Hơn 20 tổ chức gốc Việt và quốc tế, gồm nhiều hội đoàn vận động cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Joe Biden, Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Mỹ để thúc giục chính quyền Hoa Kỳ từ chối cấp quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam vào lúc này.
Đây là những tiếng nói phản đối mới nhất được đưa ra theo sau những lời kêu gọi trước đây của hàng chục nhà lập pháp Mỹ cũng như các tổ chức và doanh nghiệp Hoa Kỳ nhằm phản đối việc Bộ Thương mại Mỹ xem xét yêu cầu của Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách 12 nền kinh tế phi thị trường theo định danh của Hoa Kỳ.
Trong bức thư chung gửi Tổng thống Biden đề ngày 9/7, các tổ chức đồng ký tên cho rằng chính phủ Việt Nam cần phải đạt được những tiến bộ đáng kể về quyền lao động, xóa bỏ tham nhũng, củng cố nhà nước pháp quyền và cải thiện nhân quyền trước khi được xem xét cấp quy chế.
“Chúng tôi viết thư này để bày tỏ mối lo ngại sâu sắc liên quan đến việc nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam yêu cầu được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường,” đại diện của 22 tổ chức Việt Nam và một tổ chức của người Khmer cùng một tổ chức của người Philippines viết trong lá thư, với các bản sao được gửi đến Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken.
Các tổ chức – trong đó có Việt Tân, Hội Bảo vệ Người lao động Việt Nam, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, Hội Anh em Dân chủ – nhắc đến những lời kêu gọi trước đây của 25 dân biểu và 8 thượng nghị sỹ Mỹ cũng như Ủy ban Thép tại Hạ viện Hoa Kỳ gửi tới bà Raimondo để bác bỏ yêu cầu của Việt Nam.
Các tổ chức này trích dẫn các lá thư của các nhà lập pháp Mỹ về 6 yếu tố pháp lý theo Đạo luật Thuế quan mà Bộ Thương mại Mỹ phải xem xét khi đánh giá yêu cầu của Việt Nam và cho rằng “thực tế là Việt Nam không đáp ứng bất kỳ tiêu chí nào để được xếp vào nền kinh tế thị trường.”
“Chúng tôi là các hội đoàn đấu tranh trong cộng đồng, quan tâm đến các vấn đề về quyền tự do thương lượng các điều kiện lao động, tình trạng pháp quyền yếu kém, tham nhũng tràn lan và nhân quyền,” lá thư của 22 tổ chức viết.
Việt Nam bị Mỹ xác định là nền kinh tế phi thị trường trong hơn 20 năm qua và Bộ Công thương Việt Nam hồi tháng 9 đã yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ đánh giá lại tình trạng này khi cho rằng họ cần được đưa ra khỏi danh sách vốn áp dụng cho các vụ kiện chống bán phá giá.
Bộ Công Thương, trong yêu cầu khởi xướng rà soát để xem xét vấn đề kinh tế thị trường gửi lên Bộ Thương mại Mỹ, nói rằng Việt Nam đã có những “cải cách mạnh mẽ” về kinh tế và không nên bị coi là nền kinh tế phi thị trường nữa.
Ông Ted Osius, người đứng đầu Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, nơi ủng hộ việc nâng cấp cho Việt Nam, nói rằng “Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường.”
Góp tiếng nói vào việc ủng hộ cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam có nghị viên Joe Đỗ Vinh của thành phố Garden Grove ở California, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất sinh sống ở Mỹ.
Nghị viên đại diện Địa hạt 4 ở Garden Grove đã gửi thư cho Tổng thống Biden hôm 11/7 để “yêu cầu Tòa Bạch Ốc và các bộ trong Nội các, bao gồm Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại, chuyển đổi Việt Nam khỏi kinh tế phi thị trường.”
Trong lá thư mà VOA xem được, ông Joe Đỗ Vinh viết rằng “Việt Nam đang đi dây với chính sách ‘ngoại giao cây tre’ (Bốn Không) nhưng đồng thời mong muốn trở thành đối tác mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương. Đây là xu hướng đáng được Hoa Kỳ khuyến khích và ủng hộ với việc cấp Quy chế Kinh tế Thị trường cho Việt Nam.”
VOA đã gửi yêu cầu xác nhận thông tin về bức thư tới văn phòng của Nghị viên Joe Đỗ Vinh.
Một người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ hôm 3/7 nói với VOA rằng họ sẽ xem xét tất cả các ý kiến được gửi đến trong quá trình rà soát để đánh giá xem có cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam hay không. Tuyên bố chung, được Tổng thống Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra sau khi nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt hồi tháng 9 năm ngoái, nói rằng Hoa Kỳ sẽ xem xét yêu cầu của Việt Nam phù hợp với luật pháp Mỹ.
Nếu được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, hàng nhập khẩu của Việt Nam sẽ được giảm thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ. Bộ Thương mại Mỹ dự kiến đưa ra quyết định vào ngày 26/7.
Diễn đàn