Chuyên gia nghiên cứu động đất Kenji Satake thuộc trường đại học Tokyo khảo sát khu vực bị động đất hồi năm ngoái sau khi các đáp ứng khẩn cấp ban đầu đã lắng dịu.
Một năm sau, phát biểu tại hội nghị khoa học ở Vancouver, British Columbia, ông nhớ lại cảnh xe cộ nối đuôi xếp hàng để chờ được đổ xăng:
“Chúng tôi phải đợi ít nhất là nửa tiếng, có khi hơn một tiếng đồng hồ để được đổ xăng. Xe cộ xếp hàng dài ở trạm xăng.”
Sau trận động đất, 2 nhà máy lọc dầu bị hỏa hoạn và bốc cháy suốt nhiều ngày. Tại những nơi khác, tình trạng thiếu nhiên liệu gây cản trở công tác của các toán cứu hộ khẩn cấp.
Những ảnh hưởng phụ này còn ghi rõ trong tâm khảm của bà Althea Rizzo, điều phối viên chuyên trách các vấn đề nguy cơ thuộc Văn phòng Quản lý tình huống Khẩn cấp, nơi đang lên các kế hoạch ứng phó với các trận động đất lớn và thảm họa sóng thần dữ dội như ở Nhật hồi năm rồi.
Bà Rizzo dự đoán vùng Tây Bắc Thái Bình Dương sẽ rơi vào tình trạng tương tự hoặc thậm chí là tệ hại hơn sau các trận thiên tai lớn ở Nhật. Bà nói:
“Chặng đường từ nhà máy lọc dầu cho tới bình xăng có đủ mọi các yếu tố có thể gặp trở ngại. Bình xăng trên xe ô tô của chúng ta hiện nay cũng có thể là lượng xăng chúng ta có được trong hai hoặc ba tháng tới.”
Đó là trong trường hợp tồi tệ nhất. Bà Rizzo nói khả năng phục hồi của các đường chuyền tải năng lượng giữ vai trò then chốt giúp phục hồi từ một trận động đất.
Tại Mỹ, đa số các cơ sở hạ tầng như thế là do tư nhân làm chủ. Ví dụ như công ty dầu khí BP làm chủ các nhà máy lọc dầu, đồng thời cũng vận hành hệ thống phân phối dài 650 cây số gọi là đường ống dẫn dầu Olympic, cung cấp phần lớn xăng và nhiên liệu cho các tiểu bang Washington và Oregon ở miền tây.
Giám đốc ngoại vụ của công ty BP ở vùng Tây Bắc là ông Bill Kidd. Ông cho biết ông tin là các nhà máy lọc dầu của khu vực sẽ chống đỡ được trước một trận động đất lớn, trong khi các chuyên gia khác thì tỏ ra hoài nghi.
Ông Kidd nói sự phục hồi nhanh chóng các nguồn cung ứng nhiên liệu sau động đất phụ thuộc vào các dịch vụ và cấu trúc đang được tu sửa như các cây cầu bị sập, đường sá bị tàn phá, và đặc biệt là tình trạng mất điện. Các đường ống dẫn dầu và các nhà phân phối lẻ nhiên liệu đều cần có điện để vận hành. Ông nói:
“Tôi quan tâm nhiều hơn tới hệ thống điện cao thế xuyên suốt vùng Tây Bắc, và kế đó, dĩ nhiên là hệ thống điện thế thấp chuyền xuống tới chúng ta giúp vận hành các trạm bơm xăng. Một câu hỏi lớn đặt ra là liệu chúng ta có điện để vận hành các sinh hoạt còn lại hay không, đó là vấn đề lớn nhất.”
Bang Washington có một điều phối viên khẩn cấp đặc biệt phụ trách về khả năng phục hồi của lĩnh vực năng lượng. Đó là ông Mark Anderson. Ông lưu ý rằng dựa vào những thảm họa đã xảy ra, cần nhớ một điều khi nói về tình trạng thiếu nhiên liệu khó tránh khỏi là trong một giai đoạn, mọi người không cần nhiều nhiên liệu tới mức như vậy. Ông Anderson nói:
“Ví dụ như bão tuyết làm cắt đường cung ứng nhiên liệu thì cũng làm cắt lưu thông, người ta không thể lái xe ra đường.”
Tại bang Oregon, các cơ quan chính phủ đang thúc giục những công ty cung ứng năng lượng đánh giá mức độ có thể bị tổn hại trước một trận động đất 9 độ Richter và dùng dữ liệu đó để xúc tiến các hoạt động nâng cấp thiết bị và cấu trúc.
Đi sâu hơn xuống duyên hải Thái Bình Dương, ở bang California, tầm vóc về hạt nhân của thảm họa Nhật Bản gây nhiều lo ngại.
Những người vận động chống hạt nhân so sánh những điểm tương đồng giữa nhà máy điện hạt nhân Fukushima thiếu may mắn với các nhà máy điện hạt nhân ở duyên hải bang California, Hoa Kỳ.
Họ viện dẫn số năm hoạt động tương tự của các lò phản ứng và vị trí đối mặt với đại dương trên các đường phay địa chấn đang hoạt động. Nhân viên vận hành nhà máy khẳng định rằng cơ sở của họ an toàn và rằng bang California cần năng lượng. Họ cho biết sẽ chứng minh quan điểm của họ trong các buổi điều trần sắp tới để xin gia hạn giấy phép hoạt động.
Thế nhưng, với những ký ức vẫn còn nguyên về tình trạng tan chảy một phần ở nhà máy Fukushima 1 năm sau khi xảy ra thảm họa, những người phản đối hạt nhân đang chuyền tay các thỉnh nguyện thư mà họ hy vọng sẽ đưa vấn đề về tương lai của điện hạt nhân bang California ra một cuộc biểu quyết toàn bang trong năm nay.
Chủ nhật ngày 11/3 đánh dấu kỷ niệm 1 năm ngày xảy ra trận động đất 9 độ Richter và sóng thần ập vào Đông Bắc Nhật Bản. Sức tàn phá lan rộng của sóng thần và tình trạng tan chảy một phần tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hại bởi sóng thần được chú ý nhiều nhất.Thế nhưng thảm họa kép cũng tàn phá hệ thống vận tải và năng lượng của khu vực, đồng thời gây thêm khó khăn cho cư dân và lực lượng cứu hộ khẩn cấp. Một số nơi, trong nhiều tuần lễ không có nhiên liệu để vận hành máy phát điện, xe ô tô, và xe tải. Duyên hải Thái Bình Dương của Hoa Kỳ và Canada có nguy cơ hứng chịu động đất như kiểu thảm họa làm rúng động Nhật Bản. Các chuyên gia năng lượng ở đây đang rút tỉa các bài học kinh nghiệm từ tình cảnh của Nhật.