Việt Nam chỉ đứng sau Philippines trong số các nước đông nam Á về mức độ tin tưởng Mỹ cũng như nghi ngại Trung Quốc, theo kết quả một cuộc khảo sát. Người Việt đi đến sự đánh giá đó là do mối đe dọa an ninh của Bắc Kinh đối với Hà Nội, một nhà quan sát nói với VOA.
Cuộc thăm dò thường niên có tên là ‘Tình trạng của đông nam Á năm 2024’ đã được Trung tâm Nghiên cứu đông nam Á, tức Viện ISEAS-Yusof Ishak, có trụ sở Singapore tổ chức lần thứ 6 và công bố kết quả hồi đầu tháng 4.
Những nhà thăm dò đã hỏi gần 2.000 người, chủ yếu là những người có học vấn như nhà hoạch định chính sách, nhà báo, doanh nhân và phân tích gia ở 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia đông nam Á (ASEAN) về thái độ của họ đối với Mỹ, Trung Quốc, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường cũng như quan điểm về những vấn đề địa chính trị trong khu vực và trên thế giới.
Trung Quốc vượt Mỹ
Kết quả thăm dò cho thấy Trung Quốc đã soán ngôi Mỹ để trở thành siêu cường được các nước ASEAN ủng hộ nhất ở đông nam Á, bất chấp những căng thẳng trên Biển Đông gần đây giữa Bắc Kinh và Manila.
Cụ thể, khi được hỏi nếu buộc phải liên minh với một trong hai nước – Mỹ hay Trung Quốc – sẽ chọn nước nào, tính tổng cộng trên toàn khối có 50,5% người được vấn ý chọn Trung Quốc, nhiều hơn so với 49,5% chọn Mỹ. Chỉ mới năm ngoái, tỷ lệ chọn Mỹ là 61,1% trong khi Trung Quốc chỉ được 38,9% số người tham gia chọn.
Trong khi đó, tỷ lệ này ở Việt Nam là 21% chọn Trung Quốc so với 79% chọn Mỹ, còn trong số những người dân Philippines được hỏi chỉ có 16,7% chọn liên minh với Trung Quốc và có tới 83,3% chọn liên minh với Mỹ. Đây cũng là hai nước đứng cuối bảng về mức độ thân thiện với Trung Quốc đồng thời nghi ngại Mỹ.
Trong các nước còn lại của ASEAN, quốc gia ưa chuộng Trung Quốc nhất đồng thời dè dặt với Mỹ nhất là Malaysia (75% chọn Trung Quốc), theo sau là Indonesia (73%), Lào (70,6%), Brunei (70,1%), Thái Lan (52%), Campuchia (45%), Myanmar (42%) và Singapore (38,5%).
Indonesia, Malaysia và Brunei đều là những nước có đông dân Hồi giáo vốn trong năm qua bất bình với việc chính quyền Tổng thống Joe Biden ủng hộ Israel trong cuộc chiến với Hamas trên dải Gaza, trong khi Philippines và Việt Nam là hai nước tranh chấp chủ quyền quyết liệt nhất với Trung Quốc trên Biển Đông.
Do đó, khi được hỏi vấn đề địa chính trị nào trên thế giới mà họ quan ngại nhất, có đến 83% người được hỏi ở Malaysia, 79% ở Brunei và gần 75% ở Indonesia nói là cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, trong khi mối quan ngại nhất đối với Philippines và Việt Nam là sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông với tỷ lệ lần lượt là 90% và 72,5%. Người Việt Nam cũng đứng đầu trong khối ASEAN về mức độ quan ngại đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine với tỷ lệ là 67%.
Mặc dù cũng giống như đa số người dân các nước đông nam Á khác, đông đảo người dân Việt Nam xem Trung Quốc là cường quốc kinh tế quan trọng nhất trong khu vực, nhưng chỉ có 12,3% người Việt được vấn ý hoan nghênh ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc, và có đến gần 67% hoan nghênh sức mạnh kinh tế của Mỹ trong khu vực.
Về vai trò địa chính trị trong khu vực, 46% người được vấn ý ở Việt Nam chọn Trung Quốc, nhiều hơn gấp đôi số chọn Mỹ là 21%, nhưng lại có đến 96% người Việt nghi ngại về ảnh hưởng chính trị gia tăng của Trung Quốc, trong khi tỷ lệ lo ngại về Mỹ là 45%.
Khi được hỏi, đâu là cách hành xử của Trung Quốc gây quan ngại nhất, 55,4% người Việt chọn sự lấn át của Bắc Kinh trên Biển Đông, so với gần 40% nói Bắc Kinh dùng quan hệ kinh tế để o ép Việt Nam, và gần 30% cho là Bắc Kinh ngày càng chi phối đời sống kinh tế-chính trị trong nước.
Còn về câu hỏi Bắc Kinh nên làm gì để cải thiện hình ảnh, gần như đại đa số người dân ở 10 nước đông nam Á đều cho rằng Bắc Kinh nên giải quyết mọi tranh chấp chủ quyền một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tỷ lệ chọn giải pháp này cao nhất là ở Philippines, với 92,4%, theo sau là Việt Nam với Indonesia, cùng mức 78,6%.
‘Cách tiếp cận nhiều sắc thái’
“So với các quốc gia đông nam Á khác, Việt Nam cảm nhận về mối đe dọa từ Trung Quốc cao hơn do nước này đối mặt với những thách thức an ninh từ Trung Quốc trên Biển Đông và đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời có lịch sử quan hệ đầy sóng gió trong thế kỷ 20”, bà Hạnh Nguyễn, nghiên cứu sinh tiến sỹ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, Đại học Quốc gia Úc, nhận định với VOA.
Tuy nhiên, bà cho rằng bên cạnh mối đe dọa về an ninh, Hà Nội cũng thấy ở Bắc Kinh mối liên hệ ý thức hệ, mối quan hệ bền chặt giữa hai đảng cộng sản, sự lệ thuộc nhau về kinh tế. Những yếu tố này đã dẫn tới ‘cách tiếp cận nhiều sắc thái hơn đối với Trung Quốc’.
Cách tiếp cận này, bà Hạnh lý giải, là ‘cân bằng giữa tăng cường can dự với Bắc Kinh, nhất là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, nhưng lại sẵn sàng đương đầu với Bắc Kinh khi cần thiết’.
Bà nhấn mạnh rằng trong khi Việt Nam tìm đến các cường quốc khác để cân bằng quan hệ với Bắc Kinh, trong đó có Mỹ, các lãnh đạo Việt Nam sẽ xử lý làm sao để việc này không làm tổn hại đến mối quan hệ Việt-Trung.
Nhìn về kết quả tổng thể cuộc thăm dò, bà Hạnh nói sự khác biệt giữa việc chọn Trung Quốc (50,5%) so với chọn Mỹ (49,5%) chỉ là 1%, và biên độ hẹp này không cho thấy gì nhiều về khu vực ưa chuộng Bắc Kinh hơn Washington mà chỉ là do ảnh hưởng của cuộc xung đột trên dải Gaza.
“Khu vực đông nam Á vẫn nghi ngại phần nào về ý định của Trung Quốc”, bà bình luận từ kết quả cuộc thăm dò. “Những người được thăm dò nhìn chung vẫn quan ngại với nguy cơ Trung Quốc đe dọa chủ quyền và lợi ích quốc gia của họ (45,5%) và không xem Trung Quốc là một cường quốc đáng tin cậy (17,6%)”.
Trả lời câu hỏi Bắc Kinh cần làm gì để cải thiện hình ảnh của mình, bà Hạnh nói ‘cần phải làm gì đó để giảm nhẹ cảm nhận về Bắc Kinh như là một mối nguy’. “Các nước trong khu vực có thể không công khai lên án những chiến thuật hung hăng gần đây của Trung Quốc trước Philippines trên Biển Đông, nhưng họ sẽ xem đó là dấu hiệu của một cường quốc thiếu tin cậy và không có trách nhiệm”, bà nói thêm.
Khi được hỏi nếu Hà Nội rơi vào tình cảnh của Manila hiện nay trên Biển Đông, thì liệu Việt Nam có xem xét lại chính sách đối ngoại của mình hay không, bà Hạnh nói nếu Việt Nam có muốn điều chỉnh lại các mối quan hệ, thì trước hết họ phải tìm cách từ từ tháo ngòi nổ căng thẳng với Bắc Kinh thông qua kênh đảng.
Bà cũng cho rằng Bắc Kinh sẽ chọn cách đối phó Hà Nội khác với Manila vì giữa hai nước còn có mối quan hệ truyền thống giữa hai đảng, sự gắn bó về kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc và khoảng cách địa lý gần gũi giữa hai nước.
Diễn đàn