Từ ngàn xưa, đối diện với hiểm họa sống còn, từ các loài thú dữ cho đến thiên nhiên hiểm nghèo, và cũng từ chính giữa con người, như gia đình hay bộ lạc với nhau, con người tồn tại và phát triển được cho đến ngày nay phần chính là nhờ khả năng phát hiện được sớm các hiểm nguy từng phút từng giây của mình để đối phó.
Không chỉ từng giây, và không chỉ về mối nguy thôi. Theo nghiên cứu của tiến sĩ Evian Gordon, nhà nghiên cứu nổi tiếng về khoa học thần kinh, bộ óc của chúng ta dò xét môi trường để nhận diện mối nguy và phần thưởng năm lần trong một giây. Nguyên tắc tổ chức chính của bộ não con người là giảm thiểu mối nguy và tối đa phần thưởng, và điều này xảy ra một cách tiềm thức và cực nhanh [1].
Khi con người bị chấn thương nặng, như rối loạn thần kinh/PTSD, chẳng hạn, gây nên bởi thiên tai hay nhân tai, hai vùng chính của bộ óc con người bị rối loạn chức năng, bao gồm: Amygdala và Prefrontal Cortex (PFC) [2]. Theo tiến sĩ Melanie Greenberg thì Amygdala bình thường có chức năng phát hiện mối nguy trong môi trường và kích hoạt phản ứng “chiến đấu” hay “bỏ chạy” (có khi không quyết định dứt khoát, nó cũng kích hoạt phản ứng đông cứng; tóm lại là fight, flight or freeze). Nó điều khiển cả hệ thống thần kinh giao cảm giúp cho chúng ta chống chọi với mối đe dọa. Và nó cũng giúp cho chúng ta lưu trữ các ký ức tình cảm hay liên hệ đến mối đe dọa mới. Còn PFC thì được thiết kế để điều chỉnh sự chú ý và ý thức, quyết định phản ứng nào tốt nhất thích hợp nhất cho hoàn cảnh, đề xuất hành vi ý thức tự nguyện, điều nghiên ý nghĩa và tầm quan trọng của cảm xúc đối với các sự kiện, điều chỉnh các cảm xúc, và ngăn cấm hay chỉnh đốn các phản ứng rối loạn. Tóm lại, PFC là phần lý trí, suy nghĩ của bộ óc, biết cân nhắc và lý giải trước khi quyết định chứ không làm theo quán tính.
Khi phát hiện mối nguy, amygdala đề xuất một phản ứng phòng thủ rất nhanh và rất tự động, trong khi đó trung phần của PFC nhận xét mối nguy một cách rõ ràng để tăng cường hay để trấn tỉnh phản ứng chiến đấu hay bỏ chạy.
Đối với những người từng bị chấn thương nặng như dạng PTSD, theo tiến sĩ Melanie Greenberg, các nghiên cứu cho biết amygdala của họ phản ứng quá mạnh đối với mối đe dọa có thể có (hyper-reactive/hyperactive to potential threat) trong khi đó trung phần của PFC thì bị suy yếu về khả năng điều chỉnh phản ứng đối với mối nguy, và có khó khăn trong việc giảm bớt lo âu và tức giận.
Trong sự kiện thẩm phán Brett Kavanaugh và tiến sĩ Blasey Ford, bà rõ ràng không bị PTSD, nhưng biến cố như bị tấn công tình dục, và tưởng chừng bị giết chết, như bà kể chi tiết trong bài tường trình của mình, nếu có xảy ra, thì khó thể nào quên được, dù cách đây 35 năm. Bà cho biết có bốn nhân vật có mặt ở đó: Brett Kavanaugh, Mark Judge, một nam nhi tên P.J., và một nam nhi khác bà không nhớ tên. Bà nhớ có bạn bà tên Leland cũng tham dự. Tuy nhiên theo Kavanaugh thì cả bốn người được cáo buộc là có mặt ở đó đều cho rằng chuyện đó không xảy ra [3]. Theo tờ New York Times thì chỉ có Kavanaugh là phủ nhận chuyện đó không xảy ra, còn ba người Mark Judge, Leland Keyser và Patrick J. Smith, qua các lời công khai của họ, chỉ nói rằng họ không có nhớ về chuyện này.
Không nhớ không có nghĩa là không xảy ra.
Theo tiến sĩ Ira Hyman, có vài điều cần biết về ký ức (memory) của con người [4]. Thứ nhất, các ký ức đau buồn không thể xóa nhòa được. Chấn thương có những hậu quả quan trọng đối với ký ức. Khi bị kích động cảm xúc mạnh mẽ, người ta trở nên tập trung hạn hẹp, giúp cho họ nhớ những nét chính của sự kiện, ngược lại họ không chú ý bao nhiêu đến các chi tiết ngoài biên. Cho nên theo Hyman thì bà Blasey Ford có thể không nhớ về các khía cạnh khác của sự kiện, như là buổi tiệc diễn ra ở đâu, thời gian và những người tham dự là ai, nhất là khi nó đã mấy chục năm về trước, nhưng bà vẫn sẽ nhớ sự kiện này và thủ phạm là ai. Thứ hai, sự nhận diện sai và ký ức sai khó xảy ra trong trường hợp này. Nghiên cứu cho biết các vụ nhận diện sai thường liên quan đến người lạ, trong khi ký ức sai đòi hỏi sự trình bày các thông tin hoặc đề nghị có tính cách lường gạt, gây hiểu lầm. Tuy nhiên, bà Blasey Ford cho hay bà biết Kavanaugh và Judge trước buổi tiệc đó, nên bà có thể nhận diện họ dễ dàng ở buổi tiệc, sau tiệc, và trong suốt biến cố đó. Thứ ba, bà Blasey Ford có thể có mâu thuẫn trong ký ức, bởi không có ký ức nào hoàn hảo cả, và bộ nhớ của con người không phải là máy quay phim. Thứ tư, chúng ta không thể mong đợi những người khác tại buổi tiệc này nhớ về sự kiện này. Đối với họ, nếu không có biến cố đáng kể nào để họ nhớ về buổi tiệc thì sau năm tháng, nhất là sau 35 năm, nó sẽ đi vào quên lãng, không có gì đáng nhớ cả.
Kavanaugh phủ nhận hành động này. Hyman biện luận rằng có thể nó không xảy ra, có thể ông Kavanaugh thành thật, và cũng có thể ông không còn nhớ sự kiện này trong lúc đã uống quá say, tuy không phải là lý do để biện minh.
Tiến sĩ Jim Hopper, một chuyên gia về chấn thương tâm lý, kể cả các vụ tấn công tình dục và ký ức đau thương, phân tích chi tiết cách bộ óc con người ghi nhớ các sự kiện như thế nào. Hopper đã dành 25 năm nghiên cứu về lĩnh vực này [5]. Ông đã từng huấn luyện các sĩ quan cảnh sát quân sự và dân sự, các công tố viên và các chuyên gia khác, bao gồm cả các cấp chỉ huy tại Fort Leavenworth và Lầu Năm Góc, và dạy cho các bác sĩ tâm thần đang thực tập tại Trường Y Harvard. Theo Hopper thì những người lính và cảnh sát biết rằng các ký ức đau thương thường có nhiều gián đoạn lớn. Họ cũng biết thật là khó khăn hoặc bất khả để hồi tưởng thứ tự của sự việc xảy ra. Đây là sự thật, chứ không phải lý thuyết hay giả thuyết, đối với những người bảo vệ quốc gia này và hàng triệu nạn nhân sống sót sau các vụ xâm phạm tình dục.
Hopper cho biết các nhà nghiên cứu chia tiến trình ghi nhớ của bộ óc thành ba đoạn: mã hóa, lưu trữ và thu hồi.
Mã hóa đề cập đến việc đăng ký tạm thời các cảm giác và suy nghĩ vào bộ nhớ ngắn hạn, có thể duy trì thông tin trong vòng 30 giây. Đối với mọi biến cố mà chúng ta từng trãi, trong từng khoảnh khắc, những gì bộ óc của chúng ta mã hóa là một chức vụ của những gì chúng ta quan tâm để ý đến, cũng như những gì có tầm quan trọng cảm xúc đối với chúng ta. Đây gọi là những chi tiết trọng yếu (central details). Còn những chi tiết khác, không quan trọng đối với chúng ta vào lúc đó, gọi là chi tiết ngoài biên (peripheral details). Khi một sự kiện xảy ra đối với một người, bộ não của họ tập trung vào sự sống còn, những chi tiết quan trọng đối với bộ óc của người đó vào lúc đó, không phải các khía cạnh mà người điều tra sự việc tin rằng họ lẽ ra phải nhớ. Khi một người không nhớ các chi tiết ngoài biên, điều đó không nói lên điều gì cả về sự khả tín của họ.
Lưu trữ là bước tiếp theo. Lưu trữ các chi tiết trọng yếu là mạnh mẽ hơn các chi tiết ngoài biên. Các chi tiết ngoài biên sẽ tan mau nếu không được nhớ lại hay mã hóa lại, phần lớn trong vòng một ngày. Điều mà ai cũng biết là những gì chúng ta tập trung để ý đến và mang tầm quan trọng đối với chúng ta thì chúng ta dễ nhớ hơn qua thời gian. Ngay cả khi chúng ta ngủ, bộ óc của chúng ta vẫn tiếp tục làm công việc sàn lọc các chi tiết được lưu trữ và ưu tiên việc tiếp tục lưu trữ một số chi tiết trọng yếu này, không phải tất cả. Vì thế nên tất cả các ký ức thường rời rạc và không toàn bộ. Vì thế nên tất cả ký ức đều thiếu chi tiết mà đã được mã hóa lúc ban đầu, ngay cả các chi tiết mà đã được lưu trữ một thời gian sau đó.
Hopper nhấn mạnh một điều khác cũng cần nên biết mà ảnh hưởng đến sức mạnh lưu trữ: Tầm quan trọng cảm xúc của chi tiết đó mang tính tích cực hay tiêu cực. Tiến hóa đã chọn duy trì bộ óc thiên vị khi mã hóa những gì tiêu cực hơn để giúp chúng ta tồn tại trong một thế giới có nhiều kẻ thù và các nguy hiểm nghiêm trọng khác. Nói cách khác, những gì bi quan tiêu cực dễ được ghi nhớ hơn lạc quan tích cực. Quan trọng hơn hết, những gì còn lưu trữ trong bộ óc của chúng ta là tùy thuộc vào phản ứng của chúng ta: khiếp sợ, lo lắng hay kích hoạt cảm xúc vào lúc đó. Các nghiên cứu hàng thập niên qua cho biết lo lắng và tổn thương làm gia tăng sự lưu trữ đặc biệt của các chi tiết trọng yếu đối với ngoài biên. Do đó có những chi tiết, như nhìn thấy khuôn mặt của kẻ thù khi viên đạn bay xuyên vào lồng ngực của họ, sẽ không bao giờ phai nhòa trong trí nhớ của mình.
Ký ức, dù trọng yếu, cũng phai dần nếu không được thu hồi hay tái mã hóa. Những ký ức có vẻ đầy chi tiết trước đây qua thời gian trở nên trừu tượng hơn. Có thể chúng ta nhớ điểm chính của câu chuyện và một vài chi tiết trọng yếu. Việc thu hồi ký ức, như khi chúng ta nhớ hay kể lại câu chuyện, thì bộ óc của chúng ta tìm cách sắp xếp các mảnh rời lại với nhau một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, theo Hopper thì các ký ức của những trải nghiệm đầy căng thẳng và đau thương, nhất là các chi tiết trọng yếu, không phai theo thời gian. Có người kể lại các chấn thương đau đớn nhất trong đời họ, nghe tưởng chừng như các câu chuyện trừu tượng hời hợt, trong đó nhiều chi tiết có vẻ bị thất thoát. Lý do: Thường là vì họ không muốn nhớ nó, và chưa cảm thấy an toàn để nhớ nó. Có người bị dầy vò đau đớn cố gắng tránh nó, có lúc thành công có lúc không, trong nhiều năm hay nhiều thập kỷ.
Theo hai nhà nghiên cứu về lĩnh vực này, tiến sĩ Hyman và Hopper, nói trên, thì ký ức là lĩnh vực vô cùng phức tạp, nhưng trong câu chuyện này, bà Blasey Ford có vẻ khả tín.
Tuy thế, chúng ta cần phải chờ xem cuộc điều tra của FBI sẽ kết luận ra sao trong vài ngày tới. Các chuyên viên FBI có tay nghề và kinh nghiệm cao được huấn luyện và trang bị cho các tình huống khó khăn. Như cựu giám đốc FBI James Comey chia sẻ, mặc dầu chỉ có một tuần để điều tra và mặc dầu họ sẽ không tự kết luận, mà chỉ tóm tắc trình bày của mọi nhân chứng trong một bản báo cáo có tên/số 302, và tổng hợp tất cả các phỏng vấn này trong một tóm tắt điều hành (executive summary) cho Nhà Trắng, các chuyên viên FBI sẵn sàng đối với trách nhiệm này và sẽ tìm sự thật, nói thật với quyền lực [6].
Sau cùng, hiểu về chấn thương và ký ức trong chuyện này sẽ giúp cho chúng ta, dù là một công dân bình thường, hay là một chuyên viên điều tra vụ án thuộc FBI, hay là một thượng nghị sĩ nằm hay không nằm trong Ủy ban Tư pháp Thượng viện, nắm bắt cách ghi nhớ sự kiện của bộ óc con người và cách mỗi người đối phó ra sao khi đối diện với hiểm nguy. Nó cũng giúp cho chúng ta hiểu biết và cảm thông hơn đối với các nạn nhân của mọi vụ bạo hành, hay những người còn sống sốt sau các biến cố đau thương. Những người đã bị chấn thương nặng hay bị các cú sốc nặng thì bộ óc của họ đã không còn như trước, đã bị tổn thương và hư hại ít nhiều. Điều này cũng giúp cho chúng ta cảm thông và thương kính đối với những người lính Việt Nam Cộng Hòa, có người đã chiến đấu trên 20 năm rồi sau đó cũng có người đã bị tù đầy có khi 10 đến 15 năm, bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần không bút mực nào tả xiết. Những kiến thức này cũng giúp cho chính người Việt Nam hiểu rõ hơn những nguy hại và cản trở lớn lao trong việc phát triển quốc gia nếu đất nước tiếp tục bị cai trị bởi các chế độ chuyên sử dụng bạo lực, dối trá và ảo tưởng.
(Úc Châu, 02/10/2018)
Tài liệu tham khảo:
1. Kristen Hansen, “Traction”, Published by Kristen Hansen, October 2017. Có thể tìm hiểu thêm từ cuốn sách của Evian Gordon, “Integrative Neuroscience”, Harwood Academic Publishers, 2000.
2. Melanie Greenberg, “How PTSD and Trauma Affect Your Brain Functioning”, Psychology Today, 29 September 2018. Nạn nhân, hay chỉ là chứng nhân, của các thiên tai như động đất, cháy rừng, lũ lụt, bão tố, vân vân, hay nhân tai như chiến tranh, khủng bố, hiếp dâm, xâm phạm tình dục, bạo hành, tai nạn xe cộ, vân vân, sẽ trãi nghiệm các chấn thương này. Tùy theo từng loại chấn thương khác nhau, hậu quả có thể ở tầng cảm xúc, hành vi hay nhận thức, tức khả năng để suy nghĩ và quyết định, hoặc để lại hậu chứng thần lý (neurologic sequelae). Xin đọc thêm Ana Nogales, “Trauma”, Psychology Today, 19 February 2014.
3. Karen Yourish and Troy Griggs, “Brett Kavanaugh Testimony: Three Inconsistencies the F.B.I. Investigation Could Address”, the New York Times, 28 September 2018.
4. Ira Hyman, “A Supreme Court Nominee, A Sexual Assault, and Memory”, Psychology Today, 24 September 2018.
5. Jim Hopper, “Traumatic Memories: Tools to Evaluate the Senate Testimony”, Psychology Today, 28 September 2018.
6. James Comey, “The F.B.I. Can Do This”, the New York Times, 30 September 2018.