Thính giả Lê Văn Hiếu hỏi:
"Chào Bác sĩ,
Tôi bị gãy xương bàn chân số 5, chân phải. Sau khi bó bột được 20 ngày thì thấy đi lại nhẹ nhàng không đau nữa, ngồi không kê cao chân cũng không thấy bị tụ máu như thời gian đầu mới bó, nên tôi tự tháo bột ra, nhưng sau khi tháo bột thấy chân vẫn sưng to và đi lại nhẹ nhàng thấy nhói đau ở chỗ xương bị gãy.
Bác sỹ cho tôi hỏi như vậy có ảnh hưởng gì không? Tôi có phải đi bó bột lại không?
Cảm ơn Bác sĩ.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Gãy xương bàn chân số 5
Trước hết vị thính giả cần đi khám lại bác sĩ đang chữa cho mình. Câu trả lời tuỳ thuộc định bịnh chính xác xương gãy đoạn nào, gãy ra so, có xê dịch nhiều ít, tình trạng quang tuyến của vết gãy hiện nay ra sao, và tình trạng sức khoẻ, nhu cầu của bịnh nhân cần hoạt động, di chuyển tới mức nào.
Bàn chân có 5 cái xương metatarsal (MT) xoè ra như 5 cái nang của một cái quạt. Xương metatarsal thứ 5 (MT5) cùng với xương gót và xương thứ nhất tạo thành một thế kiền 3 chân cho bàn chân đứng vững. Tuy nhiên nó lại ít được các mô mềm bao bọc và che chở, và do cách sắp xếp của 3 động mạch nuôi dưỡng, có môt vùng gần đầu xương (meta-diaphyseal junction) ở đó, nếu bị gãy sẽ khó lành hơn (non-union). MT5 cũng là xương di động nhiều nhất trong 5 xương MT, cho nên nếu bị chấn thương hay gãy xương mà không phục hồi tử tế, có thể làm đau bàn chân dễ dàng hơn.
Trong MT, xương MT 5 dễ bị gãy nhất, do chấn thương như té, bẻ bàn chân đột ngột, vặn bàn chân vào phía trong, một vật gì rơi xuống hoặc do stress gây ra stress fracture. Tuỳ vết gãy nằm trên đoạn nào của xương, xương có xê dịch hay không, có ngắn lại không sẽ quyết định xương lành dễ dàng hay không, và các theo dõi điều trị. Cho nên cần định bịnh chính xác chi tiết về vết gãy trên hình quang tuyến, cũng như bác sĩ chuyên môn về chỉnh trực chữa bịnh nếu có vấn đề. Trong trường hợp gãy do stress, thường bịnh nhân đã từng đau sẵn chỗ đó, một thời gian trước khi xương gãy.
Stress fracture là vết nứt, gãy, hay bầm trong xương do xương đó bị cử động quá nhiều, thường xảy ra ở các lực sĩ chạy bộ (march fracture) , đá banh, bóng rổ, cũng như những người vừa thay đổi trong cách tập của mình (như chạy treadmill đổi qua chạy ngoài đường), hay theo một thể thao mới, nặng nhọc hơn. Loãng xương (osteoporosis) cũng làm stress fracture dễ xảy ra .
Sau đây là hướng dẫn của Hội các Bác sĩ Chỉnh trực Hoa kỳ (American Academy of Orthpaedic Surgeons) về vấn đề này:
"Đa số các vết gãy xương bàn chân số 5 có thể chữa trị bằng cách dùng một chiếc dày bốt cho phép bịnh nhân đi ("walking boot") ở mức thoải mái. (Chú thích: “walking boot”: giày làm cho cổ chân, bàn chân được che chở, chỉ chịu sức nặng vừa phải thôi, trong thời gian chuyển tiếp đợi vết gãy lành hẵn; giá ở Mỹ chừng 50-100 đô la). Vết gãy xương bàn chân thường lành (phục hồi) sau 6-8 tuần hoặc lâu hơn. Bác sĩ có thể cần chụp X quang để chắc chắn là xương gãy lành tốt và ngay ngắn. Dù có lành tốt đi nữa, chân của bạn vẫn có thể sưng nhiều tháng sau đó, và tìm được giày đi êm chân có thể khó khăn. (http://orthoinfo.aaos.org/topic.cfm?topic=a00165)
Bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bịnh nhân biết lúc nào có thể hoạt động lại bình thường (tuỳ người, ví dụ, đá banh, chạy bộ..). Nếu đau cần đi khám bác sĩ. Dùng bàn chân gãy xương sớm quá có thể gây tổn thương tái lại.
Tóm lại, tốt hơn hết, nên đi khám lại bác sĩ và theo hướng dẫn. Trong lúc chờ đợi bs, có thể cần mang một loại giày ống “walking boot”, hay “CAM boot” [CAM: Controlled Ankle Movement], để che chở cổ chân và bàn chân lúc đi lại, để sức nặng thân thể không đè lên chân bị thương trong 4-6 tuần tới.
Xin nhắc lại là những nhận xét trên chỉ có tính cách rất tổng quát và không thể giúp thính giả tự chữa lấy.
Chúc bịnh nhân may mắn,
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
19/6/2017
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