Đường dẫn truy cập

Khi đại gia là ‘miếng da lừa’ của chế độ


Trong một nền kinh tế “có đuôi” như Việt Nam, bất cứ tập đoàn hùng mạnh nào cũng nhất thiết phải nhờ đến thế lực chính trị. Trong hình: Đỗ Anh Dũng và Trịnh Văn Quyết (phải). (Hình: Screenshot từ infonet.vietnamnet.vn)
Trong một nền kinh tế “có đuôi” như Việt Nam, bất cứ tập đoàn hùng mạnh nào cũng nhất thiết phải nhờ đến thế lực chính trị. Trong hình: Đỗ Anh Dũng và Trịnh Văn Quyết (phải). (Hình: Screenshot từ infonet.vietnamnet.vn)

“Khuyến khích phát triển cá nhân là đúng rồi, không cẩn thận lại thành tư nhân, rồi lúc nào đó thành tư bản chủ nghĩa cho mà xem, trên thế giới đã có những nước như thế rồi"”- tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu hội nghị TW8.

FLC

Ngày 23 tháng 11, 2023, hai chiếc Boeing 787 là VN-A819 Ha Long Bay và VN-A818 Samson là hai chiếc cuối cùng của đội bay Bamboo Airway rời Việt Nam để trả về Pháp, chính thức chấm dứt sự tồn tại của hãng bay có tuổi đời ngắn ngủi gắn liền với vị tỷ phú từng giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, Trịnh Văn Quyết. Đây cũng là dấu chấm hết của một thương hiệu, một thế lực trên thương trường Việt Nam mà chỉ cách đây ít lâu từng hô mưa gọi gió, luôn đứng trong top 10 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) tư nhân lớn mạnh nhất cùng với Vingroup, Novaland, Sungroup, Sunshine, Ecopark... Đã gần 2 năm kể từ khi Trịnh Văn Quyết bị tạm giam, những tài sản biểu tượng, dự án đáng giá nhất của tập đoàn FLC đã sang tên đổi chủ.

Từng có thời, FLC hay Vingroup, Novaland... là những cái tên được giới chức chính quyền các tỉnh thành săn đón. "Anh Quyết có đôi mắt sáng, vầng trán cao và nụ cười hiền hòa" được coi như "thần đèn" để giúp GRDP địa phương nhảy vọt. Nhưng đối với người dân thì cái tên FLC trở thành ác mộng bởi mỗi khi anh giơ tay "vẽ cả ngày mai thành bức tranh" là y như rằng hàng ngàn hộ dân ở khu vực mà FLC nhắm đến sẽ sớm gia nhập đoàn quân dân oan, chịu cảnh màn trời chiếu đất.

Còn nhớ, năm 2018, Trịnh Văn Quyết hộ tống ngài tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng một số ủy viên bộ chính trị sang Pháp đi thăm không gian Hồ Chí Minh ở thành phố Montreuil, thăm căn phòng phục dựng số 9 ngõ Compoint của người thợ ảnh năm xưa, tiện thể chứng kiến lễ ký kết FLC “mua” 24 chiếc máy bay A321NEO Airbus của Pháp. Khi đó anh Quyết thật oai phong biết bao.

Đó là thời điểm mà quan hệ ngoại giao của Việt Nam với EU bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau sự kiện tướng Tô Lâm cho quân sang Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay ở thủ đô Berlin ngày 23 tháng Bảy, 2017. Nghi lễ tiếp tân sơ sài của phía Pháp là một kỷ niệm mà một người cực kỳ coi trọng sĩ diện như ông Trọng sẽ không bao giờ muốn nhớ tới. Thậm chí, cơ quan ngoại giao Việt Nam khi đó còn phải thuê người viết bài đăng trên mục quảng cáo của tờ Le Monde khi không một tờ báo Pháp nhắc đến chuyến công du bị ghẻ lạnh này. Trước nguy cơ hiệp định thương mại EVFTA bị đình hoãn bởi khủng hoảng ngoại giao sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh khiến cho các nhà lãnh đạo Việt Nam buộc phải muối mặt. Với lý do thúc đẩy hợp tác, thương mại, bản hợp đồng trị giá 3 tỷ USD của FLC với Airbus khi đó được coi như một điểm nhấn và một cái cớ để Hà Nội cố gắng tìm cách tiếp cận với các lãnh đạo EU thông qua sự ủng hộ của Pháp.

Đến tháng 3.2019, bên lề hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều, trước sự chứng kiến của cả ngài tổng bí thư và tổng thống Donald Trump, anh Quyết cũng đã ký kết "mua'’ 10 chiếc Boeing thân rộng. Những bản hợp đồng của Bamboo Airway và Vietjet khi đó có lẽ đã góp phần nào giảm bớt những phàn nàn về thâm hụt thương mại Việt Mỹ của Donald Trump và được coi là thành công ngoại giao của Hà Nội.

Những bản hợp đồng "Sale and leaseback" với sự góp mặt chứng kiến của nguyên thủ quốc gia được các tỷ phú như Trịnh Văn Quyết sử dụng như một thứ phông nền chính trị rất hiệu quả. Ngoài tác dụng đánh bóng cho thương hiệu tập đoàn, đem về những đợt tăng giá cổ phiếu, thực ra còn là lối thoát hẹp cho khó khăn tài chính khi doanh nghiệp có thể lấy “mỡ nó rán nó” và chấp nhận đánh cược "được ăn cả, ngã về không" trong tương lai. Trịnh Văn Quyết đã thực hiện chiêu này tới 2 lần và khi ngài tổng bí thư nhận ra mình bị "dắt", anh ta trở thành thanh củi đầu tiên trong lần "đốt lò" mở rộng, nhắm vào hàng ngũ doanh nhân.

Khác với Vũ Nhôm, Út trọc và một số các doanh nhân trước đó bị thành "củi đốt lò" bởi lý do "trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết", những đại gia như Trịnh Văn Quyết, cha con Trần Quí Thanh nhà Tân Hiệp Phát, cha con Đỗ Anh Dũng - Tân Hoàng Minh, Diệp Dũng Coopmart, Đinh Trường Chinh, đại gia tộc Vạn Thịnh Phát của "bà trùm" Trương Mỹ Lan... trở thành “thực đơn” của tướng Tô Lâm có thể còn bởi nguyên nhân ý thức hệ và việc lo ngại đội ngũ doanh nhân giàu có quá nhanh bằng các chiêu trò lừa dối, lũng đoạn trên thị trường tài chính có thể gây rối loạn chính trị, xã hội lẫn kinh tế.

Vạn Thịnh Phát

Trong vụ án SCB và tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan cùng chồng là Chu Lập Cơ từng được trao Huân chương lao động hạng ba. Thậm chí, bà Lan được trao huân chương này 2 lần vào những năm 2011 và năm 2014 bởi hai đời chủ tịch nước là ông Nguyễn Minh Triết và Trương Tấn Sang, ngay cả khi cái tên Vạn Thịnh Phát có trong hồ sơ Panama và liên quan đến vụ đưa hối lộ tướng Phạm Quí Ngọ. Có thể thấy Trương Mỹ Lan đạt được vô số những huân huy chương, bằng khen, giải thưởng vinh danh doanh nhân tiêu biểu như thế nào. Từ 2015 đến 2022, SCB là ngân hàng nhận đến 72 lần danh hiệu “xuất sắc nhất Việt Nam”.

Chỉ vài tháng sau khi Dương Chí Dũng và vợ khai ra việc đưa hối lộ 510.000 USD và chuyển giúp 1 triệu USD của Trương Mỹ Lan cho tướng Ngọ tại tòa, tướng Ngọ dù đang rất khỏe mạnh, đã chết tại bệnh viện 108 với lý do "ung thư gan" chỉ một ngày sau khi có quyết định tạm đình chỉ chức thứ trưởng Bộ Công An vì "làm lộ bí mật nhà nước". Kể từ đó, Vạn Thịnh Phát và gia tộc Trương Mỹ Lan càng trở nên vững mạnh hơn. Năm 2020 và 2021, Vạn Thịnh Phát được giới truyền thông trong nước tung hô tới mây xanh cùng với Vingroup khi tài trợ quĩ vaccine 1450 tỷ đồng và ủng hộ 550 tỷ vào quĩ của Ủy ban Mặt trận tổ quốc tpHCM chỉ trong "phút mốt".

Trong một nền kinh tế “có đuôi” như Việt Nam, việc một cô gái bán sạp ở chợ An Đông trở thành bà trùm của tập đoàn hùng mạnh nhất Việt Nam nhất thiết phải nhờ đến thế lực chính trị. Những mối quan hệ thâm tình với Trương Tấn Sang, Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Trương Thị Hiền, Trương Mỹ Hoa, ... và đặc biệt là mối quan hệ với giới tài phiệt Hoa kiều thông qua người chồng Trung Quốc, Chu Lập Cơ đã tạo dựng những nền tảng chính trị lẫn lợi thế tài chính cho Vạn Thịnh Phát. Ở chiều ngược lại, Vạn Thịnh Phát cũng là kho bạc của các "bố già".

Người ta không thể hiểu tại sao, quan chức cộng sản Việt Nam lại có thể giàu có khủng khiếp như vậy. Khi vụ án SCB vỡ lở, ít nhiều hé lộ con đường trở thành tỷ phú của Trương Mỹ Lan. Bằng việc sử dụng ngân hàng SCB như một quĩ tài chính cá nhân, bà Lan dùng trăm ngàn tỷ đồng tiền gửi của người dân để mua hàng ngàn BĐS, cấp tiền cho các mối quan hệ chính trị và mua chuộc giới chức chính quyền dễ dàng như thế nào. Trong số hơn 1 triệu tỷ đồng rút ruột từ SCB, hơn 300.000 tỷ đã bị chuyển thành BĐS hoặc đã bị chiếm đoạt... Những người như bà Lan chắc chắn nằm lòng nguyên tắc “đừng bao giờ đi ăn một mình”.

Trước khi bị biến thành “củi”, cái tên Trương Mỹ Lan giống như Lã Bất Vi trong giới chức chính trị, hàm cấp cục trưởng, thứ trưởng chỉ là “tôm tép” trong vòng ảnh hưởng của gia tộc này. Những đồn đoán và thuyết âm mưu dày đặc xung quanh Vạn Thịnh Phát được củng cố thêm bởi những cái chết bí ẩn của hàng loạt CEO, nhân viên thân tín của bà Lan như Nguyễn Tiến Thành, chủ tịch công ty chứng khoán Tân Việt, thành viên hội đồng quản trị SCB; Nguyễn Phương Hồng, người cùng bị bắt với bà Trương Mỹ Lan chết không rõ lý do trong lúc bị tạm giam.

Rõ ràng, SCB, Vạn Thịnh Phát không đơn giản chỉ là một tổ chức tài chính và doanh nghiệp bình thường. Giờ đây, người ta có thể lờ mờ hiểu ra lý do trong 13 năm ở ngôi “cửu ngũ”, “người lái đò vĩ đại” hầu như không bao giờ lưu lại “thành phố mang tên Bác” quá 3 ngày trừ chuyến đi Kiên Giang bị đột quị. Lê Thanh Hải, "lãnh chúa miền Nam" vẫn ngạo nghễ trước “cái lò ông Trọng”. Câu hỏi đặt ra là, “tại sao?”

Đục nước béo ... công an

Đợt trấn áp giới doanh nhân có những mối quan hệ mật thiết với giới chức cấp cao trong đảng và nhà nước của ông Nguyễn Phú Trọng đã gặt hái những thành tựu đáng kể. Song cái gốc vấn đề vẫn còn nguyên. Điều đáng nói ở đây không phải việc trừng phạt những doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật mà là tại sao một bộ máy quan liêu khổng lồ, một Bộ Công an lớn nhất các quốc gia Đông Nam Á, có ngân sách tương đương ngân sách của quân đội Triều Tiên (khoảng hơn 5 tỷ USD/năm), có thể dễ dàng để cho những “con voi chui lọt lỗ kim” trong hàng thập kỷ như vậy?

Các hình thức vi phạm luật pháp mà những vụ án trước đây, liên quan đến tài chính ngân hàng như vụ Trầm Bê Sarcombank, Trần Bắc Hà BIDV, Nguyễn Đức Kiên ACB, Dương Thị Bạch Diệp, Phạm Thị Diệu Hiền, Hứa thị Phấn - ngân hàng Đại Tín... 10 năm sau được lặp lại với qui mô lớn hơn hàng ngàn lần, ảnh hưởng rộng khắp toàn xã hội, hủy hoại nền kinh tế. Các thủ đoạn thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán mà FLC, SCB, Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh... kỳ thực không có gì mới, thậm chí rất “a bờ cờ” trong giới tài chính, vẫn được Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng, Trương Mỹ Lan và hàng trăm chủ doanh nghiệp bất lương khác vận dụng và dễ dàng huy động, chiếm đoạt hàng trăm ngàn tỷ của người dân.

Điều đó cho thấy không có một cơ chế ngăn chặn các hành vi phạm pháp luật nào được thực hiện. Không có một cơ chế thanh kiểm tra hữu hiệu nào tồn tại trong nội bộ ngành cũng như ngoài ngành (khi các đoàn thanh tra được "bồi dưỡng" bằng những thùng xốp đựng hàng triệu USD như vụ SCB và các thanh tra viên đều "nhận tiền tham nhũng không vụ lợi")

Và sau những vi phạm pháp luật của các ông bà “trùm” bị phát giác, bị truy tố, tài sản của họ bị thu hồi, doanh nghiệp của họ bị "tái cơ cấu" và quản lý bởi nhà nước nhưng thiệt hại của hàng vạn nhà đầu tư thì sao? Nạn nhân thực sự liệu có được đền bù, lấy lại phần nào số tiền đã mất? Cũng giống như vụ án "Chuyến bay giải cứu” hay "kit test Việt Á", hàng ngàn tỷ đồng thu lời bất chính từ xương máu của hàng chục triệu người dân được cơ quan công an thu hồi, số tiền này không hề được đem bồi thường cho những nạn nhân. Vậy số tiền "khủng" bất chính đó được thu hồi để phục vụ việc gì? Liệu có giống như việc Bộ công an được quyền giữ lại 85% số tiền thu được từ xử lý vi phạm giao thông?

Mười năm trước, khi các đại án như Trần Bắc Hà – BIDV, Nguyễn Đức Kiên – ACB, Hà Văn Thắm - Oceanbank, Hứa Thị Phấn - Đại tín Bank, Trần Phương Bình -–Đông Á bank, Trầm Bê - Sarcombank... bị cơ quan điều tra xử lý. Hàng ngàn tỷ đồng và vô số tài sản được thu hồi sau đó được cơ quan chức năng và chính phủ Việt Nam xử lý như thế nào? Hàng chục vạn nhà đầu tư bị lừa dối có được bồi thường phần nào thiệt hại hay không? Câu trả lời là KHÔNG. Vậy thì "Đốt lò" diệt tham nhũng có lợi cho ai đây? Dân gian có câu "Đục nước thì béo cò" nhưng bây giờ giới doanh nhân Việt có câu "Đục nước thì chỉ béo ...công an" thôi.

Và một cuộc khủng hoảng khác

Trong hội nghị trung ương 8, tháng Mười, 2023 vừa qua có một phát biểu của ông tổng bí thư rất đáng được quan tâm. Ít nhất là giới doanh nghiệp tư nhân “có số, có má" ở Việt Nam nên nghiêm túc nhìn nhận về sự thay đổi trong nhãn quan chính trị của giới cầm quyền đối với tầng lớp doanh nhân. Liệu đây có phải là chỉ dấu cho một cuộc đánh tư sản mới hay không?

Khuyến khích phát triển cá nhân là đúng rồi, không cẩn thận lại thành tư nhân, rồi lúc nào đó thành tư bản chủ nghĩa cho mà xem, trên thế giới đã có những nước như thế rồi"”- Nguyễn Phú Trọng.

Trong lịch sử, kể từ những người cộng sản thiết lập quyền lực nhà nước, giới tư sản, địa chủ và trí thức nhiều lần là nạn nhân thê thảm bởi chính sách “trí, phú cường hào đào tận gốc, trốc tận rễ”. Không những tài sản, đất đai, hãng xưởng, phương tiện sản xuất của họ bị trưng thu, mà ngay cả danh dự và mạng sống của họ cũng bị xâm hại. Những doanh nhân yêu nước như bà Cát Hanh Long, gia đình ông bà Trịnh Văn Bô có lẽ là những tên tuổi quá nổi tiếng bởi cả sự nghiệp lẫy lừng của họ cũng như kết cục bi thảm bởi chính những kẻ mà họ đã giúp đỡ và cưu mang. Sau 1975, những tên tuổi như Tăng Minh Phụng, Liên Khu Thìn, Hải Đồ Cổ... có lẽ vẫn còn là những bài học đắt giá.

Từ lời phát biểu của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng với đợt “đốt lò” nhắm vào giới doanh nhân hiện nay có thể thấy dường như những người cộng sản vẫn đang loay hoay mắc kẹt trong việc kiếm tìm một mô hình “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Nếu như giai đoạn 2000 - 2010, giới lãnh đạo Việt Nam đã thất bại trong việc xây dựng những tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo mô hình Chaebol của Hàn Quốc, để lại những núi Nợ hàng triệu tỷ mà cho đến nay vẫn tiếp tục phình to. 676 doanh nghiệp nhà nước (gồm doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn và trên 50% vốn) có tổng tài sản 3,82 triệu tỉ đồng, vốn chủ sở hữu là 1,8 triệu tỉ đồng nhưng con số Nợ là hơn 1,9 triệu tỷ đồng. Không những chiếm dụng phần lớn tài nguyên, vốn và hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi, các tập đoàn nhà nước như EVN, KTV đang biến nền kinh tế quốc gia thành con tin, phá hoại các nỗ lực hội nhập, lũng đoạn chính sách, độc quyền thị trường và loại bỏ các đối tác đầu tư nước ngoài khác bằng mọi thủ đoạn (sẽ có bài phân tích tiếp theo).

Cũng chính từ thất bại đó, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mất chức và người kế nhiệm ông là Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính đã lấy mô hình phát triển kiểu Singapore đem về áp dụng, tập trung nguồn lực cho các doanh nghiệp tư nhân là những doanh nghiệp sân sau, các thân hữu trong "cánh hẩu" của hai ngài thủ tướng. Đại án Việt Á và AIC, cùng hàng loạt các doanh nghiệp đang có tên trong danh sách "thực đơn" của ông tướng Tô Lâm là kết quả phát triển kinh tế giai đoạn 2010 - 2020.

Ở một khía cạnh nào đó, những cái tên như FLC, Vạn Thịnh Phát, AIC... từng được các nhà lãnh đạo Việt Nam coi như “miếng da lừa” thần kỳ mà mỗi khi cần đến sự ủng hộ về tài chính, đóng góp cho các quĩ “từ thiện” hay để "thi đấu” các chức vụ cao hơn thì họ sẽ vừa "úm ba la" vừa xoa "tấm da lừa" để cầu điều mong ước. Và rồi sau mỗi điều ước, "tấm da lừa" sẽ nhỏ lại một ít. Cái giá phải trả đương nhiên rất đắt. Nhưng không giống câu chuyện của Honoré de Balzac, nạn nhân cuối cùng phải chịu tất cả những nghiệp báo của lòng tham không đáy của đám lãnh đạo lại là hơn 90 triệu người dân phải còng lưng trả nợ, chịu đựng một cuộc sống ngày càng đói nghèo, cùng cực.

Không rõ, sau lời phát biểu của ông tổng bí thư ở hội nghị trung ương 8 vừa qua, Việt Nam sẽ nghiên cứu mô hình kinh tế nào cho giai đoạn “quá độ” tiếp theo? Và đến bao giờ thì những người cộng sản mới thôi loay hoay trong mớ lý luận Mác lê và các hình mẫu vay mượn. Hết Nga, Trung Quốc rồi Nam Hàn, Singapore, Israel...? Nhưng với giọng điệu của ngài tổng bí thư, cái hơi hướng của một cuộc đánh tư sản mại bản mới lại ló hiện. Trong bối cảnh nền kinh tế đang suy thoái và lao dốc như hiện nay, một cuộc khủng hoảng khác về đường lối phát triển không có hồi kết xem ra sẽ nhanh chóng đưa "con thuyền không bến" Việt Nam cập bến bờ... Trung Quốc!

  • 16x9 Image

    Tùng Phong

    Tùng Phong là một nhà báo độc lập đang sinh sống tại Việt Nam. Ông từng tâm sự ‘muốn dùng ngòi bút để lên tiếng cho các vấn đề dân chủ và quyền hiến định của người dân’. Các bài viết của Tùng Phong là blog cá nhân, được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ. 

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG