Tại miền Bắc Thái Lan, con sông Mekong lớn rộng được gọi là Sông Cái. Nó bắt nguồn từ vùng đồng bằng Tây Tạng và chảy suốt 4 ngàn kilomét ra biển Thái Bình.
Nhưng năm nay, mực nước Mekong đã xuống thấp nhất so với nhiều thập niên.
Ông Julian Wright quản lý một nhà khách trên bờ sông Mekong tại Khon Kaen miền Bắc Thái Lan nói rằng người ta nhìn thấy rất nhiều cồn cát trên sông, so với những năm qua. Ông Wright nói:
“Tôi không dám nói nó xuống tới mức thấp nhất, nhưng chắc chắn đó là mức thấp nhất mà tôi đã nhìn thấy. Chiếc sà lan từ tỉnh vào lấy nước rất có thể bị mắc cạn, nên chúng ta có thể sẽ không có nước máy.”
Sông Mekong chảy qua tỉnh Vân Nam thuộc miền Nam Trung Quốc, qua một phần của Miến Điện, Thái Lan và Lào, và rồi chảy tiếp qua Kampuchea và Việt Nam trước khi ra biển.
Năm nay, mùa khô tại Đông Nam Á khô hơn nhiều so với mọi năm. Và nhiều tỉnh miền Nam Trung Quốc như Vân nam, Quế Châu và Tứ Xuyên cũng đang bị khô hạn nặng nề. Trên 20 triệu người bị thiếu nước và khoảng 6,5 triệu hectares mùa màng phải chịu hệ quả.
Ông Ian Makin, một kỹ sư và là chuyên gia cấp cao quản lý nguồn nước cho biết:
“Đây là điều mới chỉ xảy ra 1 lần trong vòng 50 năm, cho nên rất đỗi nghiêm trọng. Vấn đề bây giờ là trong mùa khô những người trồng trọt trong vùng đồng bằng sông Mekong thường dùng bơm và khi nước xuống quá thấp họ không thể bơm nước lên để dẫn vào đồng ruộng và sẽ phải chật vật để giữ cho cây trồng của họ sống sót.”
Tại các thành phố, các giới chức đặc trách nguồn nước đang đề nghị các cộng đồng để dành nước. Những chiếc phà và sà lan phải ngừng di chuyển trên sông vì lẽ tại nhiều nơi nước quá cạn.
Và tại những nơi thấp trong vùng châu thổ phì nhiêu của sông Mekong tại Việt Nam, khô hạn cũng có nghĩa là nước mặn ngoài biển có thể tràn vào đồng ruộng tàn phá đất màu.
Các tổ chức môi trường và nhân quyền tại Thái nói những chiếc đập được xây trên các thủy lộ ở miền Nam Trung Quốc cũng góp phần làm mực nước xuống thấp.
Nhóm liên minh về môi trường “Hiệp Hội Cứu Sông Mekong” lên tiếng chỉ trích cách quản lý con sông của Trung Quốc và những đập nước xây trên lãnh thổ nước này.
Phát ngôn viên của tổ chức, bà Pianporn Deetes nói:
“Đây không phải là một thiên tai, mà là tác hại của các cơ cấu cơ sở hạ tầng qui mô lớn, nghĩa là những con đập trên thượng lưu, và ngư dân cùng các nông gia vẫn đang phải chịu ảnh hưởng rất nhiều vì sự thay đổi của hệ thống sinh thái của con sông. Và họ nghi ngờ rằng nguyên do của tình trạng khô hạn là do là do cách thức điều hành những đập nước ở thượng nguồn đã ảnh hưởng đến dòng chảy của con sông. ”
Trung Quốc vừa hoàn thành đập thủy điện Tiểu Loan, trạm thủy điện lớn thứ nhì trong nước trên thượng nguồn sông Mekong. 8 con đập khác cũng đang được xây trong tỉnh Vân Nam.
Ông Jeremy Bird đứng đầu Ủy Ban sông Mekong, gồm có Kampuchea, Lào, Thái và Việt Nam.
Ông bác bỏ sự lo ngại là những con đập gây nên tình trạng khô hạn làm mực nước xuống thấp:
“Nếu quan sát những số liệu về lưu lượng mà chúng ta có, thì không có lý do gì để nói rằng những dự án trên thượng nguồn làm tình hình tệ hơn. Thực ra, có một số bằng chứng cho thấy nếu không có những con đập đó thì mực nước còn hạ thấp sớm hơn nữa, từ tháng Giêng nữa kia.”
Những vấn đề nhạy cảm về sông Mekong đã đưa đến các cuộc thương thảo giữa Trung Quốc và Thái Lan, về vấn đề những đập nước có thể ảnh hưởng đến mực nước ra sao. Các giới chức Trung Quốc phủ nhận điều này.
Vào đầu tháng sau, Trung Quốc sẽ dự một cuộc họp thượng đỉnh tại Bangkok qui tụ các cấp lãnh đạo của các nước vùng sông Mekong. Giới lãnh đạo hy vọng có thể tìm ra cách quản lý con sông tốt hơn.
Còn có những mối lo là việc gia tăng dân số sẽ gia tăng nhu cầu dùng nước, và ông Smith Dhanrmasaroja, giám đốc Trung tâm Cảnh báo Thiên tai Thái Lan nói có thể xảy ra xung đột về vấn đề nước tại Đông Nam Á. Ông nói:
“Đương nhiên họ sẽ tranh chấp, các nước đều tranh giành nước. Chúng ta sẽ có một cuộc chiến tranh về nước trong vùng vì khi cần nước uống người ta sẽ đánh nhau. Xung đột giữa Lào, Thái, Miến Điện và Kampuchea sắp xảy ra - chờ xem rồi sẽ biết.”
Trong một bản phúc trình được đưa ra tuần này, Ủy ban Kinh tế Xã hội Liên hiệp quốc khu vực châu Á cũng bày tỏ những quan ngại tương tự về tình trạng an toàn về nước trong khu vực này.
Bản phúc trình cảnh báo rằng tình trạng thiếu nước trong vùng có phần chắc sẽ còn trầm trọng hơn nữa vì khí hậu biến đổi.
Một trận hạn hán xảy ra tại miền Nam Trung Quốc và Đông Nam Á đã hạ mực nước sông Mekong xuống mức thấp nhất từ 50 năm qua. Như Thông tín viên Ron Corben tường trình từ Bangkok, trận hạn hán này đã dẫn tới cuộc tranh luận về nguồn nước sinh tử cho đời sống và những hệ quả mà phát triển kinh tế, nhất là việc xây đập, có thể có đối với dòng sông.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1