Đường dẫn truy cập

LHQ kêu gọi phi tội phạm hóa nghề mại dâm ở châu Á


Một đường phố có nhiều hoạt động mại dâm, trong tỉnh Chonburi cách thủ đô Bangkok của Thái Lan khoảng 70 km về hướng nam
Một đường phố có nhiều hoạt động mại dâm, trong tỉnh Chonburi cách thủ đô Bangkok của Thái Lan khoảng 70 km về hướng nam
Liên Hiệp Quốc vừa công bố kết quả của một cuộc khảo cứu về việc coi mại dâm là tội phạm gây ảnh hưởng ra sao đến đời sống của các nhân viên trong ngành này ở khắp châu Á và đã làm cho dịch bệnh HIV trầm trọng thêm ra sao.

Liên Hiệp Quốc đã thực hiện cuộc thăm dò ý kiến các nhân viên làm việc trong kỹ nghệ mại dâm tại 48 nước khắp châu Á để xác nhận xem các luật lệ về mại dâm ảnh hưỏng ra sao đến sự an toàn và sức khỏe của những người hành nghề này và gia đình họ.

Bà Noi Chantawipa Apisuk điều hành một quỹ dành cho những người hành nghề mại dâm ở Thái Lan có tên là EMPOWER. Bà nói nhân viên trong ngành này ở Thái Lan có thể kiếm đủ tiền nuôi gia đình, nhưng họ không được bảo vệ về mặt pháp lý giống như công nhân trong các kỹ nghệ khác. Bà đã vận động chính phủ Thái để thay đổi tình trạng này:

“Mại dâm cũng là một công việc, làm nghề giải trí cũng là một công việc. Nhân viên trong ngành giải trí thì được bảo vệ theo luật lao động, giống như nhân viên trong lãnh vực sản xuất hay nông nghiệp. Do đó nếu chúng ta thừa nhận như thế, nếu họ có các vấn đề thì nhân viên cũng như người tuyển dụng có thể giải quyết tại toà án lao động thay phải đi qua cảnh sát.”

Các nhà nghiên cứu nói ở những nơi mà nghề mại dâm bị cấm, những người hành nghề đặc biệt dễ bị xúc phạm vì công việc của họ gây thành kiến và bị coi là bất hợp pháp.

Họ lập luận rằng nếu bãi bỏ các hình phạt theo pháp lý cho mại dâm thì giới này sẽ tiếp cận tốt hơn với những cuộc kiểm tra sức khỏe và các chương trình chữa bệnh.

Quyền giám đốc đặc trách vấn đề Thực thi Phát triển và Y tế HIV của Liên Hiệp Quốc, bác sĩ Mandeep Dhaliwal, nói có bằng chứng một số chính phủ đang đạt được tiến bộ hướng tới việc thay đổi các luật lệ gây trở ngại cho việc phòng chống HIV một cách hữu hiệu.

Bà ca ngợi Việt Nam và Trung Quốc đã ngăn chặn các chương trình bắt giữ những người hành nghề mại dâm và con cái của họ.

Tại Kampuchea và Miến Ðiện, các chính phủ đã yêu cầu cảnh sát ngưng sách nhiễu gái mại dâm. Nhưng bà nói vẫn còn nhiều chính sách trái ngược nhau gây ra những rủi ro về y tế công cộng.

“Một mặt, ta chi ra hàng triệu đôla để cung cấp bao cao su để phòng ngừa lây truyền HIV, mặt khác ta lại có cảnh sát đi tịch thu bao cao su hay dùng bao cao su làm bằng chứng để bắt giữ hay hạch sách những người hành nghề mại dâm. Ðây là một mâu thuẫn vô lý gây tổn hại cho sinh mạng con người.”

Luật sư về nhân quyền và tác giả bản phúc trình John Goodwin nói các nước ủng hộ một đường lối bớt mang tính trừng phạt hơn cũng giảm thiểu được những vụ vi phạm nhân quyền và những rủi ro cho sức khỏe.

Ông nói các nỗ lực của dân chúng hợp tác với cảnh sát và chính quyền địa phương đang đạt được tiến bộ trong việc tạo ra một môi trường lành mạnh cho những người hành nghề mại dâm:

“Các chương trình dưới sự lãnh đạo của cộng đồng, hiện đang tự tổ chức để mở cuộc đối thoại với cảnh sát và chính quyền địa phương để cải thiện điều kiện làm việc. Họ đang được sự hậu thuẫn trên thực tế của chính quyền để làm việc trong các điều kiện lành mạnh hơn, làm việc mà không bị cảnh sát xách nhiễu. Ta đang nhìn thấy các thành quả, như tôi đã nói, ở Calcutta.”

Ngoài Ấn Ðộ, bản phúc trình cũng nêu riêng các trường hợp Papua New Guinea, Mông Cổ, Thái Lan, Fiji, Lào và Philippin đã đạt được tiến bộ về các luật lệ cải thiện nỗ lực điều trị và ngăn chặn HIV.

Trong khi giới khảo cứu nói rằng phi tội phạm hóa công việc mãi dâm ở những nước đó sẽ cải thiện thêm tình hình cho giới mại dâm, thì tình hình lại khác hẳn ở Indonesia. Ở đó, mặc dâu mại dâm không phải là bất hợp pháp, Liên Hiệp Quốc nói rằng những người hành nghề này thường xuyên bị các cơ quan thi hành công lực xách nhiễu và bị công chúng và chính phủ kỳ thị.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG