Tổng Thống Nam Triều Tiên Lee Myung-Bak tuyên bố nước ông cần tăng cường an ninh trước hành động hung hăng của miền Bắc hồi năm ngoái. Nhưng trong bài diễn văn trình bày chính sách trong năm mới đọc hôm nay, ông Lee cũng hứa sẽ giúp đỡ miền Bắc với những điều kiện đúng đắn.
Nhà lãnh đạo Nam Triều Tiên nói rằng cánh cửa vẫn mở cho cuộc đối thoại Liên Triều và rằng Seoul sẽ dành sự hỗ trợ kinh tế cho Bình Nhưỡng nếu miền Bắc chứng tỏ rằng họ nghiêm túc trong việc đàm phán.
Nhưng ông Lee cũng nhắc lại cam kết sẽ trả đũa đối với mọi hành động khiêu khích khác đe dọa đến sinh mạng hay tài sản của người dân Nam Triều Tiên.
Trong thông điệp chính thức đầu năm Bình Nhưỡng kêu gọi đàm phán sau khi tình trạng căng thẳng tăng cao trong năm 2010.
Có suy đoán cho rằng cuộc đàm phán giữa 6 quốc gia về việc chấm dứt chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên sẽ được nối lại trong năm nay.
Đặc sứ Hoa Kỳ dự kiến hướng dẫn phái đoàn Washington tham dự cuộc đàm phán, ôâng Stephen Bosworth, sẽ gặp các giới chức Nam Triều Tiên tại thủ đô Hoa Kỳ vào ngày mai và sau đó ông sẽ đi Bắc Kinh và Tokyo.
Năm 2009 Bắc Triều Tiên loan báo họ không trở lại cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân, bắt đầu từ năm 2003, và ra lệnh cho các thanh sát viên LHQ rời khỏi nước này. Một tháng sau đó, Bình Nhưỡng đã tiến hành cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân thứ nhì.
Một cựu cố vấn đặc trách về Bắc Triều Tiên của bộ ngoại giao Hoa Kỳ, bà Balbina Hwang, nói rằng tình hình ngoại giao hiện nay dường như sẽ dẫn tới việc khởi động lại cuộc đàm phán.
Bà Hwang cho biết: “Tôi rất ngạc nhiên khi chính tôi nói thực ra, rất có thể có một cuộc họp của 6 bên tham gia đàm phán. Theo tôi, điều đó không có nghĩa là sẽ có nhiều tiến bộ đạt được tại các cuộc đàm phán hướng tới việc phi hạt nhân hóa. Và tôi nghĩ rằng, dưới hình thức nào đó, người ta sẽ coi đó là phương cách để giải tỏa tình trạng căng thẳng của mọi phía, và thành thật mà nói nhiều nước cho là tốn kém rất ít.”
Nhật báo JoongAng của Nam Triều Tiên hôm nay tiên đoán các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ đồng ý mở lại cuộc đàm phán tại cuộc họp thượng đỉnh được tổ chức ở Washington trong tháng này.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng nhanh đến mức cao nhất trong nhiều thập niên hồi năm ngoái. Bắc Triều Tiên bị qui trách nhiệm đánh chìm một tàu của Hải quân Nam Triều Tiên hồi tháng 3. Bảy tháng sau đó Bắc Triều Tiê lại pháo kích vào một hòn đảo của miền Nam làm thiệt mạng 4 người.
Hai nước Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao. Hòa bình của hai miền được duy trì theo một bản thỏa thuận ngưng bắn ký kết năm 1953 sau một cuộc chiến gây nhiều tàn phá kéo dài 3 năm.
Cả hai nước Triều Tiên đều bắt đầu năm mới 2011 bằng cách bày tỏ ước muốn đối thoại để xoa dịu tình trạng căng thẳng. Thông tín viên đài VOA, Steve Herman ghi nhận chi tiết trong bài tường trình từ thủ đô Seoul của Nam Triều Tiên.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1