Đường dẫn truy cập

Kinh tế Ấn Ðộ tăng trưởng, nhưng còn nhiều cách biệt giàu nghèo


Một người đàn bà không nhà xin ăn trên một cây cầu ở Mumbai
Một người đàn bà không nhà xin ăn trên một cây cầu ở Mumbai

Hai thập niên trước đây, Ấn Độ đã cởi mở nền kinh tế bị kiểm soát chặt chẽ, phát động một đợt cải cách giúp chuyển đổi quốc gia và tiến vào hàng ngũ những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nhưng nhiều người coi cuộc cách mạng vừa kể mới chỉ hoàn tất được một phần và nói rằng quốc gia Nam Á này cần san bằng tình trạng cách biệt giữa giai cấp trung lưu phồn thịnh với hằng triệu người vẫn còn chìm đắm trong cảnh nghèo khó.

Rajeev Nanda, một chuyên viên nhu liệu điện toán nằm trong một đợt những người trẻ tuổi di cư tới Hoa Kỳ trong thập niên 1980, vì thiếu cơ hội kiếm được công ăn việc làm tại quê nhà.

Năm 2001 - một thập niên sau khi Ấn Độ mở cửa nền kinh tế kiểu xã hội chủ nghĩa của họ - ông trở về nước để thiết lập một văn phòng tại Bangalore cho công ty có trụ sở ở Hoa Kỳ đã thuê mướn ông.

Nanda đã thấy một nước Ấn Độ khác biệt rất nhiều so với đất nước mà ông bỏ nó ra đi 12 năm trước.

Ông nói: “Khi sang Hoa Kỳ, tôi nghĩ sẽ là một đi không trở lại. Nhưng rồi nền kinh tế đã mở cửa. Nhiều cơ hội đã tạo ra một tinh thần khác. Bất thình lình, người ta thấy có nhiều hy vọng và nhiều phấn khởi trong bầu không khí.”

Chiều hướng giải phóng kinh tế được phát động năm 1991 đã diễn ra vào lúc Ấn Độ phải đối diện với một cuộc khủng hoảng. Ấn Độ đã đứng bên bờ vực thẳm, với nguy cơ không trả được các món nợ quốc tế.

Thủ Tướng Manmohan Singh - lúc đó là Bộ trưởng Tài chánh Ấn Độ - đã gỡ bỏ những hạn chế về đầu tư nước ngoài, nới lỏng những kiểm soát chặt chẽ đối với công nghiệp trong nước và giảm thuế.

Chẳng mấy chốc đã được thấy kết quả hiển nhiên. Ấn Độ đã trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ nhì trên thế giới, sau Trung Quốc.

Dẫn đầu bằng khu vực công nghệ thông tin phát triển mạnh, khu vực dịch vụ đã nở rộ. Các công nghiệp sản xuất bành trướng. Xuất khẩu nở rộ. Một giai cấp trung lưu vô cùng đông đảo đã xuất hiện.

Chủ tịch Liên Đoàn Các Phòng Thương Mại và Công Nghiệp của Ấn Độ, ông Rajiv Kumar, nói rằng khu vực tư nhân được cởi trói đã tạo ra sự phát triển kinh tế đáng kể này.

Ông nói: “Theo tôi, điều quan trọng nhất là đã giải phóng tinh thần doanh nghiệp của Ấn Độ, vốn là sức mạnh truyền thống. Trước năm 1991, tinh thần này đã bị trói buộc và bị giam hãm trong ý thức hệ của kế hoạch trung ương và chủ nghĩa xã hội v.v.”

Nhưng, 20 năm trôi qua, các nhà phân tích nói rằng cuộc cách mạng kinh tế của Ấn Độ mới chỉ hoàn tất một phần. Và, một số người lo ngại rằng nó sắp hết sinh động.

Từ nhiều năm nay, các nhà đầu tư vẫn đợi một đợt cải tổ thứ nhì để mở cửa những khu vực vẫn còn bị hạn chế chặt chẽ như bán lẻ và bảo hiểm.

Các doanh nghiệp phải vật lộn với tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu đủ mọi thứ từ điện lực cho tới mạng lưới giao thông.

Nhiều công ty Ấn Độ thích chọn đầu tư ở nước ngoài hơn là trong nước, nơi họ gặp trở ngại vì các vấn đề như sở đắc đất đai để xây dựng nhà máy.

Nhưng các kinh tế gia nói rằng vấn đề cấp thiết hơn là tăng trưởng không đồng đều. Trong khi một nửa đất nước phồn thịnh, thì nửa kia tiếp tục vật lộn với tình cảnh nghèo khổ. Tại các thành phố, những khu gia cư sang trọng có cổng ngăn và những khu thương xá bóng loáng tương phản hẳn với những khu nhà ổ chuột ngổn ngang nơi đô thị.

Tình cảnh nghèo khó tràn lan tại nhiều khu vực nông thôn lạc hậu. Hơn 40% dân số - khoảng 450 triệu người - sống với thâu nhập chưa tới 2 đô la một ngày.

Các giới chức Ấn Độ cao cấp tin tưởng rằng vấn đề này có thể được giải quyết, bằng tăng trưởng nhanh hơn nữa. Trong số đó có Bộ Trưởng Nội Vụ P. Chidambaram, người trước đây đã nắm giữ chức vụ bộ trưởng tài chánh.

Ông nói: “Thất bại lớn nhất của chúng ta là nhịp độ giảm nghèo không đủ nhanh, phát triển công ăn việc làm không đủ nhanh. Nhịp độ giảm nghèo phải gia tăng và điều đó chỉ có thể xảy ra nếu tăng trưởng trung bình hơn 8% và duy trì được ở mức 9% trong nhiều năm.”

Nhưng có những lo ngại là tăng trưởng kinh tế nhanh có thể không đủ để giải quyết những vấn đề như thiếu học và thiếu chăm sóc sức khỏe cho hằng triệu người Ấn Độ.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng và tử vong nơi trẻ sơ sinh tại Ấn Độ nằm trong số tệ nhất trên thế giới. Hằng triệu trẻ em vẫn còn không được đi học.

Một kinh tế gia hàng đầu của Ấn Độ, ông Swaminathan Aiyar, quy trách nhiệm cho việc điều hành thiếu hiệu quả khiến gây ra những vấn đề này.

Ông nói: “Chỉ nói có một số tăng trưởng kinh tế là không đủ. Tôi muốn nói điều kiện trường học ra sao? Điều kiện y tế công cộng ra sao? Điều kiện dịch vụ của chính phủ nói chung ra sao? Đó là vấn đề lớn nhất cần nêu lên.”

Các nhà phân tích cũng cho biết trong năm qua, các vấn đề kinh tế đã được xếp hàng thứ yếu khi chính phủ tập trung năng lực vào việc chống đỡ trước những lời những tố cáo về tình trạng tham nhũng khủng khiếp của viên chức nhà nước. Theo họ thì việc này đã dẫn tới tình trạng tê liệt trong chính sách của chính phủ.

Bộ trưởng Chidambaram nói rằng đất nước cần chú trọng trở lại vào vấn đề kinh tế để thể hiện đầy đủ tiềm năng.

Ông nói: “Vấn đề chủ yếu phải được chú trọng trở lại để tăng trưởng, để thay đổi, để cải tổ, và điều hành tốt hơn. Vì thế tín hiệu ta thấy hôm nay trong việc suy giảm đầu tư hay khuynh hướng đầu tư nhiều hơn ở nước ngoài, tất cả những vấn đề đó có thể được giải quyết. . . và rồi thậm chí vượt qua Trung Quốc, điều không phải là không thể thực hiện được, người ta bắt đầu nói về việc qua mặt Trung Quốc.”

Ông Rajeev Nanda nói rằng hai thập niên sau khi giải phóng nền kinh tế, lẽ ra hầu hết giới chuyên nghiệp nên ở lại Ấn Độ thay vì di cư tới các nước phương Tây.

Ông nói: “Trong mấy năm gần đây, tôi đã thấy một sự đảo ngược, dân chúng không muốn bỏ nước ra đi. Đơn giản là họ đã có một đời sống khá hơn, những cơ hội tốt hơn ngay tại quê nhà.”

Các kinh tế gia nói rằng điều khó khăn trong những năm sắp tới sẽ là san bằng cách biệt giữa giai cấp trung lưu và giới nghèo, để cho những người hiện nay còn phải sống trong các khu nhà ổ chuột ở thành thị cũng như thôn quê có thể đồng cảm với nhau.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG