Một cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc cáo buộc quân đội Myanmar đã có nhiều hành động đàn áp dã man người Hồi giáo Rohingya hồi năm ngoái “với mục đích diệt chủng” và kêu gọi truy tố đối với các tướng lĩnh đứng đầu.
Một báo cáo của cơ quan quốc tế này hôm 27/8 cho biết Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing và năm tướng lĩnh khác phải bị truy tố tội diệt chủng, các tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh.
Những người vi phạm nghiêm trọng nhân quyền được kể ra trong báo cáo của chúng tôi, bao gồm cả các hành động bạo lực tình dục, là thuộc quân đội MyanmarRahhika Coomasaswamy, Phái đoàn điều tra quốc tế độc lập về Myanmar
“Những người vi phạm nghiêm trọng nhân quyền được kể ra trong báo cáo của chúng tôi, bao gồm cả các hành động bạo lực tình dục, là thuộc quân đội Myanmar,” Rahhika Coomasaswamy, một thành viên của Phái đoàn Điều tra Quốc tế Độc lập về Myanmar, nói. “Bộ tư lệnh quân đội Myanmar đã kiểm soát, điều động và chỉ huy hiệu quả binh lính cũng như các lực lượng vũ trang trong các chiến dịch quân sự. Trong báo cáo, chúng tôi liệt kê danh sách tên của các chỉ huy cấp cao nhất. Bằng việc làm đó, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm của họ.”
Các nhà điều tra của LHQ cũng lên án bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo trên thực tế của Myanmar.
"Chúng tôi vô cùng thất vọng khi Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi đã không sử dụng vị thế hay uy quyền đạo đức của bà để ngăn cản hoặc lên án những sự việc đang diễn ra ở Bang Rakhine," bà Coomasaswamy nói. "Bằng việc đưa ra báo cáo này chúng tôi hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ hành động không chỉ để mang lại công lý cho các nạn nhân mà còn giúp ngăn chặn những tội ác diệt chủng trong tương lai.”
Phái bộ điều tra gồm ba thành viên được Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc chỉ định thành lập.
“Phái bộ này đã đi đến kết luận rằng cuộc điều tra hình sự và việc truy tố được đảm bảo tập trung vào các tướng lĩnh của Bộ tham mưu quân đội Myanamar có liên quan tới ba tội tình sự theo luật quốc tế, gồm tội diệt chủng, các tội ác chống nhân loại, và các tội ác chiến tranh,” theo Christopher Sidoti, một thành viên Phái bộ Điều tra Quốc tế Độc lập về Myanmar.
Những nhà điều tra này thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đưa vấn đề này lên Tòa án Hình sự Quốc tế hoặc thành lập một tòa án đặc biệt để điều tra vụ việc.