Sau gần 3 tháng chờ đợi đầy tranh cãi, chính phủ Việt Nam cuối tháng rồi khép lại đại án đầu độc môi trường khiến hàng trăm tấn cá chết ở miền Trung bằng việc chấp nhận 500 triệu đôla bồi thường, xác nhận nghi ngờ của công luận trước nay rằng Formosa chính là thủ phạm dù hôm 27/4 từng tuyên bố tập đoàn này không có liên hệ tới vụ việc.
Thảm họa chưa từng có trước nay ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe hàng chục triệu dân Việt Nam nhưng thủ phạm không bị truy tố, tòng phạm, những người liên đới tiếp tay không một ai bị truy cứu hay đứng ra chịu trách nhiệm dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước đó từng cam kết sẽ ‘xử lý nghiêm’ nếu phát hiện cá nhân, tổ chức nào vi phạm.
Người dân phản hồi ra sao trước kết cục đầy kịch tính này?
Tạp chí Thanh Niên VOA ghi nhận qua cuộc trao đổi với Nguyễn Đình Hà, một luật gia hoạt động xã hội dân sự từ Hà Nội, blogger-nhà báo tự do Nguyễn Hữu Vinh từ Hà Nội, và nhà hoạt động xã hội Hoàng Bình từ Nghệ An suốt mấy tháng qua tích cực tham gia các chuyến từ thiện về tận những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất để tìm hiểu hoàn cảnh và hỗ trợ bà con ngư dân.
Bấm vào nghe toàn bộ cuộc trao đổi
Đình Hà: Có hai luồng ý kiến. Thứ nhất là hoan nghênh việc công bố phát hiện này và coi đó như thắng lợi của chính quyền Việt Nam. Phía khác coi việc công bố kết luận như thế là chưa đủ, không thỏa đáng, và 500 triệu là cái giá bán rẻ đất nước. Cá nhân tôi thấy công bố kết luận điều tra của chính phủ thiếu rất nhiều điểm. Thứ nhất, chưa nói rõ ở vùng biển nào nhiễm chất gì và khoảng cách bao nhiêu thì bị nhiễm, chỗ nào đánh được cá, chỗ nào không đánh được, làm thế nào để đảm bảo cá sạch an toàn cho sản xuất. Thứ hai, thiếu biện pháp khôi phục biển cụ thể, sử dụng biện pháp gì để xử lý môi trường biển. Đây là vấn đề môi trường-kinh tế rất quan trọng mà kết luận công bố hoàn toàn chung chung. Cái giá 500 triệu đô bồi thường hoàn toàn không dựa trên căn cứ nào cả khi mà thiệt hại của ngư dân chưa được kiểm đếm, thiệt hại kinh tế chưa được kiểm đếm. Tại sao lại đặt ra mức 500 triệu đô la. Hoàn toàn vô căn cứ.
Hữu Vinh: Luồng ý kiến hoan nghênh kết luận điều tra, tôi chẳng lạ, đó là từ Ban Tuyên giáo đồ sộ lâu nay, họ lo việc đó. Vấn đề ở chỗ dân hết sức bất bình về kết luận điều tra bằng miệng, không bằng văn bản trong khi các chuyện vớ vẩn như cấm văn nghệ sĩ sáng tác về biển, về cá thì họ ra văn bản hẳn hoi. Còn kết luận về Formosa thì mơ hồ, ấm ớ, sau thời gian bao che 3 tháng để điều tra điều mà hầu như ai cũng biết: Formosa là thủ phạm. Hàng chục ngàn nhà khoa học, hai mươi mấy ngàn tiến sĩ mà sau 3 tháng không chỉ ra những chất độc nào đã thả ra. Thứ hai, việc chính phủ bí mật đàm phán với Formosa sau thòi gian đổ lỗi cho tảo đỏ, cho âm thanh tiếng động v..v.. khiến lòng tin, sự tín nhiệm của người dân không còn. Đó là một sự ăn hại. Không thể chấp nhận kết luận mù mờ như vậy. Nhận 500 triệu đô la mà đã có con số tổng kết nào chưa? Đã khởi tố vụ án để biết hậu quả ra sao? Đã điều tra để thấy tác động tới con người, sinh thái đời này đời sau thế nào chưa mà vội vã nhận 500 triệu để dàn xếp? Thế lực thù địch nhận tiền nước ngoài để bán rẻ Tổ quốc chính là hành động này.
Trà Mi: Vì sao anh cho là chính phủ và Formosa đã đàm phán ngầm với nhau?
Hữu Vinh: Họ đàm phán thế nào? Formosa nói gì? Hậu quả ra sao? Hoàn toàn không minh bạch với dân. Che đậy rồi đưa ra kết luận như thế còn kèm theo những giọng lưỡi ‘hãy khoan dung’. Thủ tướng Phúc nói nếu Formosa tái phạm sẽ đóng cửa. Xin lỗi, chỉ một lần này đã chết, dân tộc Việt Nam làm sao có thể sống được đến lần thứ hai để đóng cửa Formosa?
Hoàng Bình: Không bao giờ chấp nhận kết quả điều tra chính phủ công bố vì thái độ họ lấp liếm, dung túng, và vô trách nhiệm. Họ đã đưa ra những thông điệp lừa dân như tắm biển, ăn cá an toàn. Ngược lại, quyền lên tiếng của người dân thì họ trấn áp ngay từ đầu. Báo chí phải im tiếng. Không cho các cơ quan độc lập vào để tìm nguyên nhân cá chết. Cá nhân, tổ chức nào không theo ý muốn của đảng vào tìm hiểu thì bị chụp mũ là kích động dân chúng. Chính phủ Mỹ lên tiếng hỗ trợ tìm nguyên nhân mà chính quyền Việt Nam khước từ ngay từ đầu. Rõ ràng có sự lấp liếm, không dám minh bạch thông tin 100%. Phải truy tố Formosa ra trước pháp luật chứ sao lại có chuyện chính phủ kêu gọi nhân dân khoan hồng. Đây là vấn đề pháp lý, phải tôn trọng pháp lý. Không một cơ quan nào vào cuộc điều tra, không cho ai lên tiếng phát biểu. Nhà báo, giới hoạt động tới tiếp cận cũng không được, bị an ninh ngầm và rất đông mật vụ xua đuổi, không cho. Không một quan chức nào chịu trách nhiệm. Ai là người chịu trách nhiệm? Vấn đề hủy diệt môi trường, gây thảm họa cho hàng chục triệu dân Việt Nam chưa từng có trước nay mà không ai chịu trách nhiệm hết, chỉ một lời xin lỗi là xong. Rõ ràng đây là sự dung túng. Người dân ở đây rất bức xúc, có miệng mà không lên tiếng được, không biết lên tiếng với ai. Họ che dấu hoàn toàn sự thật. Từ Quảng Bình ra Hà Tĩnh dọc theo đường quốc lộ khu Vũng Áng, công an cài rất đông. Họ lên các tòa nhà cao ở đây, cắm chốt 24/24. Không một ai có thể đứng ra kêu gọi dân nộp đơn thưa kiện hay yêu cầu Formosa minh bạch. Họ trấn áp ngay từ đầu, chụp mũ tội gây rối, kích động dân chúng. Bình là người nắm rất rõ tình hình ở đây. Mình ở vùng này suốt từ 3 tháng nay, đi hỗ trợ người dân thực phẩm và tìm hiểu nguyện vọng của họ. Dân rất bi đát, không còn đường sống. Như vừa rồi ở Đông Yên có người đánh bắt 30 tấn cá mu về không bán được con nào, đổ ra đường hết. Ở Kỳ Hà, dân 3 tháng nay không làm được hạt muối nào. Có nhiều người đói quá vẫn làm. Cha xứ khuyên rằng làm vậy mất đạo đức vì muối có độc, bán cho bà con ăn là không nên. Người ta hỏi lại ‘Nhà con không còn gì để ăn, ai cho con đây? Một tháng được mười mấy kg gạo, làm sao sống?’ Họ buộc phải làm. Khoản tiền hỗ trợ không thấm vào đâu cả.
Trà Mi: Ngoài việc hỗ trợ gạo ăn, chính quyền có hướng cho họ chuyển đổi nghề nghiệp thế nào, trợ giúp lâu dài ra sao?
Hoàng Bình: Vừa rồi họ thu mua lưới giá khá cao, bằng lưới mới. Họ cho vay vốn và cho xuất khẩu lao động. Con em những vùng thiệt hại nặng được đi học nghề miễn phí. Đặc biệt vùng Kỳ Hà, họ nói sẽ xóa học phí cho học sinh vào năm tới, không biết có thực hiện hay không, mới thấy cam kết vậy thôi.
Trà Mi: Về việc hướng bà con xuất khẩu lao động, dân địa phương tiếp nhận thế nào?
Hoàng Bình: Họ phản đối, không hài lòng vì quê hương, nghề nghiệp bao đời ông cha để lại gắn với biển, với cá. Bây giờ biết đến bao giờ mới có thể đánh bắt trở lại. Đánh bắt xa khơi thì gặp Trung Quốc, gần bờ thì cá chẳng còn. Mất hoàn toàn. Hôm qua, rong rêu chết tràn vào bờ. Dân rất hoang mang. Dân ở đây họ khiếp, sợ không dám ăn cá.
Trà Mi: Người dân muốn đóng cửa Formosa, nhưng nhà nước không muốn. Người dân muốn truy cứu trách nhiệm cụ thể để bồi thường thỏa đáng, nhưng nhà nước đã chấp nhận 500 triệu đô la. Khi mọi chuyện đặt vào thế ‘đã rồi’ , người dân có thể làm gì được hơn trong lúc này? Mời các bạn đón theo dõi phần thảo luận tiếp theo trên Tạp chí Thanh Niên VOA, buổi phát thanh trực tuyến tối thứ sáu 15/7/16.