Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un hy vọng nhận được chức danh mới và sẽ củng cố thêm quyền lực tuyệt đối của ông ta, trong khi hạn chế những ảnh hưởng của quân đội.
Nhà lãnh đạo trẻ này đang nắm giữ chức vụ chủ tịch của Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) và Đệ nhất Chủ tịch của Ủy Ban Quốc Phòng (NDC).
Tại cuộc họp kín của Đoàn Chủ Tịch Quốc Hội Nhân Dân Tối Cao ngày hôm nay, ông Kim có phần chắc sẽ được bầu làm chủ tịch của một cơ cấu nhà nước mới được phục hồi có tên Ủy Ban Nhân Dân Trung Ương.
Nhà phân tích Ahn Chan-il của Viện nghiên cứu Thế Giới về Bắc Triều Tiên và là một người đào tỵ từ nước này cho biết như sau.
“Nếu ông Kim Jong Un nắm giữ độc quyền chức vụ cao nhất của nhà nước và chức vụ cao nhất của đảng, ông ấy sẽ trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của chế độ này.”
Ủy Ban Nhân Dân Trung Ương được thành lập vào năm 1972 để giám sát quân đội cũng như các bộ phận khác của chính quyền dân sự. Ông Kim Il Sung, người sáng lập đã qua đời của đất nước này và là ông nội của nhà lãnh đạo hiện thời, từng là người đứng đầu ủy ban này. Nhưng con trai của ông ta là Kim Jong Il đã dẹp bỏ ủy ban này trong thời gian cai trị đất nước và củng cố thêm vai trò của Ủy Ban Quốc Phòng với chính sách ưu tiên cho quân đội.
Việc phục hồi cơ cấu quyền lực của ông nội của ông Kim Jong Un, theo nhà phân tích Ahn Chan-il, có thể làm giảm bớt ảnh hưởng của quân đội và làm cho những người cố vấn chính trị của Đảng Công Nhân có tiếng nói mạnh hơn.
Vào tháng 5, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng đã ngả về phong cách cai trị của ông nội ông qua việc triệu tập Đại hội Đảng Lao động sau 36 năm và đó được coi là một bước tiến để củng cố thêm quyền lực và thúc đẩy cho chương trình nghị sự của ông ta. Bố của ông, ông Kim Jong Il, cũng đã giữ cả 2 chức danh của đảng và của quân đội nhưng không hề triệu tập đại hội đảng.
Tuy nhiên trong nhà nước độc tài Bắc Triều Tiên, các phiên họp quốc hội chỉ có mục đích đồng thanh chấp thuận các quyết định được đã được giới lãnh đạo thông qua.
Từ khi lên nắm quyền năm 2011, ông Kim Jong Un đã đề ra chính sách của riêng mình là đặt ưu tiên cho việc phát triển cùng một lúc vũ khí và phát triển kinh tế, được gọi là “byeongjin”.
Việc Bắc Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo đã làm gia tăng những mối căng thẳng với cộng đồng quốc tế.
Chính phủ của ông Kim Jong Un cũng gặp phải sự chỉ trích mỗi lúc một nhiều về những vụ vi phạm nhân quyền, kể cả việc điều hành một mạng lưới nhà tù chính trị, tra tấn và xử tử bừa bãi.
Tuy nhiên, lập trường ương ngạnh của nhà lãnh đạo trẻ tuổi này đối với áp lực quốc tế có lẽ cũng làm gia tăng sự ủng hộ của người dân trong nước.
Ông Marzuki Darusman, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Bắc Triều Tiên, cho biết như sau.
"Những áp lực được gia tăng và áp đặt lên chính phủ Cộng hoà Nhân dân Triều Tiên nhiều chứng nào thì chính phủ này dường như được công chúng ủng hộ nhiều chứng đó."
Các nhà quan sát cho rằng Bắc Triều Tiên sẽ phải trả những cái giá rất đắt về kinh tế cho lập trường ương ngạnh của họ đối với vấn đề vũ khí hạt nhân.
Đầu tuần này Bình Nhưỡng đã đề nghị thực hiện lại cuộc thương thuyết Liên Triều để cải thiện quan hệ, nhưng Seoul bác bỏ đề nghị đó. Họ nói rằng Bắc Triều Tiên trước tiên phải ngưng chương trình hạt nhân thì mới có thể tiến hành các cuộc đàm phán.