Đường dẫn truy cập

Khai thác sự thù hận Việt Nam trong bầu cử Campuchia


Thủ tướng Campuchia Hun Sen (bên phải), và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Phe đối lập cáo buộc rằng chính phủ của ông Hun Sen là con rối của Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen (bên phải), và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Phe đối lập cáo buộc rằng chính phủ của ông Hun Sen là con rối của Việt Nam.

Nỗi e ngại lâu năm của Campuchia đối với Việt Nam dường như vẫn là chuyện đường biên giới không hợp lý, các cáo buộc tranh chấp đất đai, gây hấn, thậm chí thực phẩm xuất khẩu bị ô nhiễm cùng những lời phỉ báng. Những điều này thường bị người láng giềng phía Đông phản đối. Nay e ngại này càng tăng thêm khi Campuchia tiến gần đến cuộc bầu cử cấp phường, trong năm nay.

Nhà lãnh đạo phe đối lập vừa hồi hưu, Sam Rainsy, và người kế nhiệm Kem Sokha, là những người đang hưởng lợi chính trị bằng cách khơi thêm thù hằn kéo dài bấy lâu nay. Theo đó, họ đổ lỗi Việt Nam gây ra tình trạng gần như là kích động.

Cao điểm là vào năm 2013, khi Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP) trỗi lên trong cuộc tổng tuyển cử, làm giảm mạnh số ghế do Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền trong Quốc Hội. Không đảng nào phản hồi yêu cầu bình luận của VOA về vấn đề này.

Ông Muoy Piseth, phát ngôn viên Liên Đoàn Học Giả và Sinh Viên Campuchia, nói: "Chiến lược mà các chính trị gia sử dụng để dành phiếu bầu là lên án Việt Nam về những vụ xâm lược ở đây và sử dụng lời xúc phạm. [Hành động] như vậy không đúng đắn.”

Ông nói thêm, như thế, rốt cuộc thì sự hằn thù buồn cười này lại truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Sự sợ hãi và ghê tởm

Đúng hay sai, những nỗi sợ hãi đó lại là nhân tố trong quận Chbar Ampov, một quận ở Phnom Penh nơi tập trung người gốc Việt đông nhất thủ đô.

Ở đây rất khó để phân biệt người Khmer và người Việt vì hầu hết mọi người nói lưu loát tiếng Khmer, mặc đồ kiểu Khmer và hội nhập văn hóa Khmer.

Mặc dù đã đồng hóa, bà Chea Ny, một người trung niên bán thức uống trên đường phố, nói rằng, một cách tổng quát, bà không thích Việt Nam, và cho rằng hầu hết người Việt sống ở đây là người nhập cư bất hợp pháp; trốn qua biên giới bằng thuyền và đi lên Phnom Penh bằng đường sông Mekong để kiếm việc làm.

Thỉnh thoảng chêm vào một tiếng Khmer có tính miệt thị dùng để mô tả người Việt, bà nói: "Tôi ghét họ. Tôi ghét họ vì họ đã gây lộn xộn trên đất nước chúng tôi, họ cướp đi công ăn việc làm của chúng tôi, và chính phủ không làm gì cả."

Nỗi sợ lên đến đỉnh điểm khi Việt Nam xâm chiếm Campuchia vào cuối năm 1978 và Hà Nội chiếm đóng ở đó cả thập niên.

Đối với một số người, đó là đỉnh cao tham vọng của lãnh tụ cộng sản Việt Nam Hồ Chí Minh, người muốn cai trị tất cả các thuộc địa của Pháp như là một liên bang Đông Dương, bao gồm Campuchia, Lào, Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam.

Nhưng đối với những người khác, chính Hà Nội đã chấm dứt thời kỳ khủng bố của Pol Pot và sau đó cài đặt Hun Sen làm thủ tướng, một điều mà phe đối lập cáo buộc rằng chính phủ của ông là con rối của Việt Nam.

Mạng xã hội cũng có tác động trong việc này khi các đoạn video quay cảnh rau cải người Việt trồng sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu độc hại rồi đem sản phẩm ra bán ở thị trường Campuchia, cùng với cáo buộc sai lầm rằng người dân nước láng giềng muốn đầu độc người Khmer.

Những lá phiếu đang đếm

Đây là cơ hội tốt để đảng CNRP khai thác tại các cuộc bầu cử cấp phường xã, sẽ được tổ chức vào ngày 4/6. Đây cũng sẽ là tiền đề cho cuộc thăm dò ý kiến quốc gia sẽ được tổ chức vào tháng 7 năm sau. Khi ấy có lẽ ông Hun Sen sẽ phải bận rộn nhằm xoa dịu các cáo buộc do Việt Nam can thiệp.

Trong cuộc bầu cử năm 2013, những người ủng hộ đảng CNRP đã tấn công những cử tri gốc Việt. Tự gọi họ là "những nhà quan sát cho cuộc bầu cử tự do và công bằng," ủng hộ viên đảng CNRP bị phát hiện có hành vi ngăn chặn người gốc Việt đi bỏ phiếu.

Một điểm nóng khác là đường biên giới, ông Sam Rainsy cáo buộc Hà Nội xâm nhập vào lãnh thổ Campuchia. Các công ty Việt Nam chiếm đoạt đất đai là một vấn đề đã được các tổ chức phi chính phủ, như tổ chức Global Witness, phản ánh.

Các nhà phân tích cho rằng sự thù ghét Việt Nam cũng cho thấy khá rõ qua lá phiếu của cử tri trẻ, những người được kỳ vọng sẽ chiếm đa số ở các cuộc thăm dò bầu cử. Hai thập niên hòa bình sản sinh ra một thế hệ trẻ mới, với 70% dân số dưới 30 tuổi và họ ủng hộ đảng CNRP từ bốn năm trước đây.

Nhưng ông Muoy Piseth nghĩ rằng ông Kem Sokha không thể đối phó với Hà Nội nếu đảng của ông thắng cử trong cuộc bầu cử sang năm.

Ông Mory Sar, Phó Chủ Tịch Mạng Lưới Thanh Niên Campuchia, nói rằng đảng CNRP tập trung lòng thù ghét Việt Nam vào chương trình nghị sự nhưng điều này đã không dành được sự ủng hộ của công chúng và đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích gay gắt vì những thông điệp chính trị cổ súy cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG