Một nhóm phi chính phủ ở Mỹ tổ chức hội thảo hôm 10/7 về nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam giữa lúc Hà Nội đang vận động Washington công nhận đất nước cộng sản có nền kinh tế thị trường.
Ông Trần Anh, thành viên của tổ chức Liên minh vì Dân chủ cho Việt Nam có văn phòng tại bang Texas, Mỹ, đồng thời là điều hợp viên của tổ chức Việt 2000, cho VOA biết về mục đích cuộc hội thảo:
“Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã chính thức yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ loại bỏ nước này ra khỏi danh sách nền kinh tế phi thị trường. Các tổ chức, trong đó có Liên minh vì Dân chủ cho Việt Nam đã nỗ lực chống lại cuộc vận động này từ phía Cộng sản Việt Nam với lý do rằng nền kinh tế định hướng Xã hội Chủ nghĩa của Việt Nam chưa đáp ứng được điều kiện nào của nền kinh tế thị trường”.
Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam bị Mỹ xác định là nền kinh tế phi thị trường. Hồi tháng 9/2023, Bộ Công thương Việt Nam đã đề nghị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đánh giá lại tình trạng này khi cho rằng họ cần được đưa ra khỏi danh sách vốn áp dụng cho các vụ kiện chống bán phá giá. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 10 đã đồng ý xem xét lại tình trạng của Việt Nam và Bộ Thương mại Mỹ dự kiến đưa ra quyết định vào cuối tháng này.
Phó giáo sư, tiến sĩ kinh tế và tài chính Nguyễn Văn Chữ, diễn giả chính tại cuộc hội thảo trực tuyến hôm 10/7, chia sẻ với VOA về những điểm chính trong bài thuyết trình của ông.
“Trong bài phát biểu tại hội thảo, tôi đã nêu các lập luận của phía Việt Nam ra và đưa ra phản biện rằng nền kinh tế Việt Nam cho đến giờ này không thể thỏa mãn những tiêu chí mà chính phủ Hoa Kỳ đặt ra”.
Ông Chữ nêu lên 6 tiêu chí mà Hoa Kỳ hiện đang áp dụng để công nhận quy chế kinh tế thị trường của một quốc gia: khả năng chuyển đổi tiền tệ; tự do thương lượng về tiền lương; đầu tư ngoại quốc; quyền sở hữu hoặc kiểm soát sản xuất của nhà cầm quyền; nhà nước kiểm soát việc phân bổ nguồn lực; các yếu tố thích hợp khác, chẳng hạn như nhân quyền, lao động cưỡng bức...
TS. Chữ, nguyên trưởng khoa Tài chính, Kế toán, Kinh tế, Điện toán ứng dụng và Ngoại thương của trường doanh thương Marilyn Davies thuộc đại học Houston, Texas, nhấn mạnh rằng chính quyền Việt Nam chưa đáp ứng được tiêu chí nào trong 6 tiêu chí trên. Ông đặc biệt lưu ý tiêu chí thứ 6 - điều mà Việt Nam đã hứa nhưng chưa thực hiện.
“Họ đã đồng ý với với Liên hiệp Âu châu trong Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) [ký năm 2012] sẽ tổ chức công đoàn độc lập để người thợ có cơ hội để lập nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của họ và thỏa thuận rằng sẽ thực hiện điều đó vào năm 2023, nhưng cho đến giờ Việt Nam vẫn không làm...”
Mặc dù vậy, TS. Chữ không loại trừ khả năng Washington sẽ công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam nếu như Hoa Kỳ muốn “ngó lơ” những vấn đề khác để giải quyết áp lực kinh tế của họ như lạm pháp, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, chuỗi cung ứng đứt đoạn mà Việt Nam có thể giúp khỏa lấp khoảng trống rất lớn... cũng như vấn đề tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với việc Mỹ không muốn đẩy Việt Nam tới gần Trung Quốc hơn nữa.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông, khả năng này rất ít xảy ra.
“Việt Nam nên cải thiện vấn đề nghiệp đoàn, tự do báo chí, giảm bớt số lượng các công ty quốc doanh, và giải quyết triệt để vấn đề tham nhũng”, TS. Chữ đưa ra đề xuất.
Theo Ban tổ chức hội thảo, có 5 văn phòng thượng nghị sĩ và dân biểu liên bang Mỹ, 1 văn phòng dân biểu tiểu bang California tham dự phiên thảo luận trực tuyến bằng tiếng Anh hôm 10/7.
Trong vài tháng qua, hàng chục nghị sĩ Mỹ viết thư kêu gọi Bộ Thương mại nước này không nâng cấp Việt Nam lên quy chế kinh tế thị trường vì cho rằng việc này sẽ làm trầm trọng thêm những sự méo mó thương mại đang diễn ra cũng như đe dọa người lao động và các ngành công nghiệp Mỹ.
Một người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ cho VOA biết qua email hôm 3/7 rằng “Bộ đã nhận được bức thư và sẽ trả lời qua các kênh thích hợp”.
Vào tháng trước, 20 tổ chức phi chính phủ của cộng đồng người Việt tại Mỹ, trong đó có Liên minh vì Dân chủ cho Việt Nam, cũng đã viết thư gửi đến Bộ Thương mại Mỹ, khuyến nghị giữ Việt Nam trong danh sách kinh tế phi thị trường của bộ.
Bức thư nhấn mạnh: “Trong khi Hoa Kỳ ngày càng coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng, điều quan trọng chúng ta phải tự nhắc mình là nhà cầm quyền Việt Nam không có chung các giá trị cốt lõi của chúng ta về thương mại và quyền lao động”.
Dự kiến vào ngày 26/7 tới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ quyết định liệu Việt Nam có đáp ứng các tiêu chí là nền kinh tế thị trường hay không. Điều này diễn ra sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden vào tháng 9 năm ngoái.
Việt Nam bị Mỹ định danh là một nền kinh tế phi thị trường (NME) kể từ vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên đối với quốc gia Đông Nam Á vào năm 2002, khiến hàng hóa của Việt Nam bị Mỹ áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại khi bán sang Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Theo các văn kiện đại hội Đảng Cộng sản của Việt Nam, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nước này đang theo đuổi được định nghĩa “là một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: sở hữu, tổ chức quản lý, và phân phối”.
Gần đây, chính quyền Việt Nam và truyền thông nước này khăng khăng rằng họ đã đáp ứng đủ tất cả 6 tiêu chí của Mỹ, và nói thêm rằng việc Washington không công nhận nền kinh tế thị trường của Hà Nội sẽ “gây ảnh hưởng rất rất xấu” đến mối quan hệ song phương của hai nước.
Diễn đàn