Đường dẫn truy cập

Mỹ bắt đầu thanh lọc ‘gắt gao’ người tị nạn


Người biểu tình tại Sydney, Australia, ngày 5/10/16, kêu gọi đóng cửa trại giam giữ người tị nạn ở Nauru và Manus Island.
Người biểu tình tại Sydney, Australia, ngày 5/10/16, kêu gọi đóng cửa trại giam giữ người tị nạn ở Nauru và Manus Island.

Giới hữu trách Bộ An ninh Nội địa Mỹ khởi sự các cuộc phỏng vấn ‘thanh lọc kỹ lưỡng’ tại các trại tập trung người tị nạn ngoài khơi bờ biển Australia, thực thi chương trình trao đổi người tị nạn với Australia mà Tổng thống Donald Trump từng gọi là ‘thỏa thuận ngu xuẩn.’

Các cuộc phỏng vấn an ninh đầu tiên hoàn tất tuần rồi tại trung tâm Manus Island của Papua New Guinea, Reuters dẫn lời hai người tị nạn vừa trải qua các cuộc phỏng vấn này cho biết.

Nguồn tin này cho hay các cuộc phỏng vấn kéo dài 6 giờ đồng hồ với các câu hỏi sâu rộng về thân nhân, gia đình, bạn bè, giao tiếp liên lạc để xem ứng viên có liên hệ gì với Nhà nước Hồi giáo hay không.

Đây là giai đoạn chót trong tiến trình xét đơn xin tị nạn Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Trump tháng trước loan báo thỏa thuận cho phép tới 1250 người đang tá túc tại các trại tị nạn ngoài khơi Australia tái định cư sang Mỹ sẽ được xúc tiến với điều kiện người tị nạn phải hội đủ điều kiện sau các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt.

Đổi lại, Australia cam kết nhận người tị nạn Trung Mỹ từ một trại tập trung ở Costa Rica, theo thỏa thuận ký kết giữa hai nước dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Manus Island là một trong những trại tập trung người tị nạn do Australia vận hành. Nơi đây hiện có gần 1300 người bị bắt giữ trên đường tìm cách vượt biên sang Australia bằng tàu.

Các tổ chức hoạt động nhân quyền lên án chính sách bắt giữ người tị nạn và các điều kiện khắc nghiệt trong các trung tâm giam giữ.

Quyết định về số phận 70 người đầu tiên được phỏng vấn sẽ được định đoạt trong tháng tới.

Một phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay người tị nạn từ các cơ sở tập trung do Australia vận hành sẽ bị thanh lọc y như nhau.

Chương trình nhận người tị nạn sang Mỹ tái định cư nhằm giúp Papua New Guinea và Australia xúc tiến kế hoạch đóng cửa trại Manus vào ngày 31/10.

Những người không được Mỹ nhận hoặc được định cư tại Papua New Guinea hoặc phải hồi hương.

Australia đồng ý cấp tới 25.000 đô la cho những ai tự nguyện về nước, nhưng những người tị nạn chỉ muốn tìm nơi định cư mới, không mấy ai muốn nhận khoản tiền này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG