Sau cuộc đàm phán hồi cuối tuần với các cường quốc thế giới, hôm thứ Hai, bộ trưởng ngoại giao Iran tuyên bố rằng Tehran sẵn sàng giải quyết những lo ngại liên quan tới chương trình hạt nhân của họ để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp chế tài.
Ông Ali Akba Salehi đã nói với cơ quan thông tin sinh viên Iran rằng Iran luôn luôn khẳng định quyền tinh chế uranium của họ, nhưng vẫn mở cửa cho các cuộc thương thảo về tỷ lệ mức độ tinh chế uranium.
Ông nói cuộc đàm phán hôm thứ Bảy với các nhà ngoại giao từ 5 nước thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cộng với Đức là có tính cách xây dựng.
Một số các nước ngờ rằng Iran sử dụng chương trình hạt nhân dân dụng của họ như một bình phong để phát triển võ khí hạt nhân – lời tố cáo đã bị Iran phủ nhận.
Hãng Reuters đưa tin rằng Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch tuyên bố không thể nới lỏng các biện pháp trừng phạt Iran cho tới khi nước này tuân hành những đòi hỏi liên quan tới chương trình hạt nhân của họ. Đan mạch đang giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu.
Những quan điểm khác
Hôm Chủ Nhật, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama nói, chính phủ của ông không “cho không” Iran bất cứ điều gì trong loạt mới nhất của cuộc đàm phán về hạt nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng Thống Obama đã đáp lại lời Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu nói vào sáng Chủ Nhật rằng Hoa Kỳ và các cường quốc thế giới đã “tặng quà” cho Iran bằng cách đồng ý mở một vòng đàm phán nữa vào tháng tới tại Baghdad.
Áp lực của quốc tế nhắm vào Iran ngày càng gia tăng. Các biện pháp trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày mùng 1 tháng Bảy, mặc dầu Israel đã cảnh cáo là họ có thể sử dụng hành động quân sự để chặn đứng điều họ tin là một chương trình võ khí hạt nhân bí mật của Iran.
Vòng đàm phán trước giữa các cường quốc thế giới và Iran đã tan vỡ 15 tháng trước đây.
Cuộc đàm phán kế tiếp của Iran với năm nước hội viên thường trực Hội Đồng Bảo An cộng với Đức sẽ được tổ chức tại Baghdad vào tháng Năm.
Nhiều nhà phân tích nói việc dung hòa những đòi hỏi đối chọi nhau theo dự kiến sẽ rất khó khăn.
Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ
Đã từ lâu Thổ Nhĩ Kỳ được coi như một nhịp cầu bắc qua những khác biệt giữa Iran và các nước Phương Tây liên quan tới vấn đề hạt nhân.
Trong quá khứ, Thổ Nhĩ Kỳ đã bênh vực điều họ gọi là chương trình năng lượng hạt nhân hòa bình của Iran và thậm chí còn biểu quyết chống lại các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc nhắm vào Iran hai năm trước đây.
Nhưng các nhà phân tích nói vai trò điều giải của Thổ Nhĩ Kỳ đã yếu đi vì Iran ngày càng bất mãn với chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ nhất là khi chính sách đó đòi hỏi sự thay đổi chế độ tại Syria.
Ông Richhard Howitt, một thành viên của ủy ban dặc tách thổ Nhĩ Kỳ của Nghị Viện Châu Âu cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã trở lại đứng về phe Iran. Ông nói:
Thổ Nhĩ Kỳ đã thật sự mất đi một số tín nhiệm vì vấn đề Iran và bị ảnh hưởng tai hại trên phương diện giao tế vì phản đối các biện pháp chế tài, những biện pháp mà chúng tôi thật sự đã bỏ ra rất nhiều công sức tại Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Châu Âu để đạt được “
Một yếu tố đem tới sự thay đổi trong vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ là Syria, một đồng minh quan trọng trong khu vực của chính phủ Tehran.
Những quan hệ có thời đã nồng ấm giữa Thủ Tướng Thổ Nhĩ Kỳ Racep Tayyip Erdogan và Tổng Thống Syria Bashar al-Assad đã suy sụp đều đặn trong năm vừa qua vì việc sử dụng bạo lực đàn áp phe đối lập.
Chính phủ thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ mạnh phe chống đối ở Syria đã làm cho Iran tức giận.
Điều này đã được phản ánh tuần trước khi Iran tìm cách thay đổi nơi họp hội nghị P5+1 ra khỏi Istanbul. Ông Erdogan đã phản ứng lại bằng một tuyên bố thẳng thừng khi nói rằng “vì thiếu lương thiện, Iran tiếp tục mất đi uy tín quốc tế.”
Cuối cùng, Istanbul đã tổ chức hội nghị này, nhưng Iran và các nước khác đã thoả thuận mở một vòng đàm phán tại Baghdad vào tháng tới.
Phân tích gia Soli Ozel tại Trường Đại Học Kadir Has của Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, mặc dầu có sự lạnh nhạt trong quan hệ, Tehran vẫn còn coi Ankara là hữu dụng. Ông nói:
“Iran vẫn còn cần vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ bởi vì đó là nước duy nhất thật sự đã cố gắng hết sức để tìm một giải pháp chính trị.”
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1