Đường dẫn truy cập

Nhật Bản xin lỗi nhân dân Triều Tiên về thời kỳ chiếm đóng


Lần đầu tiên, Nhật Bản đưa ra lời trực tiếp xin lỗi Triều Tiên về thời kỳ thuộc địa ở bán đảo này. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Steve Herman ở thủ đô Nam Triều Tiên, lời cáo lỗi của thủ tướng Nhật Bản trước kỷ niệm 100 năm sự kiện Nhật Bản chiếm đóng Triều Tiên, nhằm mục đích tăng cường quan hệ giữa Seoul và Tokyo.

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã đưa ra lời xin lỗi trực tiếp và chi tiết lần đầu tiên gửi đến những người Triều Tiên về vụ Nhật Bản chiếm đóng Triều Tiên nhiều thập niên.

Trong một tuyên cáo, ông Kan gọi chế độ thuộc địa Nhật Bản là gây thiệt hại nặng nề cho lòng tự hào sắc tộc của người Triều Tiên và nói rằng hành động này đã tuớc mất cả quốc gia lẫn văn hóa của họ. Ông bầy tỏ “sự hối tiếc sâu xa” và “lời tạ lỗi chân tình” nhân danh Nhật Bản vì đã gây ra “thiệt hại và đau khổ to lớn.”

Nội cách Nhật Bản phê chuẩn tuyên cáo 19 ngày truớc kỷ niệm 100 năm ngày Nhật Bản chính thức chiếm đóng Triều Tiên.

Thủ tướng Nhật Bản nói với các phóng viên rằng ông đã gọi điện thoại cho Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak hôm nay để giải thích về tuyên cáo.

Thủ tướng Kan nói rằng, nhìn về tương lai vào một thời điểm nền kinh tế châu Á đang bành trướng nhanh chóng, công cuộc hợp tác ba chiều giữa Nhật Bản, Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ – với các giá trị mà cả ba nước này cùng chia sẻ – có thể đem lại sự ổn định cho khu vực.

Thông tấn xã Yonhap trích lời ông Lee nói với nhà lãnh đạo Nhật rằng Tokyo “phải biến lời nói thành hành động.”

Ông Kim Young-sun, một người phát ngôn cho Bộ Ngoại vụ và Ngoại thương Nam Triều Tiên, nói rằng Seoul hy vọng tuyên cáo liên quan đến “quá khứ không may” này có thể dẫn tới bang giao tốt đẹp hơn giữa hai lân quốc.

Ông Kim nói chính phủ Nam Triều Tiên trông đợi tất cả công dân Nhật Bản sẽ chia sẻ quan điểm của Thủ tướng Kan thừa nhận lịch sử.

Tuy nhiên, một số người bảo thủ Nhật lo ngại rằng chính phủ thiên tả hiện nay, dưới sự lãnh đạo của đảng Dân chủ Nhật Bản, sẽ cứu xét việc bồi thường thêm cho các nạn nhân của các hành động hiếu chiến của Nhật Bản.

Nhật Bản và Nam Triều Tiên đã ký một hiệp định cơ bản vào năm 1965 bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Văn kiện này đóng lại trang sử về khả năng bồi thường trong tương lai. Sau khi đưa ra lời tạ lỗi, Thủ tướng Kan nói ông sẽ tuân thủ hiệp định đã giải quyết vấn đề bồi thường này.

Một số tổ chức dân sự Triều Tiên mau chóng gạt bỏ tuyên cáo của Nhật Bản và nói rằng nó không đưa ra điều gì mới lạ, và nêu nghi vấn về tính thành khẩn của bản tuyên cáo, đồng thời gọi những lời tạ lỗi mà không có bồi thường là vô nghĩa.

Lời tạ lỗi hôm nay là lời tạ lỗi đáng kể nhất của Nhật Bản kể từ khi Thủ tướng Tomiichi Murayama, một đảng viên Xã hội, năm 1995 đưa ra một tuyên cáo xin lỗi các nước Á châu nói chung để đánh dấu nửa thế kỷ kết thúc Thế chiến thứ hai.

Cuộc chiếm đóng Triều Tiên của Nhật Bản trong 35 năm, trong đó văn hóa và ngôn ngữ của Triều Tiên bị trấn át, kéo dài cho đến khi Thế chiến thứ hai kết liễu, khi Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện các lực lượng đồng minh.

Người Triều Tiên vẫn nhất mực cho rằng hiệp định về vụ chiếm đóng là bị cưỡng ép và vì thế không có hiệu lực. Nhật Bản bắt đầu can thiệp vào Triều Tiên vào cuối thế kỷ thứ 19 và đã giết Hoàng hậu nước này để tìm cách hăm dọa Quốc vương Gojong. Năm 1907, nhà vua đã bị Nhật Bản buộc phải thoái vị nhường ngôi cho người con trai và sau đó bị giam lỏng trong một lâu đài.

Trong tuyên cáo tạ lỗi, chính phủ Nhật Bản cũng thông báo nay mai sẽ trả lại cho Seoul một số di vật văn hóa Triều Tiên, trong đó có các văn kiện ghi các chi tiết về nghi lễ hoàng gia.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG