Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế Human Rights Watch bác phản đối của Hà Nội về bản báo cáo nạn bạo hành trong ngành công an Việt Nam do tổ chức này công bố hôm 16/9.
Đây là phúc trình đầu tiên của Human Rights Watch phản ánh tệ trạng dùng bạo lực, tra tấn, nhục hình của công an Việt Nam.
Báo cáo nhan đề ‘Công (bất) an: Những cái chết trong trại giam và sự bạo hành của công an Việt Nam’ dẫn ra hàng loạt các trường hợp bị chết oan dưới tay công an.
Phúc trình báo động nạn công an bạo hành ngày càng gia tăng ở Việt Nam một phần vì đây là ‘công cụ chính trị để bảo vệ chế độ,’ nền pháp lý lỏng lẻo yếu kém, và không xử phạt nghiêm minh các vi phạm.
Việt Nam ngay lập tức lên tiếng phản bác báo cáo này, gọi đó là ‘những luận điệu sai trái của Tổ chức Human Rights Watch.’
Trang web Bộ Ngoại giao hôm qua đăng phát biểu của phó phát ngôn nhân Trần Thị Bích Vân khẳng định cam kết của nhà nước Việt Nam chống lại mọi hành vi tra tấn, nhục hình, và đối xử tàn bạo trong điều tra-xét xử được thể hiện rõ qua việc ký kết Công ước Liên hiệp quốc về Chống Tra tấn từ tháng 11 năm ngoái.
Bà Vân nhấn mạnh một khi có hành vi tra tấn hay nhục hình thì sẽ bị ‘xử lý nghiêm’ theo pháp luật Việt Nam.
Thực tế rằng tệ trạng bạo hành trong ngành công an quá hệ thống và lan tràn cho thấy chính phủ Việt Nam đã làm rất ít để giải quyết vấn nạn này.Ông Phil Robertson, Human Rights Watch.
Đáp phản hồi của Hà Nội, Human Rights Watch nói chính luật lệ của Việt Nam đã tiếp tay gây ra tệ trạng công an bạo hành.
Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc Human Rights Watch, ông Phil Robertson, phát biểu với VOA Việt ngữ:
“Yếu tố chính trong phản hồi của họ là ‘theo pháp luật Việt Nam’, mà vấn đề nằm ở chỗ khi nói lĩnh vực nhân quyền, luật Việt Nam hoàn toàn kém cõi. Báo cáo dựa trên các thông tin do chính truyền thông của nhà nước kiểm soát loan tải. Đây không phải là điều mà Hà Nội có thể chối cãi. Thực tế rằng tệ trạng bạo hành trong ngành công an quá hệ thống và lan tràn cho thấy chính phủ Việt Nam đã làm rất ít để giải quyết vấn nạn này. Những gì chúng tôi ghi nhận được qua phúc trình chứng tỏ cam kết mà họ nói tới hoặc là quá yếu ớt hoặc là không có.”
Luật sư Võ An Đôn thuộc Luật sư Đoàn Phú Yên là người tình nguyện bảo vệ miễn phí cho gia đình ông Ngô Thanh Kiều, nạn nhân bị 5 sĩ quan công an thành phố Tuy Hòa đánh chết hồi tháng 5/2012, trong một trong những vụ án gây chấn động công luận về nạn công an bạo hành.
Luật sư Đôn nhận xét báo cáo của Human Rights Watch thu thập và dẫn chứng những thông tin xác đáng về những gì thật sự đang diễn ra trong ngành công an và pháp lý ở Việt Nam. Luật sư Võ An Đôn từ Phú Yên cho biết:
“Bản thân tôi thấy nhận định của Human Rights Watch là rất chính xác. Trên thực tế, việc dùng bức cung-nhục hình rất tràn lan, nhiều nhất là ở các cấp công an xã và công an huyện. Nạn nhân bị chết trong trại tạm giam, tạm giữ rất nhiều, đa số người ta nói là do ‘tự tử’. Bộ Ngoại giao Việt Nam nói nhà nước xử lý nghiêm các trường hợp bức cung-nhục hình theo pháp luật, theo cảm nhận của tôi và theo thực tế thì điều đó chưa đúng. Riêng vụ án 5 công an ở Phú Yên mà tôi tham gia với tư cách luật sư bảo vệ bên bị hại, tôi thấy vụ này xử không đúng pháp luật. Thứ nhất, tội danh không đúng, thay vì họ phải bị xử tội ‘giết người’ thì lại bị xử về tội ‘dùng nhục hình’ là không đúng. Thứ hai, bỏ lọt nhiều người phạm tội và bỏ lọt nhiều yếu tố tội phạm.”
Trên thực tế, việc dùng bức cung-nhục hình rất tràn lan, nhiều nhất là ở các cấp công an xã và công an huyện. Nạn nhân bị chết trong trại tạm giam, tạm giữ rất nhiều, đa số người ta nói là do ‘tự tử’...Luật sư Võ An Đôn.
Năm sĩ quan công an ở Tuy Hòa ngày 3/4 bị tuyên các mức án từ 1 năm tù treo đến 5 năm tù giam ở về tội danh ‘dùng nhục hình’ dẫn tới cái chết thương tâm của ông Ngô Thanh Kiều đã khiến công luận phẫn nộ về tính nghiêm minh của luật pháp đến nỗi chính Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phải lên tiếng chỉ đạo xử nghiêm vụ này.
Luật sư Võ An Đôn nói nạn lạm dụng bạo lực trong ngành công an tràn lan là vì các hình thức xử phạt còn quá nhẹ tay và bao che tội ác:
“Tôi bào chữa cho nhiều bị can-bị cáo, đa số họ nói bị dùng bức cung-nhục hình, nhưng khi phát hiện được thì xử lý rất là nhẹ. Đa số là ‘xử lý nội bộ.’ Khi vụ việc lộ liễu quá mới khởi tố hình sự, nhưng việc khởi tố chỉ cho có lệ, xử rất nhẹ, đa phần hưởng án treo. Theo luật hình sự Việt Nam, tội ‘dùng nhục hình’ gây hậu quả nghiêm trọng, khung hình phạt từ 5 đến 12 năm tù. Nhưng nếu bị cáo có nhân thân tốt, có khắc phục hậu quả cho người bị hại và thành khẩn khai báo thì thường được xử dưới 5 năm tù tới 5 năm tù giam thôi, không tới 12 năm.”
Người đang bảo vệ pháp lý cho một trong những nạn nhân tử vong vì công an bạo hành đề nghị:
“Khung hình phạt tối đa 12 năm đối với tội nhục hình gây chết người là rất nhẹ so với tội giết người. Tội nhục hình gây chết người giống tương tự như tội giết người. Đáng lẽ phải truy tố tội giết người, nhưng nhà nước và những người làm luật có lẽ sợ làm ảnh hưởng tới tâm lý cán bộ hay sao đó nên không dám đưa hình phạt nặng. Theo tôi, để hạn chế nạn dùng nhục hình thì tốt nhất các nhà làm luật và nhà nước nên xử lý tội dùng nhục hình mức hình phạt cao như tội giết người, nghĩa là từ chung thân tới tử hình. Có như vậy sẽ giảm được rất nhiều tình trạng dùng nhục hình.”
Trong báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có đưa ra nhiều khuyến nghị cải cách để giải quyết các vi phạm không bị xử lý trong ngành công an Việt Nam, trong đó có đề nghị thành lập các tổ chức độc lập chuyên thu thập dữ kiện và lập hồ sơ khiếu nại vi phạm của công an.
Tổ chức Human Rights Watch nói đã đến lúc chính phủ Việt Nam phải thay những lời nói trên lý thuyết bằng các hành động thực tế để chứng tỏ ý chí và nỗ lực không để xảy ra các trường hợp dân lành bị chết oan vì bàn tay công an.