Đường dẫn truy cập

Một trời tro bụi


Không phải một trời nắng chói. Không phải một trời mưa bão. Rất lạ!
Mà là một trời tro bụi. Bao phủ gần hết 30 nước châu Âu, suốt 6 ngày đêm qua.

Núi lửa Eyjafjoll ở phía Nam đảo Iceland (Băng đảo), một đảo nhỏ ở phía tây bắc của nước Anh, đột nhiên thức dậy, sôi ruột, phun tro bụi đen kịt lên bầu trời, mới đầu lên 5 – 6.000 mét, sau lên đến 9.000 mét.

Cuộc phun mới này bắt đầu từ nửa đêm rạng sáng thứ tư 14, tăng mạnh ngày 15, 16, đến tận sáng chủ nhật 18-4 mới dịu dần…

Suốt 5 ngày đêm từ 15 đến 18 -4, hầu hết các sân bay ở châu Âu đều đóng cửa. Hàng chục nghìn máy bay trên hàng trăm sân bay nằm tê liệt trên sân. Chiều ngày 18 mới mở dần từng khu vực, từng hành lang cho không vận, sau khi một số may bay trực thăng và phản lực bay thử nghiệm an toàn.

Lý do máy bay phải nằm im vì núi lửa phóng lên trời không ngừng nghỉ một lượng tro bụi khổng lồ tạo nên bởi chất thạch nham sôi sục từ trong lòng đất phun lên gặp những tảng băng lạnh liền bùng nổ dữ dội, cuộn lên những mảng mây tro bụi đen nóng, sau đó lại kết tụ trên bầu trời thành vô vàn hạt tinh thể, được các làn gió theo các hướng và các tầng cao thấp đưa đẩy đi xa, lại còn bị tác động của cử động quay tròn của trái đất từ Đông sang Tây….

Trời đầy tro bụi hạn chế tầm nhìn của người lái và các máy đo đạc quan trắc, nhưng nguy hiểm hơn là tro bụi và các hạt tinh thể dày đặc bị hút liên tiếp vào các lò phản lực tích tụ lại có thể làm hỏng hóc động cơ máy bay, gây nên tai nạn.

Đã có một chiếc máy bay phản lực chiến đấu của Hoa Kỳ F-16 bị hỏng máy do hút phải tro bụi nói trên và những tinh thể kết tụ đã suýt gây tai nạn cho động cơ, theo lời một người phát ngôn của Khối Bắc Đại Tây Dương NATO ở Bruxelles - Bỉ.

Tổng cộng trong 5 ngày đêm, có 750 ngàn hành khánh trên khắp thế giới không ra vào được châu Âu, mặc dầu có vé trong tay.

Tất cả các sân bay lớn nhỏ ở châu Âu đều ùn tắc, các khách sạn quanh đó hết chỗ, phần lớn khách phải tự xoay sở nghỉ tạm trên ghế dài, trên sàn nhà, trong nhà tư nhân, mong đợi từng giờ núi lửa nguôi cơn giận dữ. …

Cũng có hơn 100 ngàn người Pháp bị kẹt ở New York, Tokyo, Toronto, Bangkok … phải nhờ sự giúp đỡ của sứ quán nước mình cũng như của đồng bào mình sống tại đó cho trú tạm.

Những người ốm đau, già cả, trẻ em đều được các tổ chức từ thiện, chữ thập đỏ cứu giúp, tùy khả năng.

Kinh khủng hơn nữa là thông tin, truyền thông công cộng bị đột nhiên quá tải. Các trạm điện thọai công cộng luôn có khách nối đuôi hàng trăm mét, các điện thoại cầm tay gọi như mắc cửi, gọi về gia đình, bạn bè, công sở, sân bay để hỏi giờ giấc các chuyến bay, gọi về các hãng bảo hiểm, các trạm xe bus, ga xe lửa để chuyển sang phương tiện khác.

Một vài thông tin bổ ích và lý thú:

- Núi lửa Eyjafjoll đã từng 3 lần gây tai họa vào những năm : 500, 1612 và 1823, có khi kéo dài gần một năm trời. Trước khi bùng nổ đêm 14-4 vừa qua, nó đã cựa mình phun lửa vào chiều 20-3-2010 báo hiệu một cơn nổ lớn.
- Băng đảo có tên Anh là Iceland, tên Pháp là Island, khác với nước Ái Nhĩ lan, là Irlande, hay Ireland, ớ sát Vương quốc Anh.

- Băng đảo – Iceland là đất lạnh, ‘đất đóng băng’, nhưng thật ra đất quanh đảo không quá lạnh vì nhờ dòng nước ấm Gulf stream chảy quanh từ vùng xích đạo lên.

- Băng đảo là nước cộng hòa nhỏ bé, rộng 10 vạn kilômét vuông,, chỉ có 32 vạn dân, nguyên là thuộc địa của vương quốc Đan Mạch, độc lập từ năm 1944, là nước giàu có loại nhất châu Âu và thế giới, thu nhập dầu người năm 2008 là hơn 40 ngàn Euro/năm, nhờ vào thủy sản, hải sản, chủ yếu là đánh cá và xuất khẩu cá hộp. Nghề nuôi cừu và nuôi ngựa cũng phát triển. Thủy điện, điện thủy triều và điện - địa nhiệt (géo -thermique) đều phong phú nên cực rẻ. Thủ đô là Reykjavik, quanh năm đông khách du lịch vì quanh đó nhiều phong cảnh hùng vĩ, núi cao, thác nước lớn, đập to, rừng thông, bãi chăn nuôi rộng, trượt tuyết, bơi thuyền, cưỡi ngựa, câu cá thỏa thích…

Một đặc điểm là tỷ lệ xe ôtô riêng và máy bay công cộng đứng hàng đầu thế giới. Đường ô tô rải nhựa bao quanh đảo. Cả đảo có đến 88 sân bay lớn nhỏ.

Đến hôm nay, chiều ngày 22-4, hoạt động hàng không châu Âu nhìn chung đã trở lại bình thường. Các hãng hàng không quốc tế đã bị thiệt khoảng gần một tỷ đôla.

Một trời tro bụi lại sáng dần lên giữa mùa Xuân của đất trời.

Điều rất ít ai biết là riêng ở Băng Đảo, nơi xuất phát của tai họa, nhìn chung hoạt động không vận vẫn hầu như bình thường, các hãng hàng không vẫn đông khách, hầu hết gần một trăm sân bay vẫn náo nhiệt, vì núi lửa ở trên cao gần 2 ngàn mét, lại phun cao thêm hơn 6 ngàn mét, rồi gió to cuốn mạnh lên cao thêm, đi xa hơn, nên vùng trời Băng Đảo ở dưới 3, 4 ngàn mét vẫn trong sáng, an toàn.

* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG