Toà Thượng thẩm Australia đang xem xét đơn kiện về tính chất hợp pháp của hệ thống làm thủ tục ở nước ngoài dành cho người xin tị nạn mà chính phủ nước này đang áp dụng. Dựa trên những chính sách cứng rắn, Australia chuyển những thuyền nhân tới các trại tạm giam tại Papua New Guinea và đảo quốc tí hon Nauru ở Nam Thái Bình Dương. Thông tín viên Phil Mercer của đài VOA tường thuật từ Sydney.
Nguyên đơn của vụ kiện tại Toà Thượng thẩm là một phụ nữ người Bangladesh được đưa từ Nauru tới Australia để chữa bệnh và không chịu trở về Nauru vì cho rằng điều đó quá nguy hiểm.
Các luật sư đại diện cho phụ nữ này yêu cầu toà án xác định việc chính phủ Australia tài trợ cho các trung tâm làm thủ tục ở nước ngoài và đưa người xin tị nạn tới đó có hợp pháp hay không.
Chính phủ ở Canberra cho rằng những thoả thuận với các nước khác là chìa khoá của sự thành công của chính sách tị nạn. Trong các thoả thuận đó có một hiệp định với Campuchia để tái định cư người tị nạn, với phí tổn 39,5 triệu đô la. Cho đến nay, có bốn người đồng ý tham gia chương trình tái định cư này.
Bộ trưởng Di trú Peter Dutton cho biết chương trình này cho phép những người xi tị nạn bắt đầu một cuộc sống mới.
"Chúng tôi đang làm việc với giới hữu trách Nauru và với những người ở Nauru để họ chấp nhận giải pháp Campuchia và nếu chúng tôi có thể làm điều đó, thì chúng tôi có thể mang lại cho những người xin tị nạn một cơ hội để bắt đầu lại, chúng tôi cung cấp những sự hỗ trợ liên quan tới các dịch vụ định cư, nơi ăn chốn ở, công ăn việc làm, giáo dục và mọi thứ như vậy. Có một điều khó khăn là ở đây chúng ta có những người tranh đấu cho quyền lợi của người xin tị nạn, tuy họ có lẽ có ý định tốt, nhưng họ lại nói với những người ở Nauru là đừng chấp nhận giải pháp nào cả. Đừng rời đảo, các bạn sẽ được tới Australia."
Mỗi năm Australia cấp visa tị nạn cho 13.750 người dựa trên nhiều hiệp định quốc tế khác nhau. Tháng 9 vừa qua, chính phủ cho biết sẽ có thêm 12.000 người tị nạn từ Syria và Iraq được phép tái định cư ở Australia.