Hôm nay, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh khen ngợi các kỹ sư không gian Ấn Độ sau khi một hỏa tiễn đã thực hiện thành công việc đưa một vệ tinh ghi hình tối tân nặng gần 2.000 kilogram vào quỹ đạo.
Chủ tịch Tổ chức Khảo cứu Không gian Ấn Độ K. Radhakrishnan mô tả vụ phóng là một thắng lợi của Ấn Độ.
Ông Radhakrishnan nói: “Các dữ liệu sơ khởi của chúng tôi cho thấy chúng tôi đã đạt được một quỹ đạo từ 470 đến 480 kilomet.”
Vệ tinh được đặt tên là RISAT-1, là cụm từ viết tắt của “radar imaging sattelite” – tức về tinh ghi hình bằng radar. Khác với các vệ tinh ghi hình trước đây được Ấn Độ phóng đi, thường thu thập hình ảnh của mặt đất bằng cách dùng các máy chụp hình quang học, RISAT 1 dội lại các tín hiệu vi ba từ mặt đất.
Tiến sĩ Ajay Lele, một nhà khảo cứu tại Viện Khảo cứu và Phân tích Quốc phòng ở New Delhi, nói rằng thiết bị dò của vệ tinh sẽ có khả năng thu thập các hình ảnh rõ ràng bất kể mọi sự xảy ra ở bên dưới.
Tiến sĩ Lele nói: “Thiết bị dò này đem lại cho ra một cơ hội nhìn về phía mặt đất trong mọi tình huống thời tiết, và ban đêm hay buổi sáng và ban ngày cũng gần như không có tác động gì đối với thiết bị dò này.”
Khả năng toàn thời như thế rất quan trọng đối với Ấn Độ, là nước có mùa mưa mỗi năm trong đó mây dầy che phủ có thể gây khó khăn cho sự hữu hiệu của hình ảnh chụp bằng vệ tinh quang học.
Ông T.K. Alex là giám đốc Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ.
Ông Alex cho biết: “Trước đây, chúng tôi thường chỉ có có hình ảnh các đám mây không thôi. Kỳ này vệ tinh cho thêm các thông số. Tất cả sẽ được sử dụng để dự báo thời tiết trong những năm sắp tới.”
Ngoài các hình ảnh, RISAT-1 còn có khả năng thu thập dữ liệu về nhiệt độ mây, vận tốc mây và mức độ ẩm của không khí.
Ông Lele thuộc Viện Khảo cứu Quốc phòng, nói rằng vệ tinh sẽ có những công dụng khác nhau cho chính phủ Ấn Độ.
Ông Lele nói: “Nó có thể sử dụng cho việc biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, cứu trợ lụt, và cả nông nghiệp nữa. Nó sẽ có một số công dụng trong khu vực chiến lược bởi vì nó sẽ giúp theo dõi việc di chuyển hay thâm nhập của quân đội, các tổ chức khủng bố đang hoạt động từ những khu rừng rậm và những thứ khác.”
RISAT-1 có một sứ mạng dự trù kéo dài trong 5 năm, thực hiện 14 vòng quỹ đạo mỗi ngày. Vụ phóng vệ tinh này có phần chắc sẽ tạo dựng các lợi ích kinh tế cho Ấn Độ, gây sự chú ý trong số các quốc gia khác mưu tìm sự hỗ trợ về dữ liệu hay kỹ thuật, hoặc muốn giao cho Ấn Độ việc thay mặt họ phóng một vệ tinh.
Ấn Độ đã phóng thành công một vệ tinh mà các chuyên gia nói là sẽ tăng cường đáng kể khả năng của nước này nhìn thấy hình ảnh chi tiết của trái đất. Từ thủ đô New Delhi, thông tín viên VOA Kurt Achin gửi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1