Đường dẫn truy cập

Yêu cầu của các bên tham gia hội đàm hạt nhân Iran


Sau đây là các nước lớn và lập trường của họ, trong cuộc hội đàm ngày thứ Bảy giữa Iran và các cường quốc thế giới về chương trình hạt nhân đầy tranh cãi của nước này. Các nước phương tây e ngại rằng Iran đang mưu toan triển khai vũ khí hạt nhân, một công việc đòi hỏi phải tinh chế uranium tới mức trên 90%.

IRAN

Tehran đã đưa ra những chỉ dấu trái ngược, vừa muốn tiến tới hòa giải vừa cảnh báo sẽ chống lại áp lực.

Trưởng ban thương thuyết của Iran, ông Saeed Jalili nói Tehran sẽ đệ trình những sáng kiến mới tại hội đàm, nhưng cảnh báo rằng những cố gắng tạo áp lực của các nước phương tây sẽ gặp “hệ quả ngược”.

Ông Fereidoon Abbasi, đứng đầu tổ chức nguyên tử năng Iran, nói rằng tinh chế uranium trên mức 20% cần cho lò phản ứng nghiên cứu của Tehran không phải là một mục tiêu dài hạn của Iran. Ông nói việc tinh chế rồi ra có thể hạ xuống tới mức 3.5% để sản xuất năng lượng hạt nhân.

Tuy nhiên, ông Hossein Sheikholeslami, một cựu đại sứ Iran tại Syria, nói rằng người Iran coi chuyện tinh chế uranium như “quyền không thể chuyển nhượng” và cảnh báo đừng ai trông đợi họ ngưng tinh chế.

NGA VÀ TRUNG QUỐC

Nga và Trung Quốc coi các bước chế tài quốc tế là không hiệu quả và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabov, hôm thứ Ba nói, hành động đó chỉ làm cho Iran “thêm cứng đầu”.

Một thông cáo của bộ ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Ba ngỏ ý hy vọng tất cả các bên “sẽ tỏ ra mềm dẻo và thành thực trong đối thoại, để mở ra một tiến trình đối thoại xây dựng và lâu bền.”

HOA KỲ


Hoa Kỳ hy vọng một giải pháp ngoại giao, đồng thời tỏ dấu hiệu họ đang mất dần kiên nhẫn.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton hôm thứ Tư nói “vẫn còn thời gian cho ngoại giao” để giải quyết vụ tranh cãi hạt nhân, bà nói thêm cuộc hội đàm cung ứng cơ hội cho Iran “đáp ứng nghiêm túc” những quan ngại của cộng đồng quốc tế.

Các giới chức Hoa Kỳ khác cho biết Mỹ sẽ yêu cầu Iran ngưng tinh chế uranium ở mức cao hơn và lập tức đóng cửa cơ sở hạt nhân Fordo xây dưới lòng đất.

Tổng thống Barack Obama cũng nói “’mọi chọn lựa đã để sẵn trên bàn’ để ngăn Iran thủ đắc vũ khí hạt nhân, kể cả “biện pháp quân sự.”

ANH, PHÁP VÀ ĐỨC


Pháp đang tạo áp lực để Iran ngưng toàn bộ chương trình hạt nhân, chứ không riêng chuyện tinh chế uranium ở mức cao.

Cùng với Hoa Kỳ, EU đang yêu cầu Iran tháo gỡ cơ sở hạt nhân nằm dưới lòng đất.

Một phát ngôn viên của bà Catherine Ashton, người đứng đầu về chính sách đối ngoại EU tuần này cho biết bà hy vọng các cuộc hội đàm tại Thổ Nhĩ Kỳ “tạo ra một môi trường có lợi cho tiến bộ cụ thể.”

EU đã cùng với Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp chế tài nhắm vào dầu hỏa và tài chánh của Iran, ngoài những trừng phạt của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Tòa Bạch Ốc nói Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Tổng thống Obama hôm thứ Năm đã đồng ý tiếp tục gia tăng áp lực đối với Iran qua chế tài và những biện pháp khác nếu Tehran vẫn không đáp ứng.

ISRAEL

Tuy không là một nước tham gia các cuộc thảo luận, nhưng các lãnh đạo Israel nói một nước Iran trang bị vũ khí hạt nhân sẽ là mối đe dọa cho sự tồn tại của Israel và họ nói sẽ có hành động quân sự để ngăn Tehran tiến gần đến việc triển khai một vũ khí nguyên tử.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG