Đường dẫn truy cập

Kinh tế VN tăng 6,2% năm 2016, còn khó khăn năm 2017


Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân của tăng trưởng chậm lại trong năm nay là do sự đi xuống trong ngành nông nghiệp và khai khoáng.
Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân của tăng trưởng chậm lại trong năm nay là do sự đi xuống trong ngành nông nghiệp và khai khoáng.

Tổng cục Thống kê Việt Nam hôm 28/12 công bố kinh tế có mức tăng trưởng ước tính là 6,21% trong năm 2016. Tỷ lệ này vẫn giữ Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á.

Tuy nhiên, con số 6,21% thấp hơn mục tiêu của chính phủ là 6,3-6,5%, và thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 6,68% của năm 2015. Con số này cũng đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam phát triển chậm lại trong vòng 4 năm qua.

Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân của tăng trưởng chậm lại trong năm nay là do sự đi xuống trong ngành nông nghiệp và khai khoáng.

Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam trong năm qua với VOA, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu ra những điểm tích cực:

“Thứ nhất, chính phủ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Xuân Phúc ngay từ đầu đã hết sức chú ý cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp, nhất là ra quyết định số 35. Những nguyên tắc cơ bản trong Nghị quyết 35 thực sự là những nguyên tắc mà ở các nền kinh tế khác người ta đang vận hành theo cách là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và tạo sự bình đẳng, môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp với nhau. Cái thứ hai nữa là thông điệp lâu nay chờ đợi là chính phủ chấp nhận việc cải thiện về chế độ đất đai, chấp nhận cho tích tụ đất đai cũng như tháo gỡ khó khăn trong sử dụng đất của doanh nghiệp, của nông dân, để làm sao cho nông nghiệp có thể tổ chức lại, sản xuất theo quy mô lớn hơn. Cái thứ ba nữa là cố gắng của chính phủ Việt Nam hay của nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập thì cũng vẫn được tiếp tục. Điều đáng tiếc là TPP bị chính quyền mới của Mỹ đình lại. Tuy nhiên, thông điệp chính phủ Việt Nam đưa ra vẫn là dù không có TPP Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục cải cách, sẽ vẫn tiếp tục những cố gắng của mình để làm sao hội nhập tốt hơn với các thị trường khác”.

Những điểm tích cực này, theo bà Lan, đã mang lại kết quả là tăng niềm tin trong giới kinh doanh, thể hiện qua thực tế có khoảng 110.000 doanh nghiệp đăng ký mới trong năm 2016, đây là một mức tăng lớn.

Song bà lưu ý do sự cải thiện môi trường kinh doanh chưa đầy đủ, còn nhiều vấn đề tồn tại, nên trong số các doanh nghiệp có từ trước, 73.000 doanh nghiệp đã đóng cửa trong năm 2016, dù ít hơn con số 81.000 năm 2015, đó vẫn là một con số lớn.

Nói về những vấn đề tiêu cực trong kinh tế Việt Nam năm qua, chuyên gia Phạm Chi Lan điểm lại một số diễn biến chính:

“Số một là vấn đề môi trường và cách thức Việt Nam ứng phó với chuyện môi trường, nhất là câu chuyện Formosa xảy ra. Cho đến nay mới quy tội được Formosa, chứ còn về phía Việt Nam chưa quy tội được cho bất cứ cơ quan nào hoặc cá nhân nào. Tôi nghĩ rằng đấy là điều rất cần phải quan tâm. Bởi vì những sự cố môi trường trong tương lai có thể xảy ra tiếp, và nó đòi hỏi phải làm rất rõ trách nhiệm giải trình của từng đơn vị, từng cá nhân trong công việc. Cái thứ hai nữa là một loạt các vấn nạn khác xảy ra cũng không quy kết được trách nhiệm. Ví dụ, thủy điện ở một số nơi xả ra và như vậy làm người dân ở các vùng bị lụt lội, bị ngập. Làm rõ trách nhiệm các đơn vị vận hành các thủy điện đó như thế nào? Điều này rất cần phải làm rõ và quy trách nhiệm cho họ, buộc họ phải bồi thường cho người dân. Cái thứ ba nữa là về quan hệ thương mại với các nước, năm đầu tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, Việt Nam thực sự đã có rất nhiều bài học không hay cho mình. Xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN không tăng được mà thậm chí còn giảm tới 9% so với năm trước. Trong khi đó, nhập khẩu từ ASEAN lại tăng đến 40%. Tương tự như vậy là với Trung Quốc, Việt Nam vẫn để nhập siêu quá nhiều từ Trung Quốc”.

Bà Lan cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam dù có thời gian chuẩn bị cho hội nhập đã lâu nhưng họ không tự mình nâng cao năng lực cạnh tranh, kết hợp với thực trạng các chính sách và hành xử của các bộ chưa hợp lý, nên không củng cố được hoạt động ngay ở thị trường trong nước.

Ngược lại, bà chỉ ra rằng các nhà đầu tư lớn của ASEAN, nhất là Thái Lan, lại đang xâm nhập hiệu quả vào thị trường Việt Nam, thâu tóm các doanh nghiệp và hệ thống phân phối ở Việt Nam. Bà nhận định với diễn biến như vậy, “tương lai nhập siêu từ ASEAN sẽ tăng hơn nữa”.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam không tạo được thặng dư từ xuất khẩu trong buôn bán với Trung Quốc và ASEAN, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cảnh báo điều đó sẽ “không tốt cho nền kinh tế” và “làm tăng thêm sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc”, rút cục Việt Nam không tận hưởng được những lợi ích của hội nhập mà để những “lợi ích đó rơi vào tay của Trung Quốc và ASEAN”.

Từ những diễn biến cả tích cực lẫn tiêu cực về kinh tế trong năm 2016, chuyên gia Phạm Chi Lan đưa ra dự báo về năm tới:

“2017 tôi e là sẽ tiếp tục là một năm rất thách thức đối với Việt Nam. Trong khi những vấn đề về môi trường ở Việt Nam chưa được giải quyết thấu đáo, cho nên các doanh nghiệp có các hoạt động khác nhau cũng vẫn có tiềm ẩn nguy cơ gây tiếp những vấn đề thảm họa môi trường hay ô nhiễm môi trường ở Việt Nam. Nhân tố thứ hai là thị trường thế giới tiếp tục diễn biến một cách rất bất định, khó lường trước. Kể cả thương mại với Hoa Kỳ, bây giờ không những chưa có TPP, mà ngay cả những quan hệ vốn có cũng có thể bị thách thức thêm. Một phần là do chính sách của chính phủ mới, của ông Trump. Có nghĩa là những công việc lâu nay đặt gia công ở Việt Nam cũng có nguy cơ có thể họ chuyển về làm ở Hoa Kỳ. Việt Nam phải tính, phải lường trước được khả năng thị trường Mỹ sẽ không được như trước. EU sau Brexit cũng chưa biết chiều hướng như thế nào. Kinh tế Việt Nam dựa vào một mặt là về thiên nhiên, một mặt là thị trường toàn cầu, nó đều chứa đựng những nhân tố có thể là bất lợi cho Việt Nam nhiều hơn là những nhân tố thuận lợi mới. Thế còn trong nền kinh tế trong nước của Việt Nam, thực hiện cuộc cải cách thể chế vô cùng cần thiết thì dường như cũng vẫn còn khó”.

Việt Nam có dân số 93 triệu người. Trong năm 2015, kinh tế Việt Nam đã có mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2007. Mức tăng chậm lại trong năm nay là sự giảm tốc đầu tiên kể từ năm 2012. Xếp hạng về tỷ lệ tăng trưởng trong khu vực, năm nay Việt Nam có tốc độ chậm hơn Ấn Độ, Trung Quốc và Philippines.

Kinh tế VN tăng 6,2% năm 2016, còn khó khăn năm 2017
please wait

No media source currently available

0:00 0:03:18 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG