Đường dẫn truy cập

Mậu dịch mất cân bằng không nước nào được lợi


Hình minh họa.
Hình minh họa.

Nói chuyện khiếm hụt mậu dịch ở một nước tương đối dễ, vì không ai thích mình bị khiếm hụt. Nói chuyện cả thế giới hơi rắc rối vì khi nước này khiếm hụt có nghĩa là có nước khác được thặng dư. Nhưng tình trạng mất thăng bằng kéo dài thì tất cả các nước đều thiệt hại.

Trước cuộc khủng hoảng toàn cầu 2007-2008, nhiều quốc gia lâm cảnh “ngập lụt” vì tiết kiệm nhiều quá. Trung Quốc là điển hình. Chính quyền Trung Cộng thúc đẩy sản xuất nhưng chỉ muốn xuất cảng, người dân không được tiêu thụ, cả nước bị cưỡng bách phải tiết kiệm. Giá dầu lửa tăng, các nước xuất cảng dầu cũng ngập ứ với số tiền thu về. Tiền tiết kiệm đó phần lớn chạy qua nước Mỹ, mậu dịch thâm thủng nhưng dân Mỹ tha hồ tiêu xài nhờ lãi suất xuống thấp! Tổng số chênh lệch mậu dịch cả thế giới lên tới 5 phần trăm kinh tế toàn cầu. Trong thập niên 1990 có nhiều nước khiếm hụt, nhiều nước thặng dư mậu dịch, nhưng con số mất thăng bằng đó chỉ chiếm 1.2 % GDP thế giới.

Cuộc khủng hoảng tái lập thế cân bằng, nhờ giá dầu xuống và chính quyền Trung Cộng thúc đẩy cho dân tiêu thụ nhiều hơn. Nhưng cho tới nay,số mậu dịch mất thăng bằng vẫn còn lớn bằng 3% GDP của thế giới.

Năm 2017 Tổng thống Donald Trump đi Á châu về đã tuyên bố: “Chúng ta bị khiếm hụt $800 tỷ đô la khi buôn bán với các nước khác. Không thể chấp nhận được.” Giáo sư Peter Navarro, cố vấn kinh tế Tòa Bạch Ốc còn tiên đoán tới hết năm 2018 khiếm hụt của Mỹ sẽ xuống số không.

Covid 19 khiến nước Mỹ thâm thủng mậu dịch nhiều hơn. Trong tháng Tám 2020, Mỹ nhập cảng hàng hóa nhiều hơn xuất cảng $84 tỷ đô la. Nhờ các dịch vụ xuất cảng tăng lên nên cán cân thương mại chỉ khiếm hụt $67 tỷ; cao nhất trong 14 năm qua. Những thống kê do bộ Thương mại Mỹ công bố ngày Thứ Ba 13 tháng 10 cho thấy trong năm 2020 này cho thấy cán cân thương mại của Mỹ sẽ khiếm hụt $600 tỷ đô la.

Một lý do khiến khiếm hụt mậu dịch ở Mỹ vẫn cao trong năm nay là vì Covid-19! Số hàng Mỹ nhập cảng tăng vọt sau khi dân Mỹ được chính phủ trợ cấp để khuyến khích họ tiêu thụ. Cho tới nay Quốc hội đã chuẩn chi $3.3 ngàn tỷ đô la giúp tất cả mọi người dân đóng thuế, nhất là mấy chục triệu người mất việc vì bệnh dịch.

Nhưng chính phủ Mỹ không thể tiếp tục trợ cấp cho dân tiêu thụ mãi mãi, dù đảng nào sẽ thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. Các nước Âu châu giầu có cũng vậy. Cho nên những nước thặng dư mậu dịch đứng trước một mối lo.

Trong nền kinh tế thế giới, một nước bán ra nhiêu hơn mua vào vì họ sản xuất nhiều, tiêu thụ ít hơn các nước khác. Các nước thặng dư khi tiền thu nhờ xuất cảng cao hơn tiền mua hàng nhập cảng, sẽ đem số tiền dư đó cho vay. Khi chính phủ Trung Cộng mua các trái phiếu của chính phủ Mỹ, họ đã cho cả nước Mỹ vay nợ. Tiền vô nhiều, lãi suất trong nước Mỹ sẽ xuống thấp.

Các nước khiếm hụt mậu dịch, như nước Mỹ, dân chúng được lợi hiển nhiên, vì được tiêu xài nhiều hơn. Số cầu tăng lên, nhưng không hại gì vì họ có thể vay tiền với lãi suất thấp. Lãi suất cao hơn số không là động cơ chính làm cho dòng tiền tệ luân chuyển: Các nước thu tiền dư đem cho các nước khiếm hụt vay, nhờ thế họ cứ việc mua thêm và tiếp tục khiếm hụt. Mọi người đều vui vẻ, bởi vì hồi đó lãi suất ở Mỹ còn cao hơn số không.

Khi lãi suất xuống bằng số không hiện nay, có khi thấp hơn số không như ở Âu châu, thì tình hình khác hẳn trước. Dù các nước thặng dư mậu dịch vẫn có thể cho các nước khiếm hụt vay tiền, họ có rất nhiều tiền sẵn sàng để cho vay, nhưng lãi suất đã ở số không rồi không còn xuống thấp hơn! Những nước thặng dư mậu dịch như Trung Quốc sẽ phải đem số tiền dư dùng vào các việc khác.

Ngân Hàng Trung Ương Mỹ đã báo trước sẽ giữ lãi suất ở mức zero trong nhiều năm tới. Dòng tiền dòng luân chuyển trước đây bây giờ không còn công hiệu nữa. Số cầu ở Mỹ và các nước khiếm hụt mậu dịch sẽ không tăng lên mà còn có thể đi xuống, tức là có thể đẩy các hoạt động kinh tế đi xuống.

Chính phủ và quốc hội Mỹ sẽ chi thêm, trợ cấp cho người dân tiếp tục tiêu thụ, để tránh cuộc cho kinh tế suy thoái. Số khiếm hụt mậu dịch lên cao gần đâymột phần là hậu quả của chính sách đó. Khi chính phủ Mỹ, và các nước Âu châu, giảm bớt rồi chấm dứt các chương trình trợ cấp này, thì các nước như Trung Quốc, vẫn quen sống bằng thặng dư mậu dịch, sẽ phải lo.

Một biện pháp có thể giúp các nước đó vẫn tiếp tục bán được hàng hóa, là tìm cách giảm giá trị đồng tiền của họ. Đồng tiền xuống giá sẽ giúp bán hàng rẻ hơn khi tính bằng đô la Mỹ! Nhiều nước Á châu đã đi mua tiền Mỹ về quỹ dự trữ, cốt dìm giá trị đồng tiền nước họ xuống. Chính phủ Mỹ đã cảnh cáo một số nước về “âm mưu lũng đoạn” này, trong đó có cả Việt Nam!

Nhưng vì Ngân Hàng Trung Ương Mỹ đã báo trước sẽ giữ lãi suất số không trong nhiều năm, cho nên đồng đô la Mỹ không lên giá mà còn có đà đi xuống. Kể từ tháng Năm 2020, đồng đô la Mỹ đã xuống giá 5% đối với đồng Nguyên của Trung Cộng. Bắc Kinh đang tìm cách kìm không cho đồng tiền của họ lên giá; nhưng chính phủ Mỹ cũng chuẩn bị sẽ lên án Trung Cộng cố tình hạ hối suất và đưa ra các biện pháp “trừng phạt.” Cuộc đối đầu Mỹ-Trung sẽ còn tiếp tục, đang bước qua giai đoạn “chiến tranh mậu dịch” để đi vào các lãnh vực thực sự quan trọng: Cạnh tranh trong các kỹ thuật tân tiến và các liên minh thương mại toàn cầu. Đó mới là cuộc chiến kinh tế thực sự trong thế kỷ 21 này.

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG