Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, ông Pranab Mukherjee tuyên bố với nền kinh tế ở một vị thế tốt hơn nhiều so với cách đây 1 năm, chính phủ sẽ rút lại việc giảm thuế và duyệt lại các biện pháp kích hoạt đã đề ra trong cơn suy thoái kinh tế.
Ông Mukherjee cho biết: “Nay sự phục hồi đã bén rễ, thì cần phải duyệt lại việc chi tiêu công cộng, huy động nguồn lực và lái các nguồn lực này hướng tới việc xây dựng hiệu năng của nền kinh tế.”
Trình bầy ngân sách thường niên trước Quốc hội hôm nay, ông Mukherjee nói mức thâm hụt tài chính, đã tăng lên gần 7 phần trăm hồi năm ngoái, sẽ được cắt xuống còn 5,5 phần trăm trong tài khóa 2010-2011, và sau đó còn được hạ thấp thêm nữa.
Nền kinh tế Ấn Độ đã lấy lại động năng một cách nhanh chóng. Theo các ước tính của chính phủ, kinh tế tăng trưởng hơn 7 phần trăm trong năm ngoái và sẽ tăng trưởng ở mức 8,5 phần trăm trong năm tài khóa sắp tới.
Bộ trưởng tài chính Ấn Độ cho biết ông muốn mở rộng cơ sở và làm cho sự phục hồi kinh tế này bao quát hơn, và ông đã loan báo mức dự chi cao hơn nhằm thúc đẩy nền kinh tế nông thôn còn non yếu và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cả ở thành thị lẫn nông thôn.
Ông Mukherjee cũng nói phục hồi khu vực nông nghiệp sẽ là một ưu tiên của chính phủ.
Ông Mukherjee nói: “Khu vực nông nghiệp đóng vai trò chính trong quyết tâm của chúng ta nhằm quảng bá sự tăng trưởng bao quát, cải thiện lợi tức nông thôn và duy trì an ninh về lương thực.”
Ông Mukherjee nói nông gia tại những khu vực miền đông chưa phát triển trong nước sẽ được sự trợ giúp để nâng cao sản lượng hoa mầu. Chính phủ cũng sẽ nhấn mạnh đến các kỹ thuật quản lý nước và đất trồng tốt hơn để thúc đẩy sản xuất.
Phục hồi khu vực nông nghiệp đã trở nên cấp thiết vừa để bảo vệ phúc lợi cho 2/3 dân số sống nhờ nghề nông, vừa để kiểm soát giá thực phẩm đã tăng vọt trong lúc sản lượng bị hạ thấp.
Tuy nhiên, kế hoạch của chính phủ nhằm tăng thuế đánh vào xăng và dầu diesel đã gây phẫn nộ trong giới lập pháp đối lập vì việc này có thể gây ra tình trạng lạm phát.
Nền kinh tế lớn thứ ba của châu Á này đã phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhanh hơn dự kiến, một phần nhờ tăng trưởng mạnh trong khu vực sản xuất. Chính phủ nói rằng thách đố là trở lại mức tăng trưởng 9 phần trăm mà Ấn Độ đã đạt được trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu làm co cụm các nền kinh tế trên khắp thế giới.
Ấn Độ dự định giảm mức nợ quốc gia vào lúc nền kinh tế trở lại con đường tăng trưởng cao. Trong ngân sách thường niên đệ trình hôm nay, chính phủ cũng phác thảo các biện pháp cải thiện sản lượng nông nghiệp đang bị suy yếu. Từ New Delhi, thông tín viên VOA Anjana Pasricha gửi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1