Indonesia với rất nhiều núi lửa và suối nước nóng, là nước có trữ lượng lớn nhất thế giới về năng lượng địa nhiệt.
Năng lượng địa nhiệt phát sinh từ chất nóng chứa phía dưới mặt đất. Các giới chức Indonesia ước tính nước này có khoảng 28 ngàn megawatt dung lượng địa nhiệt, tương đương với 12 tỉ thùng dầu.
Ngân hàng Thế giới, World Bank, cho biết sẽ đầu tư 400 triệu đôla để góp phần tài trợ cho việc phát triển năng lượng địa nhiệt. Ông Tim Brown thuộc Ngân hàng Thế giới nói rằng ngân khoản trợ giúp này sẽ giúp Indonesia hạ giảm khí thải nhà kính xuống 26% trong thập niên tới đây:
Ông Brown giải thích: “Trong trường hợp này khu vực năng lượng của Indonesia đang gia tăng về than, họ đang chuyển từ dầu sang than trong 10 năm vừa rồi. Và địa nhiệt là một nguồn chưa được khai thác, nhưng nó có hiểm họa nhiều hơn là than và cũng đắt tiền hơn. Và như vậy sự tài trợ này cho phép Indonesia thực hiện quyết định để phát triển địa nhiệt mà không phải gánh chịu thêm phí tổn."
Ông Brown nói thêm, năng lượng địa nhiệt thì sạch và đáng tin cậy, nhưng phí tổn có thể lên tới 40 triệu chỉ để kiếm được đúng chỗ:
“Phải khoan lỗ để tìm ra nó. Ngay cái lỗ cũng tốn nhiều triệu, và bạn phải khoan tới 5 hoặc 10 lỗ trước khi có được số hơi cần thiết để có thể xây dựng một cơ xưởng phát điện xung quanh đó.”
Ngân hàng Thế giới cho biết hiện nay chỉ 65% dân số Indonesia dùng được điện. Ngân hàng Thế giới ước tính sự tài trợ của họ sẽ giúp mang điện đến cho 90% dân số vào năm 2020.
Khí thải nhà kính đến từ nhiều nguồn, trong số có những loại năng lượng khí đốt carbon, như dầu và than. Các khoa học gia về khí hậu nói rằng chính các chất khí đã gây nên việc khí hậu biến đổi.
Dự án tại Indonesia vừa kể là 1 phần trong sáng kiến 40 tỉ đô la của Ngân hàng Thế giới nhằm phát triển các dự án hạ giảm khí thải trên toàn thế giới. Ngân hàng Thế giới cũng tài trợ những dự án tại nhiều nước khác nhằm phát triển chuyên chở công cộng, năng lượng gió và mặt trời.
Các nhóm hoạt động môi trường cổ xúy các dự án năng lượng địa nhiệt nhưng lo ngại là Ngân hàng Thế giới cũng có thể tài trợ những dự án năng lượng truyền thống, chẳng hạn cơ xưởng đốt than tại Nam Phi. Họ đang áp lực để Ngân hàng Thế giới chỉ tài trợ những dự án năng lượng sạch.
Ngân Hàng Thế Giới, WB, vừa loan báo một ngân khoản đầu tư lên đến 400 triệu đôla nhằm giúp gia tăng gấp đôi khả năng về năng lượng địa nhiệt của Indonesia. WB nói rằng khoản đầu tư này là một nỗ lực trợ giúp các nước đang phát triển sản xuất năng lượng sạch và giảm thiểu khí thải carbon.
Đọc nhiều nhất
1