Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Nirupama Rao tuyên bố cuộc họp với người tương nhiệm của Pakistan Salman Bashir là một “mong muốn chân thành của Ấn Độ để khởi động đối thoại với Pakistan”.
Cuộc họp sẽ đánh dấu sự tan băng giữa hai nước do vụ khủng bố ở Mumbai tháng 11 năm 2008 gây ra. Sau khi qui lỗi cho các phần tử tranh đấu đặt căn cứ ở Pakistan thực hiện vụ này, Ấn Độ đã ngưng cuộc đàm phán đã có từ 4 năm và đòi Pakistan phải đưa các thủ phạm ra trước công lý.
Ấn Độ nói rằng họ sẽ không bắt đầu thảo luận lại toàn bộ mọi đề tài trong tiến trình hòa bình. Theo lời bà Rao, Ấn Độ chỉ muốn tập trung vào đề tài khủng bố, và các bước mà Pakistan đang thực hiện để trấn áp các nhóm khủng bố.
Phía Ấn Độ còn nhấn mạnh tương lai của cuộc đối thoại không tùy thuộc những gì mà Ấn Độ nói, nhưng tùy thuộc những gì mà Ấn Độ nghe được từ phía Pakistan, đối với các quan tâm của Ấn.
Trong khi đó, phía Pakistan lại muốn bàn tất cả những đề tài mà hai bên còn lấn cấn, và cho rằng lịch trình thảo luận thu hẹp sẽ không giúp đạt nhiều tiến bộ.
Trước khi đến New Delhi, Ngoại trưởng Pakistan, ông Salman Bashir, nói rằng khủng bố là vấn đề chung của nhiều nước.
Ông nói tiếp: Khu vực Kashmir đang có tranh chấp là một đề tài ưu tiên, chia sẻ nguồn nước sông cũng quan trọng, và ngoài ra lại còn nhiều đề tài khác cần thảo luận.
Với những mong đợi và đề tài đàm phán khác nhau được đưa ra, nhiều người không tin là cuộc đối thoại lần này sẽ mang lại những kết quả đáng kể.
Ông Bharat Karnad, chuyên viên phân tích an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, một tổ chức độc lập, trụ sở ở New Delhi, nhận xét:
“Hai bên có thể sẽ đi đến chỗ đàm phán với những mục tiêu khác nhau. Ấn Độ thì muốn nhấn mạnh đến vấn đề ngăn chặn khủng bố và Pakistan sẽ đưa ra đề tài Kashmir. Tôi nghĩ cuộc họp lần này chỉ mang ý nghĩa hình thức, hai bên đều muốn chứng tỏ cho thấy họ có làm một điều gì đấy, thay vì muốn nghiêm túc mang lại một kết quả có thực chất.”
Tuy nhiên, nhiều người vẫn hy vọng cuộc họp ngày thứ Năm sẽ giúp hai nước từ từ tiến đến đàm phán đủ mọi vấn đề, giúp giảm bớt khá nhiều căng thẳng, giống như họ đã từng làm được trước khi xảy ra vụ khủng bố Mumbai.
Các nhà phân tích chính trị còn cho rằng cả hai nước đều đang chịu áp lực của Hoa Kỳ. Washington muốn hai đối thủ ở Nam Á này giảm bớt căng thẳng để Pakistan có thể huy động thêm quân chống lại phe Taliban ở Afghanistan.
Vào thứ Năm, Ấn Độ và Pakistan mở vòng đàm phán chính thức đầu tiên sau hơn một năm Ấn Độ bỏ họp vì xảy ra vụ khủng bố tại thành phố Mumbai năm 2008. Thông tín viên VOA Anjana Pasricha ở New Delhi tường trình đây là dấu hiệu hai nước đã giảm bớt căng thẳng nhưng không nên đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả cuộc họp.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1