Con đường trở lại dân chủ của Thái Lan tiếp tục gặp phải một chướng ngại lớn hôm Chủ nhật, khi hội đồng lập pháp do quân đội hậu thuẫn bác bỏ một đề nghị hiến pháp mới.
Hội đồng Cải cách Quốc gia biểu quyết bác bỏ đề nghị hiến chương với tỉ lệ 135 trên 105, và 7 phiếu trắng.
Chính phủ quân nhân nay thành lập một ủy ban mới, và ủy ban đó sẽ có 6 tháng để soạn thảo một hiến pháp mới để hội đồng xem xét thông qua trước khi được đưa ra biểu quyết toàn dân.
Điều này có nghĩa là cho đến một thời điểm nào đó trong năm 2017 mới có bầu cử. Chính phủ quân nhân trước đó dự trù sẽ tổ chức bầu cử vào cuối năm 2016 nếu hiến chương được Hội đồng Cải cách Quốc gia thông qua.
Đề nghị hiến chương bị hầu như tất cả các chính đảng bác bỏ vì họ cho rằng hiến chương đó sẽ cho phép quân đội tiếp tục nắm giữ quyền lực.
Các đảng phái chỉ ra một quy định được áp dụng để thành lập một hội đồng 23 thành viên do quân đội chiếm đa số áp đảo để chiếm quyền kiểm soát chính phủ dân cử khi xảy ra "khủng hoảng" quốc gia.
Quân đội Thái Lan lên cầm quyền từ tháng 5 năm ngoái khi họ lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra và bãi bỏ hiến pháp. Đất nước đã bị bao phủ bởi tình hình chính trị bất ổn kể từ khi anh của bà Yingluck là ông Thaksin lên làm thủ tướng năm 2001.
Ông Thaksin được sự ủng hộ của người dân nghèo Thái Lan, nhưng không được chấp nhận bởi giới ưu tú bảo thủ và bảo hoảng, và cuối cùng ông đã bị lật đổ bằng một cuộc đảo chánh quân sự năm 2006.
Hai bên đã tranh giành quyền bính qua lại kể từ đó, và đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình lớn trên đường phố, và có lúc đã biến thành bạo động.
Một khi được thông qua, hiến pháp mới sẽ là hiến pháp thứ 20 của Thái Lan kể từ khi chuyển sang nền dân chủ vào năm 1932.