Đường dẫn truy cập

Mỹ, Canada có đường lối khác nhau về việc nhận người tị nạn Syria


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại cuộc họp song phương ở hội nghị thượng đỉnh APEC tại Manila, Philippines, ngày 19/11/2015.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại cuộc họp song phương ở hội nghị thượng đỉnh APEC tại Manila, Philippines, ngày 19/11/2015.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Thủ tướng Canada Justin Trudeau sẽ thảo luận về việc tăng cường các mối quan hệ song phương khi nhà lãnh đạo Canada thực hiện chuyến viếng thăm chính thức đến Washington ngày 10 tháng 3. Theo tường thuật của thông tín viên Jeff Swicord của đài VOA, chuyến viếng thăm này làm nhiều người chú ý tới đường lối khác nhau giữa hai nước trong việc tiếp nhận người tị nạn Syria.

Trong lúc Thủ tướng Trudeau thực hiện chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên đến Hoa Kỳ, dòng người tị nạn và di dân từ Syria và các nơi khác tiếp tục là những tin hàng đầu của báo chí thế giới.

Canada, dưới sự lãnh đạo của ông Trudeau, đã áp dụng một đường lối khác với Washington, qua việc thực hiện một chương trình để tái định cư 25.000 người tị nạn.

Ông Trudeau nói sở dĩ ông quyết định thực hiện chương trình này vì, theo nguyên văn lời ông, "nó định nghĩa đất nước chúng tôi là một nước như thế nào."

Bà Cathleen Farrell, một người Canada tranh đấu cho quyền lợi của di dân, giải thích như sau về câu nói của thủ tướng Trudeau:

"Tôi nghĩ rằng ông ấy muốn nói tới truyền thống lâu đời của chúng tôi là quý trọng việc mở rộng vòng tay để đón nhận những người cần giúp đỡ trên khắp thế giới. Cho nên khối người tị nạn là một khối người quan trọng mà người dân Canada đón nhận từ lâu. Và tôi nghĩ rằng ông ấy muốn bày tỏ những cảm nghĩ của công chúng nước này."

Tổng thống Obama đã đề nghị tiếp nhận 10.000 người Syria tị nạn trong năm nay, nhưng đề nghị đó đã gặp phải sự chống cự mạnh mẽ trên chính trường Mỹ.

Những mối quan tâm về an ninh tiếp theo sau những vụ tấn công khủng bố ở San Bernardino và Paris đã được khuấy động thêm bởi các chính trị gia, nhất là trong cuộc vận động tranh cử tổng thống.

Các ứng viên tổng thống của phe Cộng hoà -- như ông Donald Trump và Thượng nghị sĩ Ted Cruz, đã hô hào cho việc áp dụng những sự hạn chế đối với người Syria tị nạn.

Ông Ted Cruz phát biểu: "Tôi đang dẫn đầu cuộc chiến đấu tại Thượng viện Mỹ để chặn đứng kế hoạch của Tổng thống Obama và bà Hillary Clinton nhằm đưa vào nước Mỹ hàng vạn người tị nạn là người Syria theo đạo Hồi. Tại sao vậy? Tại vì chính phủ này chính họ đã thừa nhận là họ không thể sưu tra lý lịch của những người tị nạn này."

Tuy nhiên, lập luận đó đã gặp sự phản bác của những người tranh đấu cho quyền lợi của người tị nạn. Bà Lavina Lemon, thuộc Uỷ ban Hoa Kỳ về Người tị nạn và Di dân, nói: "Người tị nạn là những người được sưu tra kỹ lưỡng nhất trong số tất cả những người được phép nhập cảnh vào nước Mỹ."

Ông Donald Trump và Thượng nghị sĩ Ted Cruz hô hào cho việc áp dụng những sự hạn chế đối với người Syria tị nạn.
Ông Donald Trump và Thượng nghị sĩ Ted Cruz hô hào cho việc áp dụng những sự hạn chế đối với người Syria tị nạn.

Bà Cathleen Farrell nói tại Canada cũng có một số người có chủ trương bài xích di dân, nhưng nước này đã bị rúng động vì câu chuyện thương tâm của em Aylan Kurdi, một bé trai 3 tuổi bị chết đuối ở duyên hải Thổ Nhĩ Kỳ trong lúc gia đình em tìm cách để đoàn tụ với người thân ở Canada.

Bà Farrell cho biết: "Tôi nghĩ rằng chuyện đó đã làm cho người dân Canada bị chấn động. Họ cảm thấy buồn bã và cảm thấy xấu hổ."

Khi Thủ tướng Trudeau và Tổng thống Obama gặp nhau ở Washington, cuộc thảo luận của họ sẽ tập trung vào các vấn đề thương mại và biến đổi khí hậu. Nhưng vấn đề về người tị nạn có phần chắc cũng sẽ được nói tới vì chính phủ của ông Obama từng lên tiếng tán dương chính sách của Canada đối với người tị nạn Syria.

VOA Express

XS
SM
MD
LG