Nhiều công việc tại Mỹ có thể được thuê ở bên ngoài, hay được đảm trách bởi nhân công nước ngoài. Chẳng hạn như đa số hàng may mặc tại Mỹ được sản xuất tại các quốc gia khác.
Tuy nhiên có một công việc không thể gia công từ bên ngoài, đó là chăm sóc y tế. Đó là lý do tại sao nghề điều dưỡng đang phát triển tại Mỹ.
Một lý do khác là con số đông đảo những người Mỹ lớn tuổi, thuộc thế hệ “Baby Boombers” sanh sau Thế Chiến Thứ Hai, từ những năm 1940 cho đến những năm 1960. Những người này ngày càng cao tuổi, nhiều người phải vào bệnh viện hay viện dưỡng lão. Hiện nay nghề điều dưỡng đang chào đón những di dân muốn tìm giấc mơ Mỹ.
Trong hơn 40 năm qua, trường Carlos Rosario do ông Carlos Manuel Rosario thành lập vào những năm 1970 tại Washington D.C đã làm thay đổi cuộc sống của hàng chục ngàn di dân bằng cách đầu tư và hỗ trợ cho cuộc hành trình đạt đến Giấc mơ Mỹ của họ. Trường phối hợp giáo dục với những chương trình dạy kỹ năng sống và những dịch vụ hỗ trợ khác để giúp các học viên di dân có đủ khả năng về ngôn ngữ và nghề nghiệp bắt đầu một cuộc sống mới.
Bắt đầu vào năm 2009, Trường Quốc tế Carlos Rosario có một chương trình huấn luyện các phụ tá điều dưỡng. Một phụ tá điều dưỡng là người làm việc với các y tá để lo các dịch vụ căn bản như giúp bệnh nhân ăn uống, tắm rửa, di chuyển, và dọn dẹp giường chiếu.
Trước khi mở chương trình Huấn luyện Phụ tá Điều dưỡng ( NAT ), ban giảng huấn trường Carlos Rosario đã nghiên cứu nhu cầu về đội ngũ lao động sơ cấp. Bà Heather Tatton-Harris, người lập giáo trình, cho biết:
“Chúng tôi tìm hiểu xem tăng trưởng việc làm tại khu vực Washington D.C như thế nào—lãnh vực nào, công việc nào đang phát triển, tại D.C, và chăm sóc sức khỏe là một trong những cơ hội đang phát triển nhanh chóng cho những học viên của chúng tôi để tìm được việc làm mới. Và đồng thời chúng tôi cũng thăm dò các học viên để xem họ quan tâm đến những công việc gì.”
Chương trình NAT bắt đầu vào năm 2009 áp dụng cho những di dân học tiếng Anh có trình độ cao.
Vào năm 2014, một chương trình thí điểm được bắt đầu đối với những người nói tiếng Anh có trình độ trung bình. Học viên vừa cải thiện khả năng Anh ngữ vừa học nghề làm phụ tá điều dưỡng. Chương trình phối hợp một huấn luyện viên là y tá chuyên nghiệp với một giảng viên dạy tiếng Anh như một sinh ngữ thứ hai hay còn được gọi là ESL.
Bà Tatton-Harris giúp thiết lập lớp huấn luyện phụ tá điều dưỡng cho học viên ESL. Bà cho biết có hai khóa học:
“Một khóa dành cho học viên đã hoàn tất chương trình học tiếng Anh cao cấp và sẵn sàng đi ngay vào nội dung lớp huấn luyện phụ tá điều dưỡng. Một chương trình thứ hai được thiết kế cho những học viên nói tiếng Anh ở trình độ trung cấp. Và trong chương trình này, chúng tôi kết hợp một y tá với một giảng viên ESL, để học viên dễ tiếp cận hơn với nội dung chương trình. Nội dung học trình cũng như nhau nhưng cách truyền đạt tới học viên được thực hiện khác nhau.
Trước khi bắt đầu thành lập lớp học ESL-NAT, bà Tatton Harris đề nghị xem xét những chương trình của những trường khác để có thêm ý kiến.
Bà Harris nói:
“Nhìn vào những gì các trường khác đang làm. Học hỏi những gì họ đã đi qua. Những điều chúng tôi rút tỉa được thực sự quan trọng. Chúng tôi xem xét những chương trình ở bang Washington nơi họ huấn luyện với một giảng viên ESL cạnh một giảng viên về chuyên môn. Chương trình này được gọi là IBEST. Tiểu bang Washington họ phát triển kiểu mẫu này. IBEST viết tắt từ Hội nhập Giáo dục Căn bản và Huấn luyện Kỹ năng. Đây là kiểu mẫu càng ngày càng được áp dụng nhiều hơn trên toàn nước Mỹ. Hai giảng viên cùng giảng dạy lĩnh vực chuyên môn của họ.”
Bà Tatton Harris nói giảng viên ESL đóng vai trò rất quan trọng trong chương trình:
“Khi đưa một chương trình huấn nghệ xuống một cấp độ, giúp học viên có trình độ Anh ngữ sơ cấp chuẩn bị để được huấn luyện nghề nghiệp, điều quan trọng là kinh nghiệm của người giảng viên ESL, họ phải biết cách làm sao để học viên lĩnh hội được nội dung truyền đạt. Các giảng viên chuyên môn của chúng tôi rất thạo nghề, nhưng họ không biết được trình độ các học viên hiểu được tiếng Anh tới đâu.”
Bà Laurel Anderson là giảng viên ESL của chương trình NAT trung cấp tại trường Carlos Rosario. Bà cho biết học viên chương trình này khác với học viên một lớp ESL bình thường.
Bà Anderson chia sẻ:
“Có thể nhận thấy khác biệt ở mức độ động lực. Biết rằng cuối khóa học sẽ có đợt kiểm tra của hội đồng giám khảo Hội Chữ thập Đỏ, điều đó thực sự khích lệ học viên. Con số học viên tham dự các lớp học hầu như là 100%, mỗi ngày có 100% học viên hiện diện, khác với lớp ESL thông thường. Do đó, chúng ta đang mang một thế giới thực vào đây—thi cử rồi có được việc làm sau đó. Cho nên, có thể nói lớp học này khác hẳn một lớp ESL thuần túy.”
Các học viên lớp NAT tập cách cho bệnh nhân ăn uống. Kế lớp học có một phòng giống như phòng bệnh viện. Học viên học cách dùng thiết bị điều khiển điện tử để nâng hoặc hạ giường bệnh. Một phụ tá trợ giảng kiểm tra mỗi thao tác của học viên trong khi thực tập.
Trở lại lớp học, bà Arlene Venable, giảng viên huấn nghệ phụ tá điều dưỡng, đang hướng dẫn học viên di chuyển một vật nặng đúng cách. Phụ tá điều dưỡng đôi khi phải di chuyển bệnh nhân và các dụng cụ. Họ phải biết cách thao tác tránh gây thương tích cho mình.
Giảng viên Anderson lớp ESL nói chương trình ESL NAT đòi hỏi một số thay đổi quan trọng trong thiết kế học trình lúc ban đầu. Một trong những thay đổi này là cấp bậc của sách giáo khoa.
Bà nói:
“Phải làm sao điều chỉnh sách giáo khoa thích hợp với các học viên khác nhau. Chúng tôi có một vài học viên gặp khó khăn với sách giáo khoa.Tuần trước chúng tôi liên lạc với nhà xuất bản và biết được có một phiên bản cơ bản hơn. Do đó chúng tôi sẽ đưa phiên bản đó vào áp dụng để xem có thích hợp với học viên hơn không.”
Việc dạy ngôn ngữ trong chương trình cũng thay đổi. Bà Anderson nói chương trình bắt đầu việc đặt nặng tầm quan trọng về kỹ năng nói của học viên. Ý tưởng chính là học viên phải có thể giao tiếp một cách rõ ràng với bệnh nhân và các đồng nghiệp.
Bà nói:
“Chúng tôi chú trọng nhiều đến việc này khi chúng tôi bắt đầu chương trình. Trên đường thực hành chúng tôi cũng nhận ra là khả năng đọc hiểu cũng là một phần quan trọng cần chú ý đến. Do đó chúng tôi phải điều chỉnh lại-thêm những kỹ thuật và hoạt động về đọc hiểu để giúp học viên hiểu được tất cả những tài liệu này- đây là trọng tâm lớn nhất của học kỳ này.”
Bà Tatton-Harris nói chương trình ESL NAT cũng đã thay đổi thời điểm đưa ra tài liệu mới:
“Chúng tôi rút kinh nghiệm về tiến độ, nhanh chậm ra sao , cần bao nhiêu thời gian cho một đề tài nào đó.”
Bà Tatton-Harris cho biết thêm là chương trình ESL NAT đã rút tỉa được những cách thức tốt nhất để theo dõi tiến bộ của học viên.
Bà tiếp lời:
“Chúng tôi cũng học cách theo dõi để biết được chỗ nào học viên học tốt hơn. Chúng tôi thu thập nhiều dữ liệu về cách thức học viên làm bài thi, cách họ thực tập trong phòng thí nghiệm, cách chúng tôi dùng công nghệ để ghi chép việc này. Do đó chúng tôi dùng máy quay phim để ghi hình và học viên cũng có thể tự nhận xét về mình, giáo viên có thể quan sát học viên sử dụng các kỹ năng của họ qua những video như vậy để đánh giá học viên. Tất cả những điều này chúng tôi học hỏi được qua kinh nghiệm.”