhận được trả lời sớm nhất từ Bác sĩ. Chân thành cám ơn."
Bác sĩ Hồ Văn Hiền:
Hội chứng rát miệng (Burning Mouth Syndrome)
Trong một bài trước đây tôi đã bàn chi tiết về các rối loạn vị giác. Trả lời câu hỏi của vị thính giả hôm nay, chúng ta sẽ bàn sâu hơn về một loại rối loạn vị giác, gọi là “Hội chứng rát miệng” (burning mouth syndrome, glossodynia, glossopyrosis) hay "bệnh miệng phỏng", có nghĩa là bệnh nhân mỗi ngày có cảm giác như miệng mình bị phỏng, rát và đau, kéo dài hàng tháng và có thể lâu hơn nữa.
Chúng ta gọi đây là một hội chứng (syndrome) vì đây là một số hiện tượng đi với nhau, được bác sĩ ghi nhận nhưng vẫn không hiểu nguyên nhân chính xác và không có thử nghiệm hay phương tiện nào để định bệnh chính xác. Vì có thể bác sĩ khám và thử nghiệm không có gì bất thường,với triệu chứng có vẻ mơ hồ, bệnh nhân có thể bị bác sĩ chuyển từ bác sĩ này qua bác sĩ khác, hoặc nghi là bệnh tưởng tượng hay bệnh tâm thần.
Bệnh nhân phái nữ nhiều hơn là nam, nhất là phụ nữ sau thời kỳ tắt kinh (postmenopausal women). Bệnh nhân sáng ngủ dậy, thấy bình thường, sau đó thì lưỡi, có thể nơi khác trong miệng, bắt đầu đau đớn, càng lúc càng tăng và cho đến chiều tối. Có thể kèm theo các triệu chứng của bệnh lo âu (anxiety), trầm cảm (depression), tiểu đường loại 2 (type 2 diabetes), bệnh thiếu những vitamin (B1, B2, B6) hay chất dinh dưỡng (zinc-kẽm), nhưng trong nhiều trường hợp thì dù chữa những bệnh kèm theo đó bệnh “phỏng miệng” hay “rát miệng” vẫn không khỏi. Như trường hợp vị thính giả nêu ra, bác sĩ chuyên khoa đã cố gắng giải quyết từ nhiều mặt như cho uống thuốc trầm cảm (antidepressant, vd amitriptyline [Elavil]), uống thuốc an thần (vd benzodiazepine: clonazepam [Klonopin]), thuốc chống co giật, có khả năng làm giảm các cơn đau do viêm dây thần kinh) vitamin nhưng không hiệu quả. Một số bệnh nhân có thể bị hội chứng rát miệng vì dùng thuốc hạ áp huyết loại ACE inhibitor (vd lisinopril), ngưng thuốc sẽ khỏi.
Cơ chế gây "rát miệng:
‘Hội chứng rát lưỡi’ có thể liên hệ đến cơ năng vị giác. Vị giác phần lớn do thần kinh số 7 (nhánh chorda tympani cho vùng phía trước lưỡi) và thần kinh số 9 (glossopharyngeal nerve, phụ trách phía sau lưỡi) và cảm giác đau ở vùng miệng do thần kinh số 5 (trigeminal nerve) phụ trách. Một sự mất quân bình giữa các dây thần kinh này có thể là một nguyên nhân gây ra hội chứng "rát lưỡi", nhưng đây chỉ là giả thuyết. Người ta nhận xét những người có khả năng "nếm" khác thường (supertasters) hay bị hội chứng rát miệng hơn người thường, có lẽ vì họ có nhiều taste buds hơn.
Trị liệu:
Bao nhiêu bác sĩ chuyên môn đã khám và điều trị cho bệnh nhân, chúng ta khó mà đưa ra một giải pháp dứt khoát được.
Tôi xin nêu ra hai cách trị liệu chưa được nhắc tới:
1) Clonazepam dissolvable wafers: thuốc clonazepam (Klonopin) là một thuốc chống co giật và lo âu (anxiety disorders). Một khảo cứu dùng thuốc này tại chỗ (topical) cho 33 bệnh nhân và sau 1 tháng cũng như sau 6 tháng, chừng 2/3 (23/33) bệnh nhân dùng thuốc có thể giảm 50% triệu chứng, so với chừng 10% (4/33-2/33) những người dùng thuốc giả. [1]
Trong một khảo cứu khác, tác dụng clonazepam trong miệng được kết hợp với tác dụng toàn thân: 36 bệnh nhân cho viên thuốc tan trong miệng trước khi uống, 3 lần/ngày trong 6 tháng. 80% giảm đau (trên 50%) sau 6 tháng (Amos K.,Yeoh SC, Farah CS) [2].
2) Dùng tác dụng của chất capsaicin trong ớt (desensitization of afferent C fiber endings): súc miệng bằng hỗn hợp 1 phần ớt + 2 phần nước, tăng dần đến mức 1 phần ớt +1 phần nước. Súc miệng nhiều lần trong ngày.[3]
Tiến trình:
Trung bình bệnh kéo dài chừng 3-4 năm, có người đến 12 năm. [4]
Tiến trình tự nhiên chưa được nghiên cứu kỹ. Có khảo cứu cho thấy bệnh tự khỏi 5-7 năm.
Theo tôi nghĩ, do định nghĩa của hội chứng này, thì các khám nghiệm khác trên bệnh nhân đều bình thường, cho nên, ngoài khổ sở vì đau và tác dụng của sự đau đớn trên cuộc sống ("well being") và tinh thần người bệnh, không có biến chứng gì đặc biệt.
Chúc bệnh nhân may mắn,
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
References:
(1) http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/22750263
(2) http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/21528119
(3) http://www.aafp.org/afp/2002/0215/p615.html
(4) http://medind.nic.in/iaa/t12/i8/iaat12i8p145.pdf
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
----------------------------------------------
Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Qúy vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.
Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của qúy vị.