Đường dẫn truy cập

Hội nghị ASEAN đặt trọng tâm vào Biển Đông qua văn kiện bị tiết lộ


Bản dự thảo tuyên bố của Chủ tịch hội nghị ASEAN lần thứ 26 nói rằng nhóm này sẽ kêu gọi đẩy mạnh các cuộc tham vấn về Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông, COC.

Bản dự thảo, ban tiếng Khmer của VOA có được qua một viên chức ASEAN, không muốn nêu danh tính, nói rằng nhóm này sẽ kêu gọi thực thi đầy đủ và hiệu quả bản Tuyên bố Ưng xử hiện nay nhằm tăng cường lòng tin giữa các bên và vận dụng sự kiềm chế.

Văn kiện này viết, “Mặc dù ghi nhận về sự tiến bộ trong các cuộc tham vấn và đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông, COC, chúng tôi kêu gọi tăng cường các cuộc tham vấn, nhằm bảo đảm việc xác lập nhanh chóng Bộ Quy tắc Ứng xử hiệu quả.”

Bản tuyên bố theo dự kiến sẽ được công bố vào Thứ hai tiếp theo sau hội nghị thượng đỉnh kết thúc ở Malaysia, nước chủ toạ hội nghị ASEAN năm nay.

Malaysia là một trong nhiều nước thuộc khối ASEAN, trong đó có Việt Nam và Philippines, đang tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.

Trong năm qua, căng thẳng đã gia tăng qua việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển, đặt một giàn khoan dầu trong vùng biển Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền, và bồi đắp đất trên các thềm đá mà Philippines cũng tuyên bố chủ quyền.

Tại cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao hôm Chủ nhật, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói rằng ASEAN nên yêu cầu Trung Quốc ngừng các dự án bồi đắp đất ngay lập tức. Ngoại trưởng Malaysia, Anifah Aman nói rằng ASEAN sẽ đánh giá cao nếu Trung Quốc ngưng hành động này và ngồi vào bàn thảo luận tình hình.

Philippines đã đệ đơn kiện lên Toà án Trọng tài Thường trực ở La Haye, một hành động được Việt Nam hậu thuẫn nhưng Trung Quốc bác bỏ, và nói rằng nước này chỉ thảo luận về cuộc tranh chấp qua đàm phán song phương.

Mới đây, Thủ tướng Campuchia, Hun Sen, dường như ủng hộ lập trường của Bắc Kinh khi ông tuyên bố các vụ tranh chấp Biển Đông không phải là vấn đề của khối ASEAN, mà là vấn đề của các nước tuyên bố chủ quyền tìm giải pháp trực tiếp với Trung Quốc. Việt Nam và Philippines muốn Bắc Kinh đàm phán với khối ASEAN.

Ông Chheang Vannarith, thuộc Đại học Leeds ở Anh Quốc, nói với ban tiếng Khmer đài VOA rằng ASEAN đang được chăm chú theo dõi để xem liệu khối này có thể giải quyết vấn đề Biển Đông hay không.

“Nếu chúng ta nhìn vào vấn đề an ninh và cuộc tranh cãi, cũng như tình trạng căng thẳng ở Biển Đông, thì đó là chương trình nghị sự căng thẳng. Philippines sẽ nêu vấn đề xây đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang thực hiện trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông, một nghị trình quan trọng trong cuộc tranh luận về an ninh khu vực,” ông nói. “Tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ thúc đẩy việc tìm giải pháp cho Biển Đông, đặc biệt nhằm đạt được các luật lệ thực thi Bộ Quy tắc Ứng Xử, COC, ở Biển Đông.”

Ông Achmad Rizal Purnama, bí thư thứ nhất của Toà Đại sứ Indonesia ở Washington nói với ban tiếng Khmer đài VOA rằng Biển Đông là một vấn đề đang thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo trong vùng cũng như trên thế giới.

“Đặc biệt là Biển Đông. Đây là một trong các vấn đề, trong số những vấn đề được thảo luận bởi các nhà lãnh đạo ASEAN.”

Theo văn kiện ASEAN bị tiết lộ, Biển Đông không phải là trọng tâm duy nhất của hội nghị thượng đỉnh.

Sự hội nhập của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và sự thích ứng của một tuyên bố liên quan đến con người cũng được đề cập trong dự thảo.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG