Nền dân chủ lớn nhất thế giới là Ấn Độ đang làm gương cho nhiều nền dân chủ non trẻ trên khắp thề giới trong nghệ thuật tổ chức bầu cử. Theo bài tường thuật từ New Delhi của thông tín viên VOA Anjana Pasricha, với một cử tri đoàn khổng lồ hơn 700 triệu người, Ấn Độ được ca ngợi là đã tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng.
Trong 47 năm vừa qua, một trong các giới chức kỳ cựu nhất của Ủy ban Bầu cử Ấn Độ, ông Surinder Kumar Mendiratta, đã góp phần soạn thảo các luật lệ và hệ thống tổ chức bầu cử trong nước. Trong những năm gần đây, ông còn chia sẻ kỹ năng này với các quốc gia từ Afghanistan và Iraq cho đến Mauritius và Bhutan.
Ông Mendiratta nói rằng, trong số các nước vừa kể, việc tiến hành các cuộc bầu cử khả tín là một lãnh vực rất mới mẻ.
Ông Mendiratta nói: “Bầu cử là một điều hoàn toàn mới lạ đối với họ. Họ chưa hề tiến hành việc này. Cuộc bầu cử thực sự, cách thức lập các trạm bỏ phiếu, cách ghi danh cử tri, cách sắp xếp, các loại công việc cần phải đào tạo, các loại vấn đề, đó là những gì chúng tôi nói cho họ biết.”
Cũng như ông Mendiratta, các giới chức khác ỏ Ấn Độ đã giúp nhiều nền dân chủ non trẻ phác thảo các luật lệ, các thủ tục và nắm vững nghệ thuật quản lý bầu cử. Hồi tháng 6, Uûy ban Bầu cử đã thành lập Học việân Dân chủ Quốc tế và Quản lý Bầu cử ở New Delhi để ứng phó với các yêu cầu ngày càng nhiều của các nước muốn huấn luyện giới chức bầu cử. Các giới chức từ Kenya nằm trong số những người đầu tiên dự một khóa huấn luyện tại Học viện này.
Hệ thống bầu cử của New Delhi đang thu hút được nhiều sự chú ý hơn. Trong một chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton cho biết Washington và New Delhi đang hợp tác để hỗ trợ cho các cuộc chuyển đổi dân chủ tại nhiều quốc gia từ Trung Đông cho đến Bắc Phi.
Bà Clinton nói Ủy ban Bầu cử Ấn Độ được nhiều người coi như tiêu chuẩn vàng trên toàn cầu trong việc điều hành các cuộc bầu cử. Uûy ban đã chia sẻ các tập tục hay nhất với các đối tác ở những nước khác, trong đó có Ai Cập và Iraq.
Ủy ban Bầu cử đã trải qua một hành trình dài để đạt được các tiêu chuẩn cao này. Trong gần 4 thập niên sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1951, bạo động thường làm lu mờ các cuộc bầu cử ở Ấn Độ và hàng chục người đã thiệt mạng trong các sự cố liên quan đến bầu cử.
Các cáo buộc gian lận phiếu đã lan tràn ở những bang hẻo lánh và nông thôn. Ở những nơi này, đã có những khiếu nại về việc cướp phòng phiếu – trong đó những tay côn đồ có liên hệ với một chính đảng dọa dẫm cử tri và nhét vào thùng phiếu các lá phiếu bầu cho ứng cử viên của chính đảng đó.
Nhưng, trong hai thập niên vừa qua, Ủy ban Bầu cử đã trong sạch hóa công tác. Bạo động đã được giảm thiểu bằng cách tổ chức các cuộc bầu cử từng giai đoạn trong nhiều tuần lễ thay vì nhiều ngày, để lực lượng an ninh có thể di chuyển trong đất nước rộng lớn và bảo vệ an ninh. Cuộc tổng tuyển cử năm 2009 được thực hiện làm 5 giai đoạn, trong hơn 1 tháng.
Có lẽ sự khác biệt nổi bật nhất được thực hiện khi bắt đầu sử dụng hệ thống bỏ phiếu điện tử. Trên toàn quốc, cử tri nay bấm một cái nút trên những máy điện tử thay vì đóng dấu vào các lá phiếu như trước.
Ủy viên bầu cử V.S. Sampath nói rằng các máy điện tử để bỏ phiếu, còn gọi tắt là EVM, đã thực sự loại trừ được tình trạng gian lận và các hình thức quản lý sai trái khác.
Ông Sampath nói: “Trước kia, khi còn sử dụng thùng phiếu, thì một số phần tử vô kỷ luật có thể vào phòng phiếu trong nữa giờ hay 45 phút, khi trạm bỏ phiếu vắng người, và thế là sẽ diễn ra hành động mà ta gọi là cướp phòng phiếu. Các phần tử này sẽ lấy những lá phiếu chưa bỏ, nhét đầy thùng phiếu, và làm như thế trong vòng 15, 20 phút. EVM có tác dụng kiểm tra tránh việc cướp phiếu như thế. Các máy móc rất vững chắc, ngay cả nếu như có ai cướp máy thì họ cũng không phá hoại được các dữ liệu bên trong máy. Dữ liệu đó có thể tìm lại được.”
Các giới chức bầu cử nói rằng mặc dầu nhiều nước đã phát triển thích tiếp tục sử dụng phiếu bầu trên giấy, họ tin rằng các máy móc của họ, được chế tạo ngay ở địa phương, là không thể phá hoại được, và đang đóng một vai trò chủ chốt trong việc bảo đảm bầu cử công bằng trong một nước với một khối cử tri vô cùng đa dạng.
Bhutan và Nepal cũng đã sử dụng các máy bỏ phiếu do Ấn Độ chế tạo trong các cuộc bầu cử mới đây. Một số nước, như Bangladesh, Nigeria, Kenya, và Nam Triều Tiên, đã tỏ ý muốn mua các máy này.
Các giới chức bầu cử cho hay vẫn còn nhiều thách thức phải giải quyết. Chẳng hạn như họ muốn loại trừ các khả năng các ứng cử viên hối lộ hoặc mua phiếu. Nhưng phán quyết toàn bộ là bất kể một số trục trặc, hệ thống dân chủ của Ấn Độ được dựa trên các cuộc bầu cử tự do và công bằng.
Các giới chức như ông Mendiratta rất hài lòng rằng những bài học mà họ đã học được trong nhiều thập niên đang giúp ích cho người khác.
Ông Mendiratta nói: “Mọi người đều nhìn vào Ấn Độ như một trong những nước lãnh đạo...đương nhiên đó là điều chúng tôi có thể tự hào. Chúng tôi đang bán mặt hàng dân chủ.”
Và nhiều giới chức khác như ông hy vọng sẽ hợp tác với thêm nhiều nước khác trong những năm sắp tới, để giúp dân chủ bén rễ sâu hơn.
Nền dân chủ lớn nhất thế giới là Ấn Độ đang làm gương cho nhiều nền dân chủ non trẻ trên khắp thề giới trong nghệ thuật tổ chức bầu cử. Theo bài tường thuật từ New Delhi của thông tín viên VOA Anjana Pasricha, với một cử tri đoàn khổng lồ hơn 700 triệu người, Ấn Độ được ca ngợi là đã tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1