Đường dẫn truy cập

Kịch bản nào cho tứ trụ triều đình sau Hội nghị Trung ương 13 của đảng CSVN?


Hội nghị Trung ương 13 của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã kết thúc hôm 21-12-2015 sau một tuần họp bàn, mà theo đánh giá chung của nhiều người, thì vẫn bế tắc về vấn đề chọn lựa nhân sự lãnh đạo hàng đầu bộ máy đảng và nhà nước, hay “tứ trụ triều đình” của chế độ, dù trước đó đã trải qua hai Hội nghị Trung ương 10 và 11 cũng trong năm 2015.

Nhưng theo chúng tôi, kịch bản “tứ trụ triều đình” dường như đã thành công trong Hội nghị Trung ương 13 tuy không được công bố, nhưng đang được âm thầm khởi sự thực hiện để kết thúc công khai tạig Đại hội XII dự trù sẽ diễn ra từ ngày 21 đến 28 tháng 1- 2016.

Ai cũng cho rằng sự bế tắc bao lâu nay trong việc chọn nhân sự cho các chức vụ Tổng Bí thư đảng CSVN, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ Tướng chính phủ bắt nguồn từ mâu thuẫn trong chủ trương và chính sách đối ngoại giữa hai khuynh hướng thân Trung Quốc và khuynh hướng thân Mỹ ). Mặc dù tình đồng chí Trung Quốc có độ dài thời gian hơn nhiều so với tình đồng minh Hoa Kỳ, thế nhưng chất lượng và hiệu quả thực tiễn trong quan hệ với Trung Quốc ngày càng tệ hại, trong khi chất lượng và hiệu quả thực tiễn sau khi có quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ đã thay đổi toàn diện đời sống xã hội và bộ mặt Việt Nam theo chiều hướng ngày càng tốt đẹp, trở thành triển vọng phát triển toàn diện cho Việt Nam tiến tới dân chủ, giầu mạnh, tạo thế lực hóa giải được các nguy cơ, bảo vệ được độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải quốc gia.

Quan hệ Việt Nam với Trung Quốc đã theo chiều hướng ngày càng xấu đi một cách tồi tệ. Ai cũng biết Trung Quốc ngày càng trắng trợn gia tăng lấn chiếm lãnh thổ, lãnh hải, khủng bố giết hại dã man quân đội và nhân dân Việt Nam khi xua quân đánh chiếm các tỉnh phía Bắc Việt Nam năm 1979, đánh chiếm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988, ngang nhiên đưa giàn khoan HD-981 vào trong thềm lục địa thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014 và mới đây còn ngang nhiên cho bồi đắp các đảo nhân tạo trong các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đồng thời đã từ lâu cho đến nay Trung Quốc vẫn thường xuyên ngăn cản giết hại và đập phá ngư cụ của ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam… Những hành động ngang ngược này của Trung Quốc đã có tác dụng giác ngộ hàng ngũ lãnh đạo cấp cao và hầu hết các đảng viên đảng CSVN vốn có khuynh hướng thân Tầu, để giờ đây có thể nói không sợ sai lầm rằng trong nội bộ đảng CSVN khuynh hướng thân Trung Quốc hầu hết đã bị triệt tiêu. Nhưng vì sự an toàn cho Việt nam, bề ngoài Đảng CSVN vẫn nuôi dưỡng khuynh hướng thân Trung Quốc trong dư luận bằng các động tác giả. Vì vậy, cho đến lúc này nhiều người vẫn lầm tưởng là còn có sự tranh chấp quyền lực gay gắt giữa hai khuynh hướng thân Tầu và thân Mỹ nên cho rằng sau Hội nghị trung ương 13 vừa qua, vẫn bế tắc về vấn đề chọn nhân sự lãnh đạo hàng đầu bộ máy đảng và nhà nước, để cho rằng có thể phải có thêm Hội nghị Trung ương 14 nữa mới giải quyết dứt điểm việc chọn lựa nhân sự cho “Bộ tứ quyền lực” của đảng và nhà nước CSVN.

Thế nhưng thực tế hiện nay không còn tồn tại khuynh hướng thân Trung Quốc hay thân Mỹ trong nội bộ đảng CSVN, nên kịch bản “tứ trụ triều đình” đã thành công trong Hội nghị Trung ương 13. Theo đó, dường như Hội nghị đã nhất trí về tiêu chuẩn lựa chọn và các bước thực hiện như sau:

- Một là những nhân vật lãnh đạo cấp cao phải có tư thế, khả năng, kinh nghiệm phù hợp với xu thế toàn cầu hóa (dân chủ hóa và thị trường tư do hóa), đáp ứng được ý nguyện của tuyệt đại đa số nhân dân và cũng là khuynh hướng chung của hầu hết các đảng viên đảng CSVN hiện nay.

- Hai là, đồng thời những nhân vật lãnh đạo hàng đầu này không bị dị ứng với Bắc Kinh, đến độ gây phản ứng quyết liệt về phía Trung Quốc, bất lợi nhiều mặt cho Việt Nam.

Sau khi xem xét không tìm được ai hội đủ hoàn toàn những tiêu chuẩn trên, nhất là trong chức vụ hàng đầu là Tổng Bí thư, dường như Hội nghị đã nhất trí thực hiện kịch bản như sau:

1.- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được chọn là ứng cử viên Tổng Bí thư đảng CSVN, ứng viên cử dự khuyết là Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm Nguyễn Sinh Hùng.

Vì Nguyễn Tấn Dũng có nhiều ưu thế nhất, do hội đủ tiêu chuẩn 1, dù tiêu chuẩn 2 có nhiều dị nghị. Nhưng để đánh tan hay ít ra làm giảm bớt tối đa những dị nghị hầu đạt tiêu chuẩn 2 một cách tương đối, bằng cách cho công bố Thư đề ngày 10-12-2015 của Thủ tướng Dũng gửi Tổng Bí thư Trọng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương đảng. Nội dung thư giải trình những điểm cáo buộc Thủ tướng Dũng là người cầm đầu phe có khuynh hướng thân Hoa Kỳ, chống Trung Quốc, để cho thấy sự thật không hẳn như vậy. Bức thư có tác dụng như lời thanh minh, cam kết công khai với Bắc Kinh rằng đồng chí Dũng nếu được Đại hội XII bầu làm Tổng Bí thư trong nhiệm kỳ 5 năm tới (2015-2020) vẫn tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại đa phương như hiện nay và vẫn là người đồng chí trung thành trong quan hệ song phương cố hữu với Trung Quốc. Điều này khi thực hiện là hoàn toàn có lợi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng do sự nhất trí giữa hai khuynh hướng thân Trung Quốc và thân Mỹ. Vì vậy, động tác này không phải thể hiện mâu thuẫn giữa hai khuynh hướng thân Trung Quốc và thân Mỹ mà là kết quả của một sự thỏa hiệp phân chia quyền lực một cách an toàn trước một hiểm họa chung cho đất nước và cho chính đảng CSVN, giữa các phe phái lợi ích trong nội bộ đảng CSVN thì đúng hơn.

Để bảo chứng cho lời cam kết này, dường như Hội nghị Trung ương 13 một mặt còn nhất trí tăng cường triệt để sự lãnh đạo của Đảng, trong tương lai bất cứ lúc nào cũng có thể truất quyền TBT Nguyễn Tấn Dũng nếu có hành động vượt quyền lãnh đạo của Đảng. Mặt khác, chính quyền đương nhiệm của Thủ Tướng Dũng đã có hành động chứng tỏ ngay bằng sự mau mắn ra tay trấn áp triệt để mọi sự phản kháng cá nhân hay tập thể đòi tự do, dân chủ, nhân quyền, đòi chuyển đổi chế độ độc đảng, độc tài toàn trị qua chế độ đa đảng, dân chủ pháp trị. Điều này đã xẩy ra trên thực tế, với các vụ bắt bớ, truy tố, xét xử để trấn áp những người bất đồng chính kiến, đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền. Điển hình là việc hành hung, bắt giam, truy tố luật sư dân quyền Nguyễn Văn Đài và nhiều người khác mới đây. Vì vậy nhiều người lấy làm lạ là thông tin về vụ bắt giam luật sư Nguyễn Văn Đài lại được báo chí chính thống đưa tin, cùng lúc với sự việc bắt giữ đang diễn ra, tức là cùng vào sáng ngày 16-12-2015.

Đối với Hoa Kỳ, dường như cũng đã đoán được mục đích muốn thành đạt của kịch bản “nín thở qua sông” của đảng CSVN, nên dù bề ngoài đã có phản ứng quyết liệt trước việc nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, nhưng bên trong như đã có sự cảm thông với sự khó khăn nhất thời của đảng CSVN trong việc sắp xếp nhân sự lãnh đạo hàng đầu trong giai đoạn chuyển đổi đầy cam go, phải giải quyết cấp bách. Vì vậy, trong cuộc gặp Bà Vũ Minh Khánh, vợ luật sư Nguyễn Văn Đài, và luật sư Hà Huy Sơn tại nhà riêng vào chiều 22/12/2015, có sự hiện diện của tùy viên chính trị David V. Muehlke, Đại sứ Mỹ Ted Osius đã chia sẻ và khẳng định, Mỹ cũng như các quốc gia phương Tây ở Việt Nam đều rất tức giận với việc Bộ Công an bắt luật sư Nguyễn Văn Đài, cũng như đã lần lượt lên tiếng về vụ việc này. Ông cho biết, gần như ngay sau vụ bắt, ông đã gặp Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang và Thứ trưởng Tô Lâm. Nhưng khi được hỏi, “trong hai cuộc gặp đó, ông có thấy bất kỳ một tín hiệu, một manh mối nào từ phía công an, cho thấy tại sao họ bắt anh Đài và chị Thu Hà không”, thì Đại sứ Ted Osius lắc đầu: “Không. Họ vẫn chỉ đưa ra các lý do như họ đã từng đưa ra trong những lần bắt các nhà hoạt động khác. Tôi có nói với họ, rằng luật sư Nguyễn Văn Đài cũng như các nhà hoạt động đang bị họ giam giữ kia, đều là những người yêu nước, chỉ mong điều tốt đẹp cho Việt Nam, chỉ mong Việt Nam phát triển và hội nhập để trở thành một phần của thế giới. Nhưng ông Trần Đại Quang và ông Tô Lâm không đồng ý như vậy”.

Tuy thế, Đại sứ Hoa Kỳ cũng nêu rõ rằng ông cảm nhận được sự cứng rắn của phía Bộ Công an, và chắc chắn chính quyền Việt Nam sẽ không thả luật sư Nguyễn Văn Đài sớm. "Có nhiều vụ việc, họ có những tín hiệu cho thấy mọi việc sẽ được giải quyết nhanh chóng, nhưng trường hợp này thì không. Tôi cũng không muốn gia đình nuôi hy vọng, nên tôi phải nói rõ là có thể chuyện sẽ kéo dài đấy". Vì sao Đại sứ Hoa Kỳ đoán được như vậy và đành chấp nhận như vậy, không cần làm gì hơn để đòi buộc được nhà cầm quyền Việt Nam phải thả Ls Nguyễn Văn Đài lập tức, vô điều kiện? Phải chăng đó là sự cảm thông để giúp thuận lợi cho đảng CSVN “nín thở qua sông”; và rồi Ls Đài cũng sẽ được thả, với độ thời gian kéo dài, ngắn nhất cũng phải là sau Đại hội XII của đảng CSVN, khi vấn đề nhân sự lãnh đạo hàng đầu Việt Nam đã được giải quyết một cách phù hợp đôi đàng?

Như để tăng thêm độ tin cây đối với Trung Quốc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đi thăm Trung Quốc từ ngày 23 đến 27-12-2015 gặp gỡ người đồng nhiệm Chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại cuộc gặp gỡ này, nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định ý muốn tăng cường hợp tác để quan hệ hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp, ổn định, và lâu dài. Ông Tập Cận Bình cũng bày tỏ tin tưởng Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ thành công tốt đẹp. Về phần mình, ông Nguyễn Sinh Hùng đề nghị hai nước thúc đẩy thực hiện nhận thức chung và các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Đối với những vấn đề trên biển, ông Hùng nhấn mạnh thỏa thuận giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc tăng cường niềm tin chính trị thông qua giải quyết, xử lý những vấn đề hai bên còn có nhận thức khác nhau, trên tinh thần hiểu biết, hữu nghị và thẳng thắn.

Trong cuộc gặp này, Chủ tịch Trung Quốc cũng gửi lời hỏi thăm các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nhưng không thấy hỏi han gì Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Người ta tự hỏi đây có phải là dấu hiệu tỏ ý không bằng lòng khi đảng CSVN có ý định đưa Nguyễn Tấn Dũng lên chức vụ Tổng Bí thư? Nếu thế thì phải chăng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (Cháu của Hồ Chí Minh) sẽ là ứng cử viên dự khuyết chức vụ Tổng Bí thư? Hay là Bắc Kinh đã tỏ thái độ miễn cưỡng chấp nhận, mà không hỏi thăm gì Thủ Tướng Dũng là có ý cảnh cáo Nguyễn Tấn Dũng đừng chơi trò “nín thở qua sông” để sau đó “ qua cầu, rút ván” theo Mỹ, chống lại Bắc Kinh?

2.- Đối với các Ứng viên ba chức vụ hàng đầu khác: Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ Tướng Chính phủ

Hội nghị Trung ương 13 dường như đã không để Tổng Bí thư kiêm nhiệm Chủ tịch nước như nhiều người dự đoán, vì Trung Quốc không muốn có sự thâu tóm quyền lực đảng và nhà trong tay một người như Nguyễn Tấn Dũng vốn được coi là người cầm đầu phe thân Mỹ, khiến Trung Quốc e ngại, nên đã có hành động tạo áp lực, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhân sự lãnh đạo hàng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam?

Theo chúng tôi, ba chức vụ hàng đầu còn lại của chế độ có thể được sắp xếp như sau: Chủ tịch Nước là Nguyễn Sinh Hùng, nếu Nguyễn Tấn Dũng được bầu là Tổng Bí thư hay hoán chuyển qua lại; Chủ tịch Quốc hội là Nguyễn Thị Kim Ngân; và Thủ tướng chính phủ có thể là Nguyễn Thiện Nhân.

Theo Chủ tịch Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân, hơn 1,500 đại biểu sẽ tham dự Đại hội XII. Chính Đại hội này sẽ cho đáp án chính xác cho “kịch bản nín thở qua sông” mà chúng tôi vừa trình bầy. Tất nhiên, kịch bản này chỉ là một dự báo chính trị, không thể chính xác 100% như dự báo khoa học tự nhiên. Suy cho cùng, ngay cả khoa học tự nhiêu như dự báo thời tiết đôi khi cũng sai lệch nữa là một dự báo thuộc phạm trù khoa học xã hội, phải không ạ, thưa quý độc giả kính mến.

*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Thiện Ý

    Thiện Ý nguyên luật sư tại Sài Gòn trước 1975, hiện là Chủ tịch Câu Lạc bộ Luật khoa Việt Nam ở Houston. Các bài viết của Thiện Ý là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG