Bắc Triều Tiên một lần nữa lại bị gọi là “kẻ thù” của Nam Triều Tiên, một danh xưng đã không được sử dụng từ 6 năm qua.
Thứ trưởng Quốc phòng đặc trách chính sách, ông Chang Kwang-il, giải thích lý do vì sao miền Nam lại dùng lại tên gọi ấy.
Ông Chang nói lý do là để thông báo cho dân chúng Nam Triều Tiên biết thực trạng về Bắc Triều Tiên, và như thế đánh đi một lời cảnh báo nghiêm trọng cho Bình Nhưỡng.
Mặc dù vậy, chính quyền Nam Triều Tiên đã tự chế, không gọi Bình Nhưỡng là “kẻ thù chính” của mình, một danh xưng đã được sử dụng trong những năm của thập niên 1990.
Văn kiện tái thẩm định tình hình của Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên công bố hôm nay phác họa chi tiết về các khả năng quân sự của Bắc Triều Tiên.
Theo tài liệu này thì miền Bắc đã triển khai nhiều súng pháo binh cỡ lớn và nhiều xe tăng mới, mạnh hơn gần biên giới với miền Nam. Bắc Triều Tiên cũng đã bổ sung các lực lượng tinh nhuệ mới được huấn luyện để xâm nhập miền nam và phá hoại các cơ sở quan trọng.
Văn kiện nói rằng Bắc Triều Tiên dự định dựa vào vũ khí hạt nhân, súng pháo binh tầm xa, tầu ngầm, chiến tranh không gian mạng và các lực lượng đặc biệt để chống lại với quân đội miền Nam trang bị công nghệ hiện đại.
Thứ trưởng Quốc phòng Nam Triều Tiên nói rằng kể từ sau cuộc thẩm định lần trước, vào năm 2008, Bắc Triều Tiên đã tăng thêm 20.000 quân cho lực lượng đặc biệt của họ.
Thứ trưởng Chang ước lượng rằng Bắc Triều Tiên giờ đây có tất cả 200.000 binh sĩ trong lực lượng đặc biệt, triển khai trong các đơn vị pháo binh nhẹ và đặt ở các tuyến đầu.
Phúc trình này nói lực lượng toàn diện của Bắc Triều Tiên vẫn không thay đổi, ở mức 1 triệu 190 ngàn quân.
So với con số đó, Nam Triều Tiên có một lực lượng hiện dịch gồm 650.000 quân. Khoảng 28.000 binh sĩ Mỹ cũng đang trú đóng tại Nam Triều Tiên.
Thẩm định mới nhất về sức mạnh quân sự của Bắc Triều Tiên được đưa ra trong những ngày cuối của một năm trong đó những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã leo thang tới những mức cao nhất tính từ nhiều thập niên qua.
Bắc Triều Tiên bị quy trách là đã đánh chìm một tàu hải quân Nam Triều Tiên trong Hoàng Hải hồi tháng Ba. Bình Nhưỡng không nhận trách nhiệm trong vụ này, trong đó 46 thủy thủ bị thiệt mạng.
Hồi tháng 11, Bắc Triều Tiên pháo kích một hòn đảo Nam Triều Tiên cũng trong các vùng biển này, giết chết 4 người.
Hai miền Nam và Bắc Triều Tiên đã đối đầu nhau trong một cuộc chiến tranh gây nhiều tàn phá kéo dài 3 năm, chấm dứt trong bế tắc hồi đầu thập niên 1950. Một cuộc đình chiến, chứ không phải một hòa ước, đã có hiệu lực từ đó tới nay.
Trong bạch thư quốc phòng mới nhất của Nam Triều Tiên, Bắc Triều Tiên được xác định là một “kẻ thù”. Tuy nhiên, văn kiện này không hồi sinh cụm từ “kẻ thù chính” để chỉ định miền Bắc theo chủ nghĩa cộng sản. Văn kiện này cũng đào sâu chi tiết về các khả năng quân sự của Bắc Triều Tiên.