Phúc trình dài 420 trang nói vụ khủng hoảng tại nhà máy Fukushima Dai-Ichi đã trầm trọng thêm vì các lò phản ứng hạt nhân của nhà máy và các hồ chứa nhiên liệu đã qua sử dụng được đặt quá gần nhau, và vấn đề đó vẫn hiện hữu tại các lò phản ứng hạt nhân khác của Nhật Bản.
Phúc trình phải mất 6 tháng mới hoàn tất, được dựa trên các cuộc phỏng vấn với 300 người, do khoảng 30 nhà điều tra thực hiện, trong số này có nhiều học giả, luật sư và các nhà báo độc lập. Phúc trình kết luận rằng lúc đó điều chẳng may là Nhật Bản không được chuẩn bị để có thể đối phó với các thảm họa chồng chất cùng lúc, chưa từng xảy ra trong lịch sử.
Chủ tịch ủy ban soạn phúc trình, ông Koichi Kitazawa, là người từng đứng đầu Cơ quan Khoa học và Kỹ thuật Nhật Bản. Ông nói “huyền thoại về tính an toàn tuyệt đối” đã làm mờ mắt công nghiệp hạt nhân và các nhân viên giám sát của chính phủ.
Ông Kitazawa nói: “Chúng tôi thấy rằng Nhật Bản, nói chung, hoàn toàn không sẵn sàng để xử lý vụ khủng hoảng, từ địa điểm xảy ra tai nạn cho tới văn phòng Thủ Tướng.”
Một trong các ủy viên trong ban soạn thảo phúc trình, ông Tetsuya Endo, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế, nói Nhật Bản quan tâm đến việc ngăn tránh hoảng loạn trong công chúng, hơn là đến việc chia sẻ thông tin. Ông nói do đó mà không có thông tin liên lạc đầy đủ giữa chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Nhật Bản trong những ngày đầu tiên quan trọng của vụ khủng hoảng.
Ông Endo nói: “Vì thế cả hai bên đều tỏ ra khá nghi kỵ về ý đồ của nhau. Phải tới 2 tuần lễ tình hình này mới được chấn chỉnh.”
Ủy ban điều tra không đào sâu vấn đề trách nhiệm pháp lý, nhưng đề nghị phúc trình mới công bố nên là khởi điểm cho bất cứ ca tố tụng hình sự nào.
Nhà báo lão thành đã phát động việc thành lập ủy ban giám sát việc soạn thảo phúc trình là ông Yoichi Funabashi, cựu chủ biên tờ Asahi Shimbun. Trả lời câu hỏi của một nhà báo hôm nay, về liệu có bất cứ ai phải bị bỏ tù về những gì đã xảy ra tại nhà máy Fukushima Dai-Ichi hay không, ông nói như sau.
Ông Kitazawa nói: “Cá nhân tôi cho rằng chắc phải có chuyện ấy.”
Chính phủ và công ty điều hành nhà máy Fukushima, là Công ty Điện lực Tokyo (tức TEPCO) đã đưa ra một phản ứng lặng lẽ sau khi phúc trình được công bố. Họ nói họ chưa có đủ thời giờ để duyệt lại bản phúc trình.
TEPCO không hợp tác với ủy ban soạn phúc trình. Nhưng các nhà điều tra đã phỏng vấn một số giới chức hồi hưu của công ty này. Họ ghi nhận có sự “thiếu tin tưởng sâu xa” giữa các nhà làm chính sách hàng đầu của Thủ Tướng Nhật Bản Naoto Kan và công ty điện lực Tokyo. Các ủy viên cũng tiết lộ có sự thiếu tin tưởng tương tự giữa cơ quan đầu não của TEPCO với các nhân viên tại hiện trường ở nhà máy Fukushima, và lúc xảy ra các vụ tan chảy tại các lò phản ứng hạt nhân.
Gần một năm sau thảm họa ngày 11 tháng Ba, mà nguyên do là trận động đất có cường độ 9 độ trên địa chấn kế và trận sóng thần tai hại tiếp theo, nhà máy Fukushima vẫn còn dựa vào các thiết bị tạm bợ và biện pháp đổ nước vào 3 lò phản ứng hạt nhân bị hư hại, để duy trì tính ổn định của các lò phản ứng. Các mức độ phóng xạ cao một cách nguy hiểm tiếp tục cản trở các cuộc kiểm tra và công tác sửa chữa.
Các giới chức nói có phần chắc sẽ phải mất nhiều thập kỷ, trước khi có thể chính thức cho ngưng hoạt động nhà máy điện hạt nhân bị hư hại.
Các tác giả của một phúc trình độc lập đầy đủ nhất về các vụ tan chảy tại các lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản hồi năm ngoái nói rằng Nhật Bản “rất may mắn” vì đã tránh được “tình huống tệ hại nhất,” mà nếu xảy ra đã buộc cư dân thủ đô Tokyo phải sơ tán. Nhưng các tác giả của phúc trình khuyến cáo, hãy còn nhiều nguy cơ vì cách thức quản lý và điều hành công nghiệp hạt nhân, cũng như cách xây các cơ sở hạt nhân tại Nhật Bản.