Đường dẫn truy cập

Mỹ, Châu Âu nghi ngờ hứa hẹn của Nga


Tổng thống Joe Biden phát biểu bên cạnh Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Tòa Bạch Ốc ngày 29/3/2022.
Tổng thống Joe Biden phát biểu bên cạnh Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Tòa Bạch Ốc ngày 29/3/2022.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 29/3 tỏ thái độ dè dặt trước hứa hẹn của Nga về việc tái phối trí các lực lượng xung quanh Kyiv, trong lúc Mỹ và đồng minh bắt đầu thảo luận về một gói viện trợ mới trị giá 500 triệu đô la dành cho Ukraine.

Phát biểu bên cạnh Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ông Biden nhấn mạnh các chế tài làm tê liệt kinh tế Nga sẽ tiếp tục trong khi Mỹ và các đồng minh theo dõi các quyết định kế tiếp của Nga.

“Chúng ta rồi sẽ thấy. Tôi không muốn nói trước chuyện gì cho đến khi chúng ta nhìn thấy hành động của họ,” ông Biden nói.

Trước đó ông Biden điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaft Scholz, Thủ tướng Ý Mario Draghi và Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Ông Biden cho biết các lãnh đạo nhất trí chờ xem Nga đề nghị những gì.

Tuyên bố của Tòa Bạch Ốc về cuộc điện đảm của ông Biden với các đồng minh cho hay họ xem lại các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo cho hàng triệu người bị ảnh hưởng vì chiến tranh bên trong Ukraine và những người đang tị nạn tại các nước khác.

“Họ cũng thảo luận về tầm quan trọng của việc hỗ trợ cho các thị trường năng lượng vì những gián đoạn do chế tài hiện nay gây ra,” tuyên bố nói.

Cuộc điện đàm diễn ra giữa lúc hòa đàm giữa Nga và Ukraine được tổ chức tại Istanbul hôm 29/3, theo đó Moscow hứa giảm bớt các hoạt động quân sự gần các thành phố Kyiv và Chernihiv và Ukraine ngỏ ý chấp nhận một tình trạng trung lập với những đảm bảo an ninh quốc tế trong khi vẫn duy trì lãnh thổ.

“Chúng ta thấy quá rõ thực tế những gì xảy ra trên thực địa,” một giới chức Mỹ nói với điều kiện ẩn danh. “Chớ có ai bị lừa vì tuyên bố của Nga. Chúng tôi tin rằng bất cứ động thái nào của lực lượng Nga chung quanh Kyiv chỉ là một cuộc tái phối trí, chứ không phải là rút quân.”

Một nguồn tin biết rõ tình hình nói với Reuters rằng Mỹ và đồng minh đang thảo luận về khả năng của một vòng viện trợ nữa cho Ukraine có thể lên tới 500 triệu đô la.

Giới chức Mỹ từ chối xác nhận con số nhưng cho biết Mỹ “làm việc tích cực để tiếp tục giúp đỡ tốt nhất cho chính phủ Ukraine thông qua hỗ trợ an ninh, nhân đạo và tài chánh.”

Ông Biden vừa từ châu Âu trở về. Tuần trước, ông tới châu Âu, đích thân gặp các lãnh đạo châu Âu và dự thượng đỉnh NATO về cách đáp ứng của phương Tây với cuộc xâm lược Nga tại Ukraine vốn đã kéo dài hơn một tháng.

Các lãnh đạo Đức, Mỹ, Pháp, Anh và Ý trong cuộc điện đàm hôm 29/3 nhất trí tiếp tục thúc đẩy Nga ngưng bắn và rút quân khỏi Ukraine, một phát ngôn viên chính phủ Đức nói.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Ý Mario Draghi cũng đồng ý tiếp tục áp lực chế tài mạnh mẽ lên Nga, phát ngôn viên Steffen Hebestreit nói trong một tuyên bố.

Họ thúc giục Tổng thống Nga Vladimir Putin “cho phép chuyển giao tiếp tế nhân đạo khẩn cấp để giúp dân chúng tại Ukraine và lập ra những hành lang nhân đạo hữu hiệu… đặc biệt tại thành phố Mariupol,” ông Hebestreit cho biết.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng thảo luận các biện pháp an ninh năng lượng và đối phó với giá năng lượng leo thang.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG