Đường dẫn truy cập

Buổi ra mắt sách của nhà văn Lê Thị Nhị và nhà thơ Phan Thị Ngôn Ngữ


Nhà thơ Phan Thị Ngôn Ngữ (trái) tại buổi ra mắt sách, 10/07/2011
Nhà thơ Phan Thị Ngôn Ngữ (trái) tại buổi ra mắt sách, 10/07/2011

Chiều ngày Chủ Nhật 10 tháng 7 năm 2011 vừa qua, Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật vùng Hoa Thạnh Đốn đã tổ chức buổi ra mắt tác phẩm của hai tác giả Lê Thị Nhị và Phan Thị Ngôn Ngữ tại Jewish Community Center, Fairfax, Virginia. Hà Vũ đã đến dự và ghi lại một số điểm chính trong chuyên mục Sinh hoạt Cộng đồng tuần này.

Vào đầu thập niên 1990, các thành viên trong Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật vùng Hoa Thạnh Đốn và các sinh viên trẻ đầy nhiệt huyết thường tổ chức những buổi sinh hoạt có tính cách bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam. Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thưởng người giới thiệu nhà văn Lê Thị Nhị thì bà là một trong những người lớn tuổi hiếm hoi có mặt thường xuyên trong những buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ và luôn luôn khuyến khích, thúc đẩy giới trẻ tham gia các hoạt động văn hóa. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thưởng nói:

“Xuân Thưởng không muốn chỉ giới thiệu tác giả như một nhà văn mà xin được giới thiệu tác giả như một người thiết tha với văn hóa nước nhà. Hai mươi năm trước, Xuân Thưởng được biết đến một cô Nhị, trong vóc dáng nhỏ bé là một ý chí kiên cường, thiết tha với văn hóa và tiền đồ của đất nước, của cộng đồng. Hai mươi năm sau cũng với một vóc dáng nhỏ bé, cũng với ý chí kiên cường, cũng với tấm lòng thiết tha vì dân tộc, chỉ có thêm là cô đã cho ra đời những tác phẩm văn chương đẹp. Đó là sự tiếp nối đương nhiên từ những việc làm của cô với hội văn hóa Việt Nam vùng Hoa Thạnh Đốn, với Nhà Việt Nam, với Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật vùng Hoa Thạnh Đốn.”

Luật sư Ngô Tằng Giao giới thiệu tác phẩm “Đôi mắt Hoàng hôn” của nhà văn Lê Thị Nhị do nhà Kỷ Nguyên Mới xuất bản năm 2009, sau khi đề cập đến những chuyện nhỏ chuyện to đăng trong phần phụ lục cuối cuốn sách cũng như về nội dung của 11 truyện ngắn trong “Đôi Mắt Hoàng Hôn” đưa ra nhận xét:

“Nhiều tài liệu khảo cứu về truyện ngắn nói truyện ngắn là sản phẩm của tưởng tượng nhưng những truyện ngắn trong ‘Đôi mắt hoàng hôn’ đều không phải là sản phẩm của tưởng tượng mà là những con người thực trong xã hội thực, tác giả chỉ đặt bút ghi thành những tác phẩm để phổ biến. Những tác phẩm này nếu đọc qua sẽ thấy chẳng có chi lạ cả nhưng suy nghĩ chúng ta sẽ cảm thấy rằng tác giả đã muốn gửi một thông điệp về tình yêu quê hương đất nước, về lòng kính trọng những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, đề cao tình cha mẹ với con cái.”

Luật sư Ngô Tằng Giao kết luận về tác phẩm "Đôi mắt hoàng hôn":

“Nhà văn Lâm Ngữ Đường đã từng viết, sách hay là sách dắt ta vào cảnh giới trầm tư chứ không phải chỉ là sự thực mà thôi. Những sách của nữ văn sĩ Lê Thị Nhị đã đắt chúng ta vào sự thực trong cảnh đời bình thường nhưng cũng làm cho chúng ta suy tư cho nên chúng tôi nghĩ rằng tác phẩm mới nhất của nữ văn sĩ Lê Thị Nhị là ‘Đôi mắt hoàng hôn’ đáng để chúng ta suy tư, suy ngẫm và chúng ta sẽ cảm nhận được trọn vẹn thông điệp mà tác giả muốn gởi đến chúng ta.”

Tập truyện ‘Đôi mắt hoàng hôn’ tuy được in ra vào năm 2009 nhưng mãi đến nay mới được ra mắt độc giả Washington D.C và vùng phụ cận. Nhà văn Lê Thị Nhị cho biết lý do về sự muộn màng này.

“Tôi đã hăng hái ra mắt sách được ba tập nhưng đến tập thứ tư tức là ‘Đôi mắt hoàng hôn’ sau khi in được hai năm rồi tôi không nghĩ đến chuyện ra mắt tại vì cứ mỗi lần định ra mắt tôi lại nhớ đến lời anh Vương Đức Lệ của tôi. Ngày xưa mỗi lần chúng tôi định ra mắt sách cho anh thì anh bảo là ‘tôi chán cái cảnh mua ban bán lại lắm, không muốn ra mắt sách đâu. Thích làm thơ thì làm thơ, có tiền thì in để kỷ niệm, để tặng bạn bè cho vui.’ Tôi cứ nghĩ như vậy nên tôi đâm ra ngài ngại. Nhưng có một ngày tự nhiên tôi đến nhà chị Phan Thị Ngôn Ngữ chơi, chị xòe ra ba cuốn thơ chị bảo ‘Chị ơi em sanh chúng nó ra mà chưa có khai sinh’. Tôi nghĩ ngay trong lòng, tôi bảo là tại sao mình không khai sanh cho chúng nó, tội nghiệp cho chúng nó vậy. Thế là tôi rủ chị Phan Thị Ngôn Ngữ ra mắt sách chung.”

Nhà văn Lê Thị Nhị tại buổi ra mắt sách, 10/07/2011
Nhà văn Lê Thị Nhị tại buổi ra mắt sách, 10/07/2011

Nhà văn Trần Văn Thế trong phần giới thiệu ba tập thơ của nhà thơ Phan Thị Ngôn Ngữ ‘Tạ Tình Khúc’, ‘Lục bát dùng dằng’ và ‘Lỗi một vần gieo’ đã nói lên tính bình dị, dễ hiểu nhưng vẫn trang trọng, ý thơ xúc tích của tác giả qua đủ các thể loại thơ. Phan Thị Ngôn Ngữ đã viết rất nhiều thơ về tình người, về Mẹ, về Cha, về quê hương về chiến tranh mà cha anh mình là những người trực tiếp tham dự.

“Về chiến tranh cô ấy đưa ra một vài bài thơ về người cha sau ngày mất nước với những câu ‘Nhớ bữa cha về thay áo trận, đôi hàng nước mắt chớm rưng rưng, tay run lần cởi rời bao súng, cay đắng làm sao chẳng đặng đừng’. Nhưng sau 30 tháng 4, sau 30 năm sau chị lại nhìn người cha một cách đau buồn hơn nữa. Người cha sau hơn 30 năm mất nước qua đây nỗi buồn đó cũng không phôi pha qua được mà đó là những vết sẹo đã hằn sâu trong cuộc đời của những người lính đã chiến đấu. Chị viết ‘Cha ngồi thắp nỗi buồn quanh, ba mươi năm tưởng đã lành vết khâu, nào hay sương điểm mái đầu, vẫn hoài dấu sẹo hằn sâu tháng ngày.”

Nhà văn Trần Văn Thế cho rằng về thân phận con người, có lẽ đã trải qua những đau khổ của cuộc đời, đất nước nên cuối tập thơ ‘Lỗi một vần gieo’ nhà thơ Phan Thị Ngôn Ngữ viết bài ‘Di chúc’ cho chính mình cũng như thay cho chúng ta.

“Khi mình qua đời, không cần những gì hết nhất là trong cuộc sống lưu vong không còn gì để làm những cầu kỳ ví dụ như những câu thơ ‘Nếu mai này tôi sẽ phải ra đi, chân chẳng vội dầu đường còn quá ngắn, nếu mai này tôi sẽ phải ra đi, đừng thương tiếc, đừng viết lời cáo phó’. Tôi thấy chị có những điểm rất đặc biệt nhìn ra được những cái người khác không nhìn thấy. Thí dụ như chị trăn trở về cuộc đời của chị cũng như của chúng ta như những câu ‘Sáng hôm nay hồn ta như gỗ mục, nhìn quanh đời ẩm mốc những đợi trông, nhìn lại ta héo úa những môi hồng…”

Nhà thơ Phan Thị Ngôn Ngữ nói về những đề tài trong thơ của chị:

“Thường tôi buồn về cái gì thì viết về cái đó. Chúng ta ở đây xa nhà, cũng lớn tuổi, đời sống đôi lúc không thích nghi nhiều nên cũng hay buồn nên tôi hay viết về quê hương, về cha, về mẹ, về bạn bè, về anh em, về tất cả những người còn lại ở Việt Nam.”

Chị Phan Thị Ngôn Ngữ cho biết chị thường viết theo thể lục bát vì chị thích ca dao Việt Nam. Tuy nhiên chị cũng viết nhiều thể loại khác nữa. Chị giải thích:

“Nói chung tại vì tôi thích ca dao nên tôi hay thích viết về lục bát. Thường thường khi tôi đang viết bài về lục bát rồi tôi bận, tôi để đó. Khi mình cảm thấy thay đổi thể loại thì tôi lại viết bốn chữ, năm chữ tùy cảm hứng.”

Buổi ra mắt sách và thơ của nhà văn Lê Thị Nhị và nhà thơ Phan Thị Ngôn Ngữ được phụ họa bằng một chương trình thi nhạc do các ca nhạc sĩ Washington D.C và vùng phụ cận phụ trách.

VOA Express

XS
SM
MD
LG