Đường dẫn truy cập

Myanmar như thế có thể vì không có… Đoàn TNCS HCM


Người dân Mandalay, Miến Điện, cuối người sau khi cảnh sát bắn đạn giải tán biểu tình, 3 tháng Ba.
Người dân Mandalay, Miến Điện, cuối người sau khi cảnh sát bắn đạn giải tán biểu tình, 3 tháng Ba.

Trân Văn


Tuần này, các hoạt động chống quân đội tiếm quyền tại Miến Điện (Myanmar) đã trở thành một trong những chủ đề nóng nhất trên mạng xã hội Việt ngữ. Rất nhiều người Việt bày tỏ sự xót xa và căm phẫn khi lực lượng vũ trang Miến Điện đánh đập, tống giam, thậm chí xả súng vào thường dân nhằm… lập lại trật tự…

Chẳng phải chỉ có thường dân Miến Điện mà thường dân Việt Nam cũng nghiêng mình trước Ma Kya Sin. Cô sinh viên 19 tuổi này là một trong số gần 40 người Miến Điện bị lực lượng vũ trang Miến Điện bắn chết trong ngày 3/3/2021 nhằm buộc thường dân Miến Điện chùn bước, ngưng đổ ra đường phản đối quân đội tiếm quyền.

Cũng như người Miến Điện, người Việt đang chuyền cho nhau xem cả hình ảnh lẫn những thông tin có liên quan tới Sin giờ đã trở thành một biểu tượng của khát vọng về tự do, dân chủ… Sin viết lên tay nhóm máu của cô, lưu ý nếu cô bị giết thì hãy dùng nội tạng của cô ghép cho những đồng bào cần đến chúng. Không chắc sẽ còn được sống nhưng Sin vẫn bước tới phía trước với hy vọng, niềm tin được ghi hết sức rõ ràng trên tấm áo cô mặc: Rồi tất cả sẽ đâu vào đó (Everthing will be OK)

***

Câu chuyện về Sin nói riêng và hàng triệu thanh niên Miến Điện nói chung làm rất nhiều người Việt ngẫm nghĩ. Có người như Hoang Linh cảm thán: Sin có thể chọn cuộc đời khác nhưng cô đã chọn con đường tự do như giá trị cốt lõi của con người để phụng sự và cô đã ngã xuống với những viên đạn ghim vào đầu. Tuổi trẻ Miến Điện bước ra khỏi nhà,

ghi nhóm máu lên tay để khi họ chết, tạng của họ còn có thể cứu sống người khác. Họ vĩ đại đến hai lần. Tuổi trẻ Miến Điện là thế. Khó để giải thích với tuổi trẻ nơi khác, khi mà phơi bày hình thể, khoe giàu, chạy chức chạy quyền... xuất hiện trên truyền thông như một giá trị hằng hữu (1).

Trong hàng ngàn người bày tỏ sự tán thành với tâm tình của Hoang Linh, có người như Nguyện Hương Giang ngậm ngùi tự vấn: Tuổi trẻ Việt Nam bàng quan với những vấn đề thời sự, chỉ quan tâm đến hài kịch, showbitz và lên mạng chém gió, trong đó có tôi...

Trần Quốc Quân, một Facebooker sống ở Ba Lan cũng cho rằng Sin là nhân vật… hai lần anh hùng: Sin có thể có cuộc đời viên mãn với sắc đẹp, ý chí, tri thức và tuổi trẻ nhưng Sin đã chọn con đường đấu tranh cho tự do, dân chủ, phồn vinh và nhân phẩm cho đất nước Myanmar vô cùng yêu quý của côSin không chỉ là thiếu nữ xinh đẹp quả cảm, cô còn là hai lần anh hùng trong lòng nhân dân Myanmar và những người yêu chuộng tự do, dân chủ trên toàn thế giới.

Chau Huy – một trong những thân hữu của Trần Quốc Quân – không giấu diếm cảm giác chua chát khi phải so sánh ta – người: Ngưỡng mộ em quá. Cũng là dân Á Đông, đồng địa, đồng khí mà sao người ta hiểu được giá trị của tự do, dân quyền cho dân tộc quí hơn cả sự nghiệp, sinh mạng của chính họ, khác hẳn lối giáo dục tù mù ở nước lân cận, bọn trẻ chỉ biết thần tượng và sống chết vì Oppa K-pop, đen Vâu, người mẫu này, hoa khôi kia mặc gì, hở gì... và hễ ai lên tiếng về chính trị là bị ghép vào dị biệt, phản động (2)...

Cùng tham gia luận bàn về sống – chết quanh trường hợp Sin, Nguyen Dat An nhận định: Cô bé chết nhưng cả dân tộc được tái sinh. Cô bé đã nằm xuống, nhưng cả dân tộc đang đứng dậy. Cô bé dừng lại, nhưng cả dân tộc lên đường. Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi, phải không cô bạn nhỏ (3)?..

***

Tuần này ngoài những câu chuyện, những ngẫm nghĩ về Sin và thanh niên Miến Điện, mạng xã hội Việt ngữ còn râm ran luận bàn về một số sự kiện khác ở Việt Nam. Chuyện anh Nguyễn Ngọc Mạnh – một người lái xe vận tải – vượt tường, trèo lên mái công trình phụ của một cao ốc 12 tầng, đỡ một đứa trẻ rơi từ tầng 12 xuống đất nhưng xin mọi người đừng xem mình là anh hùng.

Giữa trận bão của thán phục dấy lên từ công chúng, đại diện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vài cấp đột nhiên đổ đến, lôi Mạnh ra, khoác cho Mạnh… đồng phục đoàn viên, gắn cho Mạnh… huy hiệu Đoàn như… thành tựu giáo dục thanh niên của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh (TNCS HCM).

Có Facebooker như Tuấn Khanh share lại một tấm ảnh mà hệ thống truyền thông chính thức chụp để giới thiệu… thành tựu giáo dục của Đoàn TNCS HCM, trong ảnh, Mạnh đứng giữa hai cán bộ đoàn mà một là Bí thư Thành Đoàn Hà Nội, thay mặt BCH TƯ Đoàn TNCS HCM tặng Mạnh… Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” với vẻ mặt mà Tuấn Khanh buộc phải bình rằng: Phải lưu lại để dành vì không có điều gì mô tả chân thực câu “dở khóc, dở cười” của ông bà rõ ràng như gương mặt anh Mạnh lúc ấy (4)...

Diễn biến ở Myanmar và sự kiện Nguyễn Ngọc Mạnh bất kể nguy hiểm, cố gắng cứu bằng được đứa trẻ rớt từ tầng 12 xuống đất, cũng là lý do để Xuân Sơn Võ chia sẻ suy nghĩ của ông: Mấy hôm nay, có hai nhân vật được dư luận đặc biệt quan tâm. Trong đó, ở Việt Nam có anh Mạnh. Nếu viết về anh ấy, chắc chắn sẽ nhận được nhiều like, nhiều comment. Tôi vừa mới được mấy bạn phong là KOL, nên cũng cố gắng có bài viết ăn theo, để nhiều người biết đến mình.

Nói như vậy là để mọi người biết, tôi cũng biết chút gì đó về tự PR, về truyền thông. Đúng là từ lâu lắm rồi, tôi không nghe cái cụm từ đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Thế mà qua nay, cái cụm từ này được nhắc đi nhắc lại trên mạng xã hội hoài. Chỉ cần khoác một cái áo lên người anh Mạnh, nhân vật đang nổi tiếng, thế là nhiều người biết đến đoàn. Hay thật!

