Khu vực kinh tế này rất năng động về mặt tạo ra công ăn việc làm cho một xã hội thặng dư lực lượng lao động như trường hợp những nước đang phát triển.
3- Đóng góp công ăn việc làm:
Theo báo cáo đã nhắc tới của CIEM, tổng số lao động làm việc tại các doanh nghiệp năm 2006 là 6722,2 ngàn người, tăng 3184,7 ngàn người so với năm 2000. Trong đó, số lao động làm việc trong DNNN đã giảm mất 181,5 ngàn người; trong doanh nghiệp tư nhân tăng thêm 2329 ngàn người và trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DNFDI) tăng thêm 1037,7 ngàn người. Như vậy, DNNN trong 7 năm qua không tạo thêm công ăn việc làm mới cho người lao động; mà ngược lại, đã mất đi hơn 181 ngàn chỗ làm việc. Ngược lại, số lao động làm việc trong doanh nghiệp tư nhân trong nước đã tăng hơn 3 lần trong những năm 2000-2006, từ hơn 1 triệu lên hơn 3 triệu người. Tương tự, số lao động làm việc trong các DNFDI đã tăng hơn 3 lần, từ hơn 407 ngàn người năm 2000 đã tăng lên hơn 1,4 triệu người năm 2006. Số lao động làm việc trong các DNNN chỉ còn chiếm 28% tổng số lao động trong doanh nghiệp; giảm hơn một nửa (59,1%) so với năm 2000.
Trong khi đó, tỷ trọng lao động của DNTN trong nước và DNFDI đã tăng lên tương ứng từ 29,4 và 11,5% năm 2000 lên 50,1 và 21,5% vào năm 2006. Thành quả về tạo công ăn việc làm của các DNNN hoàn toàn không tương xứng với những nguồn lực to lớn mà DNNN sử dụng. Nếu so với tổng số lao động của cả nước là 43,35 triệu lao động, thì số lao động trong các DNNN chỉ chiếm dưới 4,4% trong năm 2006. Tuyệt đại bộ phận người lao động (trên 95,6%) gồm nông dân, những người lao động tự do và những người lao động trong các DNTN và DNFDI sử dụng khoảng ½ tổng đầu tư của xã hội. Biểu đồ dưới đây cho thấy điều này:
4- Về cán cân thương mại:
Tình hình chung là nhập siêu nay ở mức rất đáng quan ngại. Sản xuất kém hiệu quả, khu vực DNNN chắc chắn là một nguyên nhân chính. Những DNFDI xuất siêu, mặc dầu đã thổi phồng giá trị nhập khẩu để chuyển giá với mục đích khai lỗ để tránh thuế thu nhập doanh nghiệp. Khu vực DNTN còn lại hẳn là một nhân tố đóng góp tích cực vào cán cân thương mại, nhưng số liệu chính xác không được phổ biến.
5- Đóng góp vào ngân sách nhà nước:
Phần này giành cho chúng ta một sự ngạc nhiên khá thú vị.Trích Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT):
“Theo bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất Việt Nam (V-1000), số lượng doanh nghiệp tư nhân đã chiếm tỷ lệ ngang với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nước ngoài.”
Đây là năm đầu tiên Bảng xếp hạng V-1000 được công bố để ghi nhận và tôn vinh các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, tuân thủ luật pháp, chính sách về thuế và đóng góp thuế thu nhập lớn cho ngân sách quốc gia. Bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất Việt Nam, được công bố ngày 23-9 cho thấy số lượng doanh nghiệp tư nhân đã chiếm tỷ lệ khoảng 33%, ngang bằng với các DNNN và DNFDI về đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp tính cho ba năm 2007 - 2008 - 2009.
Hiện nay, Nhà nước vẫn xác định khu vực DNNN giữ vai trò chủ đạo. Điều này gây mối quan ngại là những nguồn lực lớn của đất nước vẫn tập trung để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện vai trò đó, chèn ép khu vực kinh tế tư nhân. Qua Bảng xếp hạng V-1000 cho thấy, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang có tính tập trung khá cao và phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp lớn. Cụ thể là 200 doanh nghiệp đứng đầu trong Bảng xếp hạng V-1000 đóng góp tới 80% lượng thuế thu được từ 1.000 doanh nghiệp trong bảng.
Cho dù vai trò chủ đạo vẫn cứ được khư khư giữ cho khu vực DNNN, và dù những DNTN còn bị nhiều ràng buộc, bị phân biệt đối xử về chính sách thì khối doanh nghiệp dân doanh vẫn lừng lững đi lên, Những đóng góp của khu vực DNTN là những đóng góp từ năng lực sản xuất, kinh doanh và quản trị chứ không dựa trên ưu đãi nào cả.
Tất cả cho thấy, khu vực DNTN, dù có nhiều khó khăn như nguồn lực kém, bị phân biệt đối xử trong quyền tiếp cận các nguồn lực tài chính, đất đai, khoáng sản…, và trải qua nhiều khó khăn lớn như chịu tác động của đợt lạm phát năm 2007, khủng hoảng tài chính thế giới 2008 – 2009, nhưng có một sức sống mãnh liệt và vẫn đóng góp lớn đến không ngờ cho nền kinh tế Việt Nam.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.