Ủy ban nghiên cứu khí hậu biến đổi của Liên hiệp quốc nói rằng thế giới sẽ phải cắt khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống bằng “không” (zero) trước năm 2100 nhằm hạn chế những rủi ro nguy hiểm nhất liên quan đến tình trạng khí hậu biến đổi.
Trong một phúc trình tổng hợp đưa ra hôm Chủ nhật ở Copenhagen, Ủy ban liên chính phủ nghiên cứu khí hậu biến đổi, IPCC, tổng hợp các dữ kiện của trên 800 nhà khoa học thu thập được trong hơn 13 tháng qua trong bảng đánh giá mà họ mô tả là toàn diện nhất từ trước đến nay về vấn đề khí hậu biến đổi.
Phúc trình cảnh báo rằng trừ phi việc sử dụng không hạn chế nhiên liệu hóa thạch hiện nay được loại bỏ dần trước năm 2100 để giảm khí thải, có lẽ sẽ không thể đáp ứng mục tiêu giới hạn nhiệt độ trung bình bề mặt trái đất tăng lên 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiệt độ đã tăng 0,85 độ C.
Phúc trình cảnh báo rằng nếu vấn đề không được giải quyết, khí hậu biến đổi sẽ gia tăng có phần chắc các tác động không thể đảo ngược, lan tràn, nghiêm trọng cho con người và các hệ sinh thái.
Ông Thomas Stocker, đồng chủ tịch Nhóm Công tác IPCC nói, “Bảng đánh giá của chúng tôi ghi nhận bầu khí quyển, và các đại dương đã ấm lên, lượng tuyết và băng giảm bớt, mực nước biển dâng lên và nồng độ carbon dioxide đã tăng đến mức chưa từng có trong ít nhất 800.000 năm qua.
Theo phúc trình thì hoạt động của con người càng làm xáo trộn khí hậu, những rủi ro càng lớn. Phúc trình nói rằng nhiều cộng đồng dễ bị ảnh hưởng nhất đối với hệ quả của khí hậu biến đổi đã góp phần không nhiều đối với khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Phúc trình nói rằng giải quyết vấn đề khí hậu biến đổi chỉ có thể thành tựu qua hợp tác quốc tế.