Liên Hiệp Quốc hôm nay tiến hành một cuộc biểu quyết về việc đưa Bắc Triều Tiên ra xét xử trước Tòa án Hình sự Quốc tế về tội ác chống nhân loại. Theo tường thuật của thông tín viên William Gallo của đài VOA, nghị quyết không có tính chất cưỡng hành này dự kiến sẽ dễ dàng có được sự tán thành của đa số quá bán để được thông qua tại Ủy ban Thứ ba của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, là ủy ban phụ trách các vấn đề nhân quyền.
Nghị quyết, do Nhật Bản và Liên hiệp Châu Âu soạn thảo, căn cứ trên một bản phúc trình hồi tháng hai của Ủy ban Điều tra Liên Hiệp Quốc, trong đó có ghi rõ những chi tiết về những vụ xử tử, tra tấn, cưỡng hiếp và bỏ đói tập thể mà chính quyền Bắc Triều Tiên đã thực hiện một cách có hệ thống trong nhiều thập niên.
Phúc trình của ủy ban này đề nghị Hội đồng Bảo an đưa Bình Nhưỡng ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế. Phiên bản hiện giờ của nghị quyết giữ nguyên đề nghị đó.
Ông Greg Scarlatoiu là giám đốc của Ủy ban Nhân quyền Bắc Triều Tiên, một tổ chức tranh đấu nhân quyền có trụ sở chính ở Washington. Ông nói với đài VOA rằng ông dự kiến nghị quyết sẽ được thông qua với số phiếu thuận từ 100 đến 120 trong tổng số 193 phiếu. Ông nói thêm như sau.
"Điều mà tôi biết chắc là có sự ủng hộ mạnh mẽ cho một nghị quyết bao gồm những ngôn từ mạnh mẽ về tội ác chống nhân loại và buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm. Tôi nghĩ rằng xác suất nghị quyết được thông qua rất cao."
Theo dự liệu, nghị quyết này sẽ được mang ra biểu quyết trước hộïi nghị toàn thể của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và có phần chắc cũng sẽ được thông qua. Tuy nhiên, hiện chưa rõ văn kiện này có được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an hay không, vì Trung Quốc lâu nay vẫn thường ra sức bảo vệ cho Bắc Triều Tiên, một đồng minh chính của họ.
Theo ông Scarlatoiu, cho dù nghị quyết có bị Trung Quốc phủ quyết đi nữa thì đây vẫn là nỗ lực chính đáng và có hiệu quả.
"Hãy để cho Trung Quốc tự đặt họ vào vị thế của một nước không ngừng tìm cách ngăn chận những sáng kiến để đưa vụ án Bắc Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế. Hãy để cho Trung Quốc tự đặt họ vào vị thế của một nước hỗ trợ một cách rõ ràng cho một chế độ đã và đang phạm những tội ác chống lại loài người. Cái giá chính trị mà họ phải trả cho việc này sẽ mỗi lúc một cao."
Bắc Triều Tiên phủ nhận cáo giác chà đạp nhân quyền và nói rằng Hoa Kỳ cùng với các nước đồng minh đang tìm cách triệt hạ uy tín và lật đổ giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng.
Bắc Triều Tiên mới đây đã có một số hành động được cho là một nỗ lực để chống trả với sự chỉ trích của quốc tế, trong đó có việc trả tự do cho tù nhân người Mỹ và đồng ý để cho một giới chức nhân quyền Liên Hiệp Quốc đến thăm Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, nhiều tổ chức nhân quyền đang thúc giục Liên Hiệp Quốc xúc tiến cuộc biểu quyết về nghị quyết này. Tổ chức Human Rights Watch kêu gọi các nước hội viên Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu tán đồng điều mà họ gọi là “một nghị quyết có tính chất dấu mốc.”
Human Rights Watch, cùng với Hội Ân xá Quốc tế và Viện Thăng tiến Nhân quyền Jacob Blaustein, cũng thúc giục các nước chống lại áp lực đòi xóa bỏ những ngôn từ trong nghị quyết liên quan tới việc buộc Bắc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm đối với “những vụ chà đạp nhân quyền khủng khiếp trong nhiều thập niên.”