Việc phổ biến các văn kiện để chuẩn bị cho Đại hội đảng CS toàn quốc XI đã bắt đầu.
Năm nay chắc chắn sẽ có nhiều, rất nhiều ý kiến góp ý cho đảng CS, chỉ còn vấn đề là lãnh đạo CS có biết nghe ra hay không. Cả ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và ông Nguyễn Phú Trọng đều hứa: Lần này sẽ lắng nghe, sẽ chân thành tiếp thu những điều hay lẽ phải của nhân dân (ngụ ý không như những lần trước) Để xem lần nay họ có làm đúng lời hứa không?
Các đại hội đảng ở cơ sở (chi bộ, đảng bộ xã) trong toàn quốc sắp họp, trong tháng 5 này. Có nơi đã bắt đầu họp trước một tháng để làm thí điểm, rút kinh nghiệm.
Nước ta về cơ bản còn là nước nông nghiệp. 70% dân vẫn sống ở nông thôn. Vấn đề ruộng đất vẫn là một vấn đề hệ trọng nhất.
Những năm gần đây, vấn đề dân oan nổi lên rộng khắp nước ta. Đó là vấn đề nông dân bị mất đất, bị một số quan chức cậy quyền thế, vin lý do mở rộng đường sá cầu cống, xây dựng đô thị mới, lập khu công nghiệp mới, để chiếm đoạt ruộng vườn của nông dân, dùng chiêu bài “thu hồi" và "đền bù" trong Luật đất đai mới để thỏa mãn lòng tham. Làm thế nào để giải quyết vấn đề bức xúc rộng lớn quy mô cả nước này?
Tình hình hiện nay đòi hỏi vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân cần phải được giải quyết một cách cơ bản, triệt để, từ gốc.
Trong chính sách Đổi mới, đảng CS đã trả lại cho nhà buôn bán, kinh doanh công nghiệp, thủ công nghiệp quyền sở hữu tư nhân các phương tiện sản xuất như vốn liếng, cửa hàng, cửa hiệu, kho hàng, xưởng máy, trang bị kỹ thuật, cho thuê công nhân không hạn chế, vậy sao không chịu trả lại cho nông dân quyền sở hữu ruộng đất và các phương tiện sản xuất của nông dân? Sao lại kỳ thị nông dân đến vậy? Thế là thực hiện liên minh công nông ư? Thế mà đảng vẫn tuyên bố nông dân là quân chủ lực của Cách mạng Việt Nam, vẫn ca ngợi nông dân đã đóng góp nhiều nhất cho Cánh mạng Việt Nam, về người và của cho chiến tranh để ghi công, ghi ơn nông dân nước ta. Để đến nay nông thôn bị lạc hậu, nghèo khổ, ô nhiễm, biến thành bãi rác của xã hội, để nông dân phải ly nông, từ bỏ nông thôn, nông nghiệp bị tiêu điều so với thành thị, ngày càng bị thành thị bỏ quá xa về mọi mặt văn hóa, giáo dục, y tế…như hiện nay.
Hai là Việt Nam đã hội nhập với thế giới, vào Liên Hợp Quốc, vào Tổ chức Thương mại Thế giới, buộc phải điều chỉnh pháp luật nước mình cho phù hợp với luật pháp quốc tế và buộc phải tôn trọng các văn kiện đã ký về nhân quyền, trong đó có quyền sở hữu tư nhân hợp pháp, chính đáng về tài sản, nhà cửa, ruộng đất của công dân nước mình.
Lẽ ra đảng CS phải trả lại cho nông dân quyền tư hữu ruộng đất trước cả khi trả lại quyền sở hữu tư nhân cho nhà tư sản, tiểu tư sản thương nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp; đến nay đã là quá muộn, khi họ đã bỏ quên nông dân, bạc đãi nông dân, khinh thị nông dân trên thực tế. Nông dân sống phân tán, là giai cấp thấp cổ bé họng nhất. Cái Hội Nông dân Việt Nam do đảng CS tổ chức chỉ là tổ chức ngoại vi của đảng, công cụ khống chế, kềm kẹp nông dân, áp bức nông dân. Có ai trong cái Ban chấp hành trung ương Hội Nông dân ấy sống ở nông thôn, lao động với nông dân đâu! Họ đều là "Quan Nông dân".
Trả lại nông dân quyền sở hữu ruộng đất là mệnh lệnh của thời cuộc, là mệnh lệnh của thời Mở cửa, Đổi mới, là mệnh lệnh của thời Hội nhập quốc tế, là vấn đề hợp Hiến pháp, hợp luật pháp, hợp đạo lý hiện nay.
Hãy nhìn quanh nước ta, ở Thái Lan, Indonesia, Mmalaysia, Philippines, hoặc xa hơn, ở Đài Loan, Nam Triều Tiên, Nhật Bản…có nơi nào có cái hình thức sở hữu kỳ lạ, quái đản do đảng CS bịa ra là quyền sở hữu toàn dân về ruộng đất hay không? Toàn dân là những ai? Mỗi thửa ruộng đều thuộc quyền sở hữu của tất cả, cũng là của mỗi một công dân trong 88 triệu người hay sao?
Cái từ "thu hồi" sao mà vô lý, trịch thượng, độc ác, vô duyên đến vậy!
Những thửa ruộng quý do tổ tiên khai phá, truyền lại cho con cháu cầy cấy sinh sống, có giấy tờ, giấy trước bạ, bản đồ hợp pháp, được chính quyền Nam triều, Nhà nước Pháp chứng thực, bỗng nhiên lãnh đạo đảng CS tuyên bố vô giá trị, để đảng nghiễm nhiên làm chủ tất tật cả, muốn thu hồi (đòi lại) lúc nào, nơi nào cũng được. Có khác gì tên kẻ cướp móc túi người lương thiện còn nỏ mồm "của tao! trả lại cho tao, tao thu hồi đây". Rồi trả lại cho chút tiền còm, gọi là "đền bù". Chỉ để che đậy cái hành động cướp đoạt.
Nông nghiệp nước ta từ khi từ bỏ hợp tác xã đã phát triển vượt bực, xuất khẩu nhiều gạo, nhưng vẫn còn hạn chế vì quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân vẫn không được công nhận. Có quyền sở hữu như xưa, nông nghiệp sẽ nhảy vọt, nông dân tự do sẽ giàu nhanh.
Xin đề nghị các Đại hội đảng của các đảng bộ nông thôn hãy thảo luận kỹ vấn đề cấp bách thiết thân này. để đề đạt lên Đại hội đảng cấp trên, cho đến Đại hội toàn quốc đầu năm 2011. Các vấn đề cần thảo luận cho kỹ là:
- Lý lẽ của việc duy trì hiện trạng, hay trả lại quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân. Nếu trả lại ruộng đất cho tư nhân, cho các hộ nông dân thì cần thực hiện ra sao? Sau 50 năm hợp tác hóa ở miền Bắc, 35 năm “toàn dân sở hữu hóa “ ở miền Nam, hiện nay tình trạng sở hữu ở các xã ra sao? Nên trả lại sở hữu tư nhân cho những ai? dựa vào những giấy tờ, văn bản nào? Có nên ưu tiên trả lại ruộng đất cho những hộ hiện làm nghề nông hay không, theo số lượng lao động của mỗi hộ? Có nên chia lại ruộng đất rồi công nhận quyền sở hữu tư nhân hay không?
- Có nên hỏi ý kiến các bô lão, các chức sắc cũ, các cụ lão nông chi điền, và tham khảo các địa bạ cũ còn lưu giữ hay không?
- Có nên ưu tiên trả lại ruộng và đất hương hỏa, đất dành cho tế lễ - Hiếu điền - của các xã, các dòng họ tộc, và các "Học điền" là đất ở các vùng hiếu học nhằm hỗ trợ các học sinh nghèo, có chí, học giỏi nhằm đào tạo nhân tài cho địa phương hay không? Đây là nét văn hóa đặc sắc Việt Nam.
Nói tóm lại là dứt khoát phải từ bỏ sai lầm, phải khôi phục quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất nhà cửa vườn tược, tuy thực hiện sẽ phức tạp, khó khăn, vì sai lầm diễn ra quá lâu.
Cần tin ở nhân dân, họ sẽ có đủ sáng suốt, khôn ngoan để giải quyết một cách hợp tình, hợp lý, theo tình nghĩa bà con cùng quê hương bản địa, nhân nhượng nhau, nhường nhịn nhau, thương yêu nhau theo truyền thống và đạo lý dân tộc.
Mong đội ngũ các nhà luật học, luật gia, luật sư vào cuộc để bàn luận vấn đề quốc gia hệ trọng này, góp ý về lối ra cho vấn nạn quốc gia này.
Mong Quốc hội săp họp cần bàn kỹ vấn đề này. Không thể ghi vào chương trình làm luật của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai từ 2, 3 năm nay mà nay bỗng im re là thế nào? Lại đi bàn những Luật như về vô tuyến điện!
Mong mọi người quan tâm đến vấn đề hệ trọng này tìm đọc lại bài viết của em Đỗ Thúy Hường, sinh viên khoa Luật trường Đại học Hà Nội. Em viết rất chân thành, hiểu biết sâu sắc, lập luận vững vàng, thái độ vô tư, khoa học.
Cũng rất nên đọc bài viết mới đây của luật sư Cù Huy Hà Vũ về vụ án đất Hương hỏa của Phái III họ Trần – thành phố Huế, thái độ dây dưa vô trách nhiệm của chính quyền Thành phố.
Được biết có vài nơi trong Nam như Bình Dương, Sóc Trăng, Hậu Giang… lập hội Nông dân, hội ái hữu Nông dân bị mất đất…Nếu như khắp nơi, hàng ngàn, hàng chục ngàn, rồi hàng trăm ngàn nông dân ta lập hội, biểu tình trong hòa bình, mang biểu ngữ đòi công lý, đòi quyền sở hữu chính đáng, được Hiến pháp và văn kiện Quốc tế công nhận, kéo về kín Hà Nội, hay nhân dịp Đại hội đảng các xã, quận huyện, tỉnh thảnh, cho đến toàn quốc, thì lãnh đạo không thể khinh thường bỏ qua được.
Lãnh đạo vừa mới hứa lần này sẽ lắng nghe, vậy bà con nông dân ta hãy nói cho to, tụ tập cho đông, báo trước cho công an biết quyền biểu tình, để lãnh đạo đảng CS nghe cho rõ, hiểu cho rõ, và trả lời cho rõ nguyện vọng chính đáng, cháy bỏng của hơn 60 triệu nông dân cả nước Việt Nam ta.
Cuối cùng, người viết tha thiết mong các bạn trẻ, sinh viên trường Luật, học sinh các trường tỉnh, huyện, xã, các hội nông dân tự do ở trong nước, mọi người có lòng thương yêu nông dân và nông nghiệp phổ biến rộng rãi bài viết này và tham gia bàn luận sôi nổi. Xin đa tạ.
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.