Việc phóng một rốckết bằng động cơ áp dụng đông lạnh học được chế tạo trong nước vào tối thứ Năm vừa qua tại Sriharikota thuộc miền nam Ấn Độ là để chứng tỏ Ấn Độ làm chủ được một công nghệ phức tạp.
Động cơ áp dụng đông lạnh học là loại động cơ được thiết kế để sử dụng nhiên liệu được giữ ở nhiệt độ rất thấp và có thể phóng được những vệ tinh lớn vào không gian.
Tuy nhiên những nhà khoa học Ấn Độ thất vọng khi nhìn thấy rốckết bay chệch đường sau 8 phút được phóng lên và bổ nhào xuống vịnh Bengal.
Ông K. Radhakrishnan, Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ cho biết đã không kiểm soát được rốckết:
“Chúng tôi thấy rốckết đâm nhào xuống điều này có nghĩa là việc kiểm soát rốckết không thực hiện được. Việc phân tách chi tiết những dữ liệu của chuyến bay sẽ được tiến hành.”
Ông Radhakrishnan nói là các nhà khoa học Ấn Độ sẽ tiếp tục làm việc để hoàn thiện công nghệ này trong vòng một năm.
Ấn Độ đã bỏ ra gần 2 thập niên để phát triển động cơ áp dụng đông lạnh học. Hiện nay chỉ có Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Nhật Bản và Trung Quốc thủ đắc được công nghệ rất hạn chế này.
Việc thất bại của chuyến bay thử nghiệm dùng động cơ áp dụng đông lạnh học sẽ đẩy lùi những nỗ lực của Ấn Độ nhằm chiếm một thị phần lớn hơn trong thương vụ phóng vệ tinh thương mại trị giá nhiều tỉ đô la.
Thị trường béo bổ này hiện do một nhóm nhỏ các quốc gia độc quyền có công nghệ không gian cao kiểm soát trong đó có Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Ukraina và Cơ quan Không gian châu Âu.
Việc phóng thành công một vệ tinh nhỏ của Ý vào không gian trong năm 2007 giúp cho Ấn Độ có một chỗ đứng trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên việc Ấn Độ phải phụ thuộc vào những động cơ áp dụng đông lạnh học do Nga chế tạo để phóng những vệ tinh lớn đã gây trở ngại cho việc phát triển và khiến cho các khoa học gia Ấn Độ tìm cách phát triển công nghệ này.
Các khoa học gia không gian Ấn Độ hy vọng cung cấp được dịch vụ phóng vệ tinh với giá rẻ hơn nhiều so với các nước phương Tây và bành trướng thương vụ này lên đến khoảng 120 triệu đô la mỗi năm.
Ấn Độ là một cường quốc không gian đang lên và vẫn đang thiết kế và chế tạo được những rốckết cho một chương trình không gian đầy tham vọng của họ.
Tham vọng của Ấn Độ làm chủ được công nghệ cần thiết để phóng những vệ tinh lớn vào không gian đã không thành công. Việc này có thể đẩy lùi hy vọng của Ấn Độ muốn chiếm được một thị phần lớn trong thị trường phóng vệ tinh trên thế giới trị giá nhiều tỉ đô la.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1