Chưa hết, anh Mạnh còn làm rạng danh cho cái quê hương Đông Anh của anh ấy nữa chứ. Nếu việc anh cứu cháu bé xảy ra vào khoảng 15 năm trước, có khi anh còn làm rạng danh tất cả những ai có tên Mạnh nữa kia. Tôi chẳng có gì để được rạng danh cùng anh, nên tôi ráng viết bài này, về anh, cho nó giống các KOL, và cũng để mọi người biết đến tôi nhiều hơn và tôi được KOL hơn nữa.

Hành động anh Mạnh lao lên mái tôn, tìm cách đỡ lấy cháu bé, là hành động đẹp, đầy chất anh hùng. Trong một khoảnh khắc nhất định, người ta hành động theo tình cảm mà không có lý trí dẫn đường. Bản chất anh Mạnh là người tốt thì việc anh hành động để cứu cháu bé là tự nhiên. Nếu có thời gian suy nghĩ, cân nhắc, chưa chắc anh Mạnh đã hành động như vậy.

Nhớ lại vài năm trước, có một anh, cũng làm nghề lái xe, anh ấy đã dùng xe của mình làm thắng chặn một chiếc xe khách mất thắng lao xuống đèo, cứu nguy cho mấy chục con người. Đó là một hành động đẹp, y như hành động của anh Mạnh bây giờ. Trong chừng mực nào đó, hành động ấy có ý nghĩa hơn do cứu được nhiều người hơn. Vấn đề là sau khi nổi tiếng, anh chàng lái xe ấy đã cảm thấy mình là siêu nhân, là anh hùng thật, nên có nhiều tuyên bố hơi lộn xộn.

Giang hồ hiểm ác, vậy là anh bị biến thành kẻ xạo. Có kẻ còn chứng minh là anh bị xe kia tông, cố thoát khỏi mà không được. Gần như chẳng có ai giúp anh chống chọi với đám âm binh ma giáo chuyên bươi móc, dìm hàng bất cứ ai nổi lên, bất cứ ai được dư luận quan tâm. Đám này đâu có từ ai, từ anh chàng Flappy Bird, đến các hoa hậu, rồi anh lái xe hồi đó, và cả anh Mạnh bây giờ…

Nhưng anh Mạnh không ảo tưởng mình là siêu nhân, không ảo tưởng mình là anh hùng, dù người ta khoác lên anh chiếc áo xanh, dù người ta ca ngợi anh làm rạng danh xứ Đông Anh. Chính điều đó mới cho thấy anh Mạnh thực sự là người hùng, không bị cái hào quang của sự khen ngợi làm lóa mắt. Anh không giống như tôi, nghe người ta bảo mình là KOL, cứ lâng lâng hoài, lại còn tự kỉ ám thị mình KOL thật, lợi dụng sự kiện ấy để làm cho mọi người biết đến mình nhiều hơn.

Chính vì vậy mà khác với anh chàng lái xe lần trước, lần này, khi đám âm binh ma giáo ám hại anh Mạnh, rất nhiều người đứng ra bênh vực anh ấy. Riêng tôi thì không có ý bênh vực đâu nhé. Tôi chỉ làm cái việc để người ta nghĩ mình là KOL mà thôi.

Chắc mọi người thắc mắc, vì ở đầu bài, tôi nói có tới hai nhân vật đang nổi tiếng mà tôi chỉ nói về mỗi anh Mạnh. Người thứ hai không nổi tiếng mà thực sự là “chìm tiếng” ở trong nước ta nhưng lại nổi tiếng ở nước ngoài. Đó là cô hoa hậu Myanmar. Không biết cô nổi tiếng vì gì nhưng tôi khoái cô ở chỗ cô đẹp thiệt đẹp với đôi chân dài miên man, và làn da mịn màng tha thướt. Ở Việt Nam, thế nào cũng có hàng lô hàng lốc đại gia theo đuổi cô. Rồi một ngày nào đó cô sẽ trở thành “vàng ảnh, vàng anh”.

