Đường dẫn truy cập

Khán giả có đang quá khắt khe với phim Việt?


Đạo diễn gốc Việt mô tả số phận phụ nữ trong phim đầu tay.
Đạo diễn gốc Việt mô tả số phận phụ nữ trong phim đầu tay.

Câu trả lời vừa là có, vừa là không. Vì người xem phim Việt đang quá khắt khe đồng thời lại quá dễ dãi… nhầm chỗ. Phải đến năm 2015, đặc biệt là sau bộ phim nóng hôi hổi Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh của đạo diễn Victor Vũ, điện ảnh Việt mới thấy rõ ràng cái gu, cái văn hóa thưởng thức phim của người xem. Những bộ phim mang tính chất “mỳ ăn liền” thương mại hóa được ra mắt liên tục trong năm 2015 như Cầu Vồng Không Sắc, Kung Fu Phở, Hy Sinh Đời Trai… và dù dở vẫn nườm nượp khán giả đến xem. Sau thành công của Để Mai Tính, Tèo Em hay Long Ruồi, phim Việt ngay lập tức được áp dụng một công thức chung: phim hài tình cảm với nội dung giản đơn gây cười dễ dãi. Những bộ phim liều lĩnh cho mình một con đường khác biệt như Quyên hay Đập Cánh Giữa Không Trung, tuy rằng được đầu tư thời gian, công sức đầy đủ và được đánh giá khá cao trên thị trường phim quốc tế, vẫn được cho là thất bại khi không thu hút được khán giả Việt.

Có quá nhiều bài viết phê bình về đạo diễn, diễn viên, kịch bản phim Việt từ trước đến nay để từ đó đánh giá sự đi xuống của điện ảnh Việt mà không ai màng đến yếu tố chính dẫn đến xu hướng phim Việt như hiện nay, đó chính là khán giả. Đạo diễn Lưu Huỳnh với gần 20 năm trong nghề đạo diễn đã bị ném rất nhiều “gạch đá” vì bộ phim Hy Sinh Đời Trai mới được công chiếu gần đây. Đạo diễn người Mỹ gốc Việt này bị lên án bởi sự thỏa hiệp với dòng phim thị trường trong khi trước đây cho ra biết bao tác phẩm chất lượng, đặc biệt là Áo Lụa Hà Đông. Tuy nhiên, trước khi trách cứ hay đánh giá, tại sao không tự hỏi ngược lại rằng hà cớ gì các đạo diễn tại tự dưng bỏ thời gian tiền bạc của mình để đi làm một bộ phim dở, không ăn khách? Nếu khán giả thực sự ngán ngẩm, sao vẫn lũ lượt bỏ tiền mua vé đi xem? Có ý kiến cho rằng bởi không có một bộ phim nào thật hay để xem, thì tôi xin đưa ví dụ của Bi, Đừng Sợ (2007) của đạo diễn Phan Đăng Di khi được giới thiệu và ra mắt khán giả, tất cả những gì được chú ý là… cảnh sex. Bộ phim được cho là “buồn ngủ” này từng giành giải Dự án châu Á nổi bật tại LHP Quốc tế Pusan 2007, được lựa chọn tham dự hoạt động L'Atelier của Quỹ điện ảnh (Cinefondation) do LHP Cannes tổ chức. Tám năm sau, những bộ phim với nội dung rõ ràng và có ý nghĩa sâu sắc vẫn không thể nào chiếm được nhiều tình cảm từ phía khán giả, bởi chính phần lớn người xem không thể “cảm” được vẻ đẹp nghệ thuật trong đó. Chưa kể, vô số bộ phim Việt hay như Đập Cánh Giữa Không Trung (đạo diễn: Hoàng Điệp), Cha và con và… (đạo diễn: Phan Đăng Di) đã không được trình chiếu để đa dạng hóa thị hiếu của khán giả.

Vậy vì sao Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh của Victor Vũ hay Cánh Đồng Bất Tận của Nguyễn Phan Quang Bình lại tạo được khởi sắc trong điện ảnh Việt? Bởi chúng được văn học Việt tiếp cứu. Tôi khẳng định luôn phần lớn khán giả đi xem phim là người hâm mộ của Nguyễn Nhật Ánh. Các tác phẩm của ông đã quá quen thuộc và gắn bó với tuổi thơ của những người trong cùng thế hệ của tôi, để đến lúc có một bộ phim kịch bản dựa trên cốt truyện của ông thì có không ít người ngóng đợi chờ ngày phim ra rạp. Chưa kể, bộ phim đã hoàn toàn thành công về mặt hình ảnh và âm thanh, cũng như chiến dịch PR rất hiệu quả với một trailer đẹp như mơ. Ấy thế mà ngày phim ra mắt, không ít ý kiến cho rằng “phim đẹp nhưng không thật!” bởi Victor Vũ là Việt Kiều, nên anh không thực sự trải nghiệm sự nghèo khổ của miền Trung, do đó miền Trung trong phim đẹp quá, thơ mộng quá. Với tôi, đó là một bộ phim thành công, về mọi mặt từ nội dung vừa nhẹ nhàng, vừa đủ sâu để thỏa mãn thị giác và thính giác. Khán giả Việt nên cảm thấy hài lòng và tự hào về tác phẩm này trong khuôn khổ phim mang tính nghệ thuật của điện ảnh nước nhà. Việc chê bai và đem ra so sánh với phim Hollywood là một điều thiển cận, vì tôi dám chắc số người hiểu được những bộ phim tầm cao của điện ảnh thế giới là vô cùng nhỏ. Những bộ phim bom tấn như Avengers, Xmen hay Pirates of the Caribbean làm mưa làm gió trên thế giới vẫn chỉ được liệt vào dòng phim thương mại. Thậm chí rất ít những tác phẩm điện ảnh quốc tế có chiều sâu được ra mắt ở các rạp phim Việt.

Có quá nhiều điều đáng bàn về điện ảnh Việt khi mà Việt Nam là một thị trường ở đó sáng tạo nghệ thuật bị hạn chế tối đa từ trước tới nay. Đây là một lĩnh vực nghệ thuật vừa bị kiểm soát hết sức chặt chẽ lại vừa bị ghẻ lạnh, không đón chào sự đầu tư từ nước ngoài, cùng lắm là chỉ các đạo diễn Việt Kiều may mắn được đụng tay vào, còn các thể loại Bollywood, Hollywood hoàn toàn bị “hắt hủi”, không “thèm” chào đón. Thôi thì cũng tội cho khán giả Việt bởi chỉ được thưởng ngoạn nghệ thuật quẩn quanh trong ao tù nước đọng.

* Blog của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Hoàng Giang

    Hoàng Giang sinh ra và lớn lên tại thủ đô Hà Nội, từng đi du học ngành truyền thông tại Mỹ, là cây bút tự do cho nhiều tờ báo dành cho giới trẻ trong và ngoài nước. 'Trong lòng Hà Nội' là suy nghĩ về những đổi thay của đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp dưới góc nhìn khách quan và mới mẻ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG