Tại Bờ biển Ngà, đương kim Tổng thống Laurent Gbagbo từ chối trao lại quyền bính cho ông Alassane Ouattara, là người được Liên Hiệp Quốc và hầu hết cộng đồng quốc tế công nhận đã thắng cử trong cuộc bầu cử vòng hai ngày 28 tháng 11.
Liên Hiệp Quốc đang phúc trình về một loạt những vụ giết người và bắt cóc kể từ cuộc bầu cử đến nay. Hôm chủ nhật, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Navi Pillay đã đưa ra một tuyên cáo nói rằng hơn 50 người đã bị hạ sát và hơn 200 bị thương trong những vụ bạo động kể từ thứ Năm tuần trước.
Lời loan báo này được đưa ra một ngày sau khi Liên Hiệp Quốc cho biết sẽ không làm theo đòi hỏi của ông Gbagbo muốn các nhân viên gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp quốc phải rút khỏi nước này.
Những người ủng hộ cho ông Gbagbo, do Charles Ble Goude, thủ lãnh tổ chức thanh niên tranh đấu, lên án những người nước ngoài đe dọa chủ quyền của Bờ Biển Ngà và đã thề nhất quyết chiến đấu đến cùng để giúp ông Gbagbo tiếp tục giữ chiếc ghế tổng thống.
Nhà phân tích an ninh châu Phi, ông J.Peter Pham, làm việc cho tổ chức Ủy ban Quốc gia về chính sách Đối Ngoại của Hoa Kỳ, trụ sở tại New York, đưa ra nhận định:
"Ở tầm mức chiến lược, gây ra tình trạng hỗn loạn như vậy chắc chắn chẳng giúp gì cho ông Gbagbo, vì nó có thể biện minh cho một hành động can thiệp bằng vũ lực của quốc tế vào nước này. Thực sự, mục tiêu cuối cùng của ông ta là duy trì áp lực chính trị, nhưng sẽ ngưng lại ngay ở mức có thể khiến quốc tế can thiệp. Và giờ đây, theo tôi, câu hỏi chính được đặt ra là liệu ông ta có thể nào duy trì cái thế cân bằng đó trong những ngày và những tuần lễ sắp tới hay không."
Những nỗ lực cấp vùng, dùng những biện pháp trung gian hòa giải và những đe dọa can thiệp của quốc tế chẳng giúp gì được mấy cho tình hình bế tắc chính trị có vẻ như ngày càng đẩy quốc gia này trở lại một cuộc nội chiến mà vào năm 2002- 2003 đã phân chia nước này thành miền bắc do phe nổi dậy nắm giữ và miền nam do chính phủ cai quản.
Chuyên gia phân tích về Bờ biển Ngà, thuộc Tổ chức nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế, ông Rinaldo Depagne, cho biết không có dấu hiệu về một cuộc thương thuyết nào trong lúc này và tình hình có thể chuyển biến thành vụ xung đột gay go trong những ngày, những tuần lễ hay những tháng sắp tới. Ông cho biết chẳng có gì mấy để thương thuyết, ngoại trừ vấn đề ông Gbagbo phải ra đi, một nhân vật đã thực hiện một điều mà ông gọi là một cuộc đảo chính định chế.
Theo ông Depagne thì không thực hiện được một cuộc giải giới chính thức và đôi bên lại tái vũ trang không chính thức kể từ các hòa ước Ouagadougou năm 2007 đã làm cho tình hình căng thẳng hiện nay càng nguy hiểm hơn.
Một phát ngôn viên cho ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon từng nói rằng phái bộ Liên Hiệp Quốc tại Bờ Biển Ngà sẽ làm tròn sứ mạng và cảnh báo rằng: "bất cứ một vụ tấn công nào vào cộng đồng quốc tế và những ai chịu trách nhiệm về những hành động này sẽ bị buộc phải nhận lãnh hậu quả."
Hội đồng Bảo An sẽ họp để thảo luận về nhiệm quyền của phái bộ Liên Hiệp Quốc ở Bờ Biển Ngà. Nhiệm quyền này sẽ mãn hạn vào ngày 31 tháng 12 và hiện giao cho phái bộ gìn giữ hòa bình nhiệm vụ bảo vệ mạng sống thường dân. Phe của ông Ouattara đã kêu gọi triển hạn và củng cố nhiệm quyền của phái bộ Liên Hiệp Quốc tại quốc gia này.
Liên hiệp châu Âu đã đồng ý cấm ông Gbagbo và 18 đồng minh của ông ta đến các nước thuộc liên hiệp. Cộng đồng Kinh Tế Tây Phi ECOWAS và Liên hiệp châu Phi đã đình chỉ tư cách hội viên của Bờ Biển Ngà. Hoa Kỳ và Canada cũng đã đe sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt.
Hoa Kỳ đã khuyến nghị các công dân không nên đến bờ biển Ngà và hạ lệnh cho các nhân viên giữ những công việc không có tính cách khẩn cấp rời khỏi nước này, nêu lên tình hình suy thoái và cảm nghĩ "chống Tây phương ngày càng gia tăng" tại đây.
Những người ủng hộ đương kim Tổng thống của Bờ Biển Ngà Laurent Gbagbo cho biết họ sẵn sàng chiến đấu tới cùng để giữ ông ở lại cầm quyền, trong lúc Liên Hiệp Quốc cho thấy ngày càng có thêm bằng chứng về "những vi phạm nhân quyền rộng lớn" kể từ khi xảy ra vụ tranh chấp về kết quả cuộc bầu cử tổng thống. Thông tín viên Anne Look từ văn phòng của đài VOA tại Dakar gửi về các chi tiết sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1