Thế mà cô ấy lại không đi theo cái đám đại gia thừa tiền lắm của kia, cô đi theo người dân, xuống đường biểu tình đòi dân chủ cho đất nước Myanmar. Cái này thì cô anh hùng thật. Cô có thời gian để suy nghĩ, có thời gian để cân nhắc, lại có lý do để dừng lại, khi súng đã nổ, khi máu đã đổ. Nhưng cô không dừng lại, cô vẫn tiến lên.

Cô thực sự là anh hùng. Trong một khoảnh khắc, tôi quên mất cô là hoa hậu. Cô không còn đẹp vì vòng 1, vòng 2 hay vòng 3, cô cũng chẳng còn đẹp vì đôi chân dài miên man và làn da mịn màng tha thướt. Cô đẹp vì nhân cách, vì khí phách anh hùng, giống như Bà Trưng, Bà Triệu của Việt Nam. Chợt giật mình, khi nào thì ở Việt Nam có những hoa hậu đẹp theo kiểu Bà Trưng, Bà Triệu nhỉ (5)?

***

Những trăn trở kiểu như Xuân Sơn Võ: Bao giờ xứ sở mới có những Bà Trưng, Bà Triệu như đã từng có – thuộc loại không có… lời giải vì trước giờ, hệ thống Đòan TNCS HCM – tổ chức duy nhất được xem là hợp pháp để dẫn dắt thanh thiếu niên tại Việt Nam - dường như chỉ làm hai chuyện: Một là tập hợp thanh thiếu niên hướng họ vào các “trò chơi lớn” mà ngay cả người lớn sau khi đỏ mặt bởi sự dung tục, chỉ có thể lắc đầu bởi dụng ý tha hóa tuổi trẻ (6). Hai là làm bệ phóng cho con cái các viên chức hữu trách như Bí thư Vĩnh Phúc, Bí thư Bắc Ninh… vọt lên thượng tầng của cấu trúc chính trị hiện hữu như… hỏa tiễn đúng… qui định và đúng… qui trình!

Chú thích

(1) https://www.facebook.com/hoang.linh.7146/posts/3640341896086314

(2) https://www.facebook.com/quocquan.tran.79069323/posts/516333555998607

(3) https://www.facebook.com/savio.nguyendatan/posts/10225402816961360

(4) https://www.facebook.com/khanhtuanng/posts/10158159730508181

(5) https://www.facebook.com/xuanson.vo.5/posts/1968655059958277

(6) https://soha.vn/tro-choi-phan-cam-o-can-tho-duoc-trung-uong-doan-cho-phep-20180827163600527.htm

  • 16x9 Image

    Thiên Hạ Luận

    Tự kể điều mình biết, tự nói điều mình nghĩ với hàng triệu người đã trở thành chuyện đơn giản và bình thường. Khi một người nói, nhiều người có thể cùng nghe, bất kể người nói là ai, làm gì, ở đâu thì vai trò, vị trí của cá nhân trong tương tác với xã hội đã khác trước và chắc chắn sẽ càng ngày càng khác.

    Đó cũng là lý do để dù muốn hay không, hệ thống truyền thông chính thống phải tự thay đổi. Ban Việt ngữ VOA cũng thấy phải tự thay đổi...

    Trước mặt bạn là “Thiên hạ luận” – chuyên mục mới của Ban Việt ngữ VOA. Tuy nhiên đây chỉ là bước đầu tiên - tập hợp thông tin, ý kiến của nhiều người sử dụng mạng xã hội bằng Việt ngữ về những sự kiện, vấn đề đang được nhiều người quan tâm và có thể là mọi người nên biết, nên bàn thêm - của một tiến trình.

    Liệu “Thiên hạ luận” có thể trở thành nơi mà độc giả chủ động đóng góp mọi thứ (thông tin, ý kiến, hình ảnh) về những sự kiện, vấn đề mà theo họ, mọi người cần biết, cần bàn hay không sẽ do các bạn quyết định.

    Các bài viết của Thiên Hạ Luận là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG