Lịch trình tai họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima |
|
Thật khó mà hiểu rõ được tầm mức to lớn của trận động đất mạnh 9 độ và cơn sóng thần khủng khiếp, cũng như sự kiện đất nước Nhật Bản đã tiến gần đến một tai họa hạt nhân ở mức mà một số giới chức cấp cao đã tính tới việc sơ tán không thể tưởng tượng nổi ở Tokyo.
Tổng số thương vong trong thiên tai này khiến nhiều người phải suy nghĩ: 20.000 người thiệt mạng, phần lớn vì sóng thần, hơn 1 phần tư triệu tòa nhà bị tàn phá, và gần 400.000 người mất hết nhà cửa.
Thảm kịch nhân loại này thực là đau lòng. Một số bậc cha mẹ vẫn còn đang đi lùng kiếm xác con em. Hơn 1.500 trẻ em mất cha hay mẹ hoặc cả hai.
Sự tàn phá vật chất chưa từng có cũng đã biến Nhật Bản thành một đống hoang tàn, gọi là gareki. Phải làm gì với khối gareki này là một vấn đề mà cả nước còn đang phải đương đầu.
Một số công cuộc tái thiết đã bắt đầu, nhưng một mối bất bình chính là có quá nhiều người đang khổ sở trong những nơi tạm trú.
Tại một số cộng đồng như ở quận Fukushima, dân chúng muốn trở về nhà, nhưng tình trạng thiếu hạ tầng cơ sở đầy đủ và những mối lo ngại về độc hại phóng xạ vẫn buộc họ phải lánh xa.
Những lo ngại về phóng xạ có thể là vô lý; một số người Nhật thậm chí còn rời khỏi Tokyo, mặc dầu các mức độ phóng xạ ở đó còn thấp hơn so với một số thành phố khác trên khắp thế giới.
Một số nhà khoa học và giới chức chính phủ trấn an công chúng rằng mức phóng xạ ngay gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi là an toàn.
Nhưng kể từ sau vụ thiên tai, đã có sự mất tin tưởng ngày càng nhiều trong dân chúng Nhật Bản về các số liệu do giới hữu trách đưa ra.
Sự kiện đó, phần lớn xuất phát từ thông tin thiếu chính xác của chính phủ, của Công ty Điện lực Tokyo và giới truyền thông trong những ngày đầu của vụ khủng hoảng hạt nhân.
Thông tín viên VOA nằm trong số những người ở gần cơ sở điện nguyên tử vừa kể vào ngày 15 tháng 3 là lúc có khoảng 10 triệu becquerel mỗi giờ các chất phóng xạ phun ra từ 3 lò phản ứng bị hư hại.
Trong nhiều ngày, thông tín viên này và hàng triệu người ở Nhật Bản đã hấp thu những lượng phóng xạ cao một cách đáng kể so với những gì mà bình thường bị phơi nhiễm.
Không có ai chết vì phóng xạ sau tai nạn này, nhưng các vụ sơ tán bị trì hoãn và thiếu sắp xếp một số bệnh viện ở Fukushima và các cơ sở chăm sóc sức khỏe khác được cho là nguyên do khiến nhiều người bệnh tử vong.
Một số người dự đoán tai nạn cuối cùng sẽ kết thúc công nghiệp năng lượng hạt nhân của Nhật Bản, từng là nguồn cung cấp 30% nhu cầu năng lượng của cả nước. Đó không phải là một triển vọng tốt cho một quốc gia công nghiệp cao nhưng nghèo nàn về tài nguyên.
Nhật Bản cũng nhận thấy mình đứng trước một phí tổn lớn để dọn dẹp sau tai nạn hạt nhân và bồi thường cho các nạn nhân. Ngân khoản đó ước tính lên tới hơn 250 tỷ đôla. Ngay cả đối với nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới, đó cũng là một con số đáng sợ.