Hôm 29/12, chính phủ Việt Nam loan báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm 2021 chỉ tăng 2,58%, thấp hơn mức 2,91% của năm 2020 và cũng là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ qua.
Tổng cục Thống kê (GSO) vừa họp báo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, theo đó trong quý IV, kinh tế tăng trưởng 5,22%; quý III âm 6,02%, quý II 6,73%, quý I 4,72%. Tính chung cả năm, GDP Việt Nam chỉ tăng 2,58%.
Trang Tuổi Trẻ dẫn lời bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định rằng nguyên nhân tụt giảm là do dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý III nhiều địa phương trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài.
“Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm của một số ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế”, bà Hương nhấn mạnh.
Theo đó, mức sụt giảm trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống là 20,81%, kế đến là ngành vận tải kho bãi giảm 5,02%, và ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,21%.
Tuy nhiên, cơ quan thống kê của Việt Nam cho rằng đây vẫn là “một thành công lớn” trong việc vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì sản xuất kinh doanh.
Cũng theo GSO, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2021 tăng 1,84% so với năm trước, đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Tỉ lệ thất nghiệp 2021 của lao động trong độ tuổi là 3,22%, trong đó tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 4,42%, khu vực nông thôn là 2,48%.
Vào tháng trước, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính GDP của Việt Nam sẽ tăng từ 2 đến 2,5% trong năm 2021, thấp hơn khoảng 4 điểm phần trăm so với mức trung bình của thế giới.