Mấy ngày gần đây, tình hình Côte d’Ivoire chuyển biến mau lẹ, thoát dần khỏi cuộc nội chiến, là nhờ Hội đồng Bảo an LHQ thực hiện nghĩa vụ can thiệp của mình một cách kiên quyết và có hiệu quả.
Nước Cộng hòa Côte d’Ivoire nằm ở Tây Phi, rộng hơn 300.000 kilômét vuông, với hơn 20 triệu dân, trước là thuộc địa của Pháp, được độc lập từ ngày 7-8-1960, là nước nổi tiếng về sản xuất và xuất khẩu cà-phê và ca-cao.
Từ năm 2002 cuộc nội chiến diễn ra dai dẳng do đảng độc quyền cai trị RPR (Rassemblement pour la République - Tập hợp cho nền Cộng hòa) chia ra nhiều phe phái với nhiều chủng tộc và bộ lạc kình chống nhau từ lâu đời. Đến tháng 11-2010 cuộc bầu cử tổng thống diễn ra căng thẳng giữa 2 ứng cử viên là ông Laurent Gbagbo và ông Alassane Ouattara, làm cho xung đột bùng phát dữ dội, cuộc nội chiến diễn ra trên quy mộ rộng.
Ông Gbagbo vốn là một giáo viên sử học, 66 tuổi, là tổng thống được bầu năm 2000, đã hết hạn từ năm 2005, nhưng cuộc bầu cử mới bị trì hoãn đến 2010. Ông là đương kim tổng thống, chi phối mạnh đảng RPR, nắm chặt quân đội qua viên tướng Tư lệnh Philippe Mangou và bộ máy an ninh chìm và nổi.
Ông Ouattara là một giáo sư kinh tế - tài chính, 69 tuổi,từng làm việc tại IMF (Quỹ Tiền tế Quốc tế) và WB (Ngân hàng Thế giới), cũng từng là thủ tướng dưới trướng Tổng thống Gbagbo.
Sau cuộc bỏ phiếu ngày 28-11-2011, kết quả công bố gây nên tranh cãi, kiện cáo lớn giữa 2 phe.
Ủy ban Bầu cử Quốc gia công bố kết quả là ông Ouattara trúng cử với tỷ lệ 54% số phiếu bầu.
Phe ông Gbagbo lập tức tố cáo cuộc kiểm phiếu gian lận, phải bỏ phiếu lại. Phe này giật dây cho Hội đồng Hiến pháp thẩm tra lại cuộc kiểm phiếu, để rồi Hội đồng này tuyên bố cuộc kiểm phiếu có nhiều nghi vấn, vô giá trị, còn nói thêm rằng lẽ ra ông Gbagbo trúng cử với số phiếu sát nút là 51% phiếu bầu.
Điều quan trọng là dư luận báo chí quốc tế có mặt trong cuộc bầu cử, các quan sát viên của LHQ có mặt tại chỗ cho rằng tuy có hiện tượng gian lận nhưng không đáng kể, các bằng chứng gian lận không nhiều, thật sự ông Ouattara xứng đáng trúng cử, và do đó LHQ tuyên bố coi kết luận của Hội đồng Quốc gia Bầu cử là hoàn toàn có giá trị, coi ông Ouattara là tổng thống mới hợp pháp của Côte d’Ivoire.
Ông Gbagbo bác bỏ sự “can thiệp của LHQ vào nội tình quốc gia”. Thế là cả 2 phe đều tổ chức tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Ông Gbagbo nhất định không rời bỏ chức vụ, nắm chắc quân đội và bộ máy cai trị, đặc biệt cố thủ ở thủ đô Yamoussoukro (30 vạn dân ) và ở thành phố cảng Abidjan, được coi là thủ đô kinh tế, có hơn 3 triệu dân.
[Nhân đây, xin mở ngoạc nhắc lại tình hình ở Miến Điện hồi 1990 cũng tương tự, Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi thắng lớn trong cuộc tuyển cử, bị bọn quân phiệt phủ nhận một cách độc đoán, phi lý, nhưng quốc tế đành bó tay; để thấy tình hình nay đã khác nhiều].
Phe ông Ouattara tạm rút về địa bàn phía Tây Bắc, tập trung lực lượng từ đầu năm 2011, tiếp thu nhiều lực lượng từ phe ông Gbagbo chạy sang. Có những lực lượng chạy sang hàng đại đội với toàn bộ vũ khí, có cả từng đại đội xe tăng, có chính quyền từng mảng 2, 3 tỉnh tuyên bố ly khai theo tổng thống mới. Việc LHQ và các nước lớn lần lượt tuyên bố công nhận ông Ouattara là tổng thống càng thúc đẩy phong trào ly khai khỏi chính quyền Gbagbo và tăng cường đáng kể cho ông Ouattaro. Hàng loạt đại sứ, đại diện ngoại giao của Côte d’Ivoire ở LHQ và nước ngoài tuyên bố ly khai để theo tổng thống mới vào đầu năm 2011..
Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an LHQ về Libya tạo nên một khi thế mới cho lực lượng của ông Ouattara chuẩn bị gấp lực lượng mở cuộc phản công quy mô lớn để chiếm lại bằng quân sự những vùng đông dân do phe ông Gbagbo còn kiểm soát.
Cuộc phản công quân sự được tiến hành phối hợp chặt chẽ với tiến công chính trị, thông tin, tâm lý, địch vận, binh vận và ngoại giao. Các đài phát thanh trong, ngoài nước được dùng tối đa, kêu gọi binh lính đối phương bỏ súng, bỏ ngũ, gia nhập Lực lượng Mới, sẽ được khoan hồng, ưu đãi, giữ nguyên chức, nguyên lương, sẽ không có trả thù. Bộ máy mật vụ, an ninh chìm nổi ra trình diện đông, có cả tướng cảnh sát.
Khi chuẩn bị đã xong, đêm 27-3 quân đội Lực Lượng Mới mở cuộc tiến công lớn cuối cùng, sau 2 ngày tiến được 120 kilômét, chiếm 2 tỉnh lỵ; ngày 30-3 đã chiếm trọn thủ đô Yamoussoukro và ngày 31 đã bắt đầu tiến vào thành phố cảng Abidjan rộng lớn không gặp kháng cự gì đáng kể. Đây chỉ mới là ngày thứ 5 của cuộc phản công chớp nhoáng.
Phe ông L.Gbagbo xin ngừng bắn, nhưng chậm quá rồi.
Để sớm kết thúc cuộc nội chiến ở Côte d’Ivoire, LHQ và các nước phương Tây ngày 30-3 đã tuyên bố trừng phạt ông Gbagbo nếu còn ngoan cố, phong tỏa toàn bộ tài sản của ông và nhóm thân cận, trong đó có vợ ông Gbagbo, cấm cho các nhân vật này xuất và nhập cảnh.
Đêm 31-3, Tổng thống Ouattara gửi tối hậu thư cuối cùng cho ông Gbadbo đòi phải buông súng ngay lập tức.
Tình hình phe Gbagbo đang tuyệt vọng. Quân đội bỏ ngũ hàng loạt. Chỉ còn một số lực lượng bảo vệ trung thành ít ỏi bị bao vây.
Trên đây có thể là hai đòn quyết định để kết thúc thời đại Gbagbo tham nhũng, tham quyền, tàn bạo và gian trá, đi cùng với cuộc tiến công quân sự cuối cùng, chiếm lại cảng Abidjan, để Côte d’Ivoire mãi mãi trở lại là đất của những bãi cát vàng mịn màng thanh bình, cạnh những rừng cà-phê và rừng ca–cao bạt ngàn nổi tiếng.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